Đảm bảo đủ sách giáo khoa cho năm học mới
Cứ đến đầu năm học mới, nhiều phụ huynh lại phải ngược xuôi tìm mua sách giáo khoa (SGK) cho con; Làm gì để tình trạng này không tái diễn? Trách nhiệm thuộc về ai nếu để xảy ra thiếu sách?
Quan tâm của cả xã hội
SGK cho năm học mới là vấn đề quan trọng được phụ huynh, học sinh, các nhà trường và xã hội hết sức quan tâm.Trừ lứa học sinh học sách mới được phê duyệt và phát hành năm đầu tiên, (năm nay là SGK lớp 4, 8, 11) hầu như tất cả phụ huynh sẽ đăng ký mua SGK theo nhà trường. Còn nhiều học sinh khác do không có điều kiện nên sẽ đi xin, mượn… từ các học sinh lớp trước. Do đó, việc thiếu, hỏng, rách một vài cuốn sách và phải mua thêm là phổ biến, nhất là với các cuốn vở bài tập, luyện viết… không thể dùng chung được. Tuy nhiên, không dễ để tìm mua đúng sách theo danh mục SGK nhà trường cung cấp tại các hiệu sách.
Chị Phạm Minh Thảo (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, con chị là một trong 4 học sinh ở lớp không đăng ký mua SGK lớp 3 tại trường. Cuối năm học, khi nhà trường gửi danh mục SGK và sách bài tập đã được phê duyệt dùng trong năm học 2023-2024 để phụ huynh học sinh đăng ký, chị đã ra hiệu sách ngay trước cổng trường để mua một số cuốn chắc chắn không xin được là các sách bài tập.
“Dù chuẩn bị sớm như vậy nhưng 4 hiệu sách trên địa bàn tôi đi tìm đều không còn các cuốn này. Họ cho biết gần đầu năm học sẽ nhập thêm sách nhưng tôi lo như năm ngoái lại phải chạy đôn chạy đáo đi mua. Nên đã gọi đến số điện thoại của nhà xuất bản để hỏi, được giới thiệu một số hiệu sách trên phố có sẵn nhưng vì khoảng cách quá xa nên tôi không đi được. May mắn là sau đó tôi đã đặt mua được trên mạng, phải mất thêm phí giao hàng” – chị Thảo nói.
Trên thực tế, mấy năm trở lại đây tình trạng vào năm học rồi vẫn chưa mua được SGK, học sinh phải học bằng bản phô tô những ngày đầu năm học không phải là việc hiếm. Ngay như với tài liệu giáo dục địa phương, nhiều trường vẫn đang giảng dạy thông qua việc trình chiếu trên màn hình, tài liệu thì in ra từ bản PDF do các địa phương vẫn đang gặp khó trong việc in ấn, phát hành. Đặc biệt, với những lớp đầu tiên thay sách như lớp 4, lớp 8, lớp 11 năm nay, liệu có xảy ra tình trạng như năm ngoái khi năm học mới đã diễn ra vài tuần nhưng một số nơi vẫn chưa có SGK? Ở năm học thứ 4 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tình trạng này có còn lặp lại?
Nhà xuất bản lên tiếng
Trước nguy cơ thiếu SGK cho năm học 2023-2024, đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cho biết, trong báo cáo của Nhà xuất bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: Hiện SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (lớp 5, 9, 12) đã triển khai in 86% sản lượng theo kế hoạch, đã nhập kho đạt 65%. Đối với SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10) đã triển khai in 81% sản lượng theo kế hoạch, đã nhập kho đạt 36%. Riêng SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 4, 8, 11), để kịp tiến độ in, có SGK trước khai giảng phục vụ năm học 2023 - 2024, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam dự kiến in khoảng 51,41 triệu bản.
Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đã nhiều lần làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để cùng tháo gỡ khó khăn, cùng với đó là chỉ đạo xây dựng kế hoạch, trước hết là sách các năm trước không phải sách mới, sách cho các lớp khác, đã chủ động in ấn trước và cơ bản đã hoàn thành.
Riêng sách dành cho lớp 4, 8, 11 là sách mới, ngày 2/6 đã tổ chức mở thầu việc in gần 80% số sách, còn khoảng 20% trên cơ sở các địa phương báo về đầy đủ để Nhà xuất bản lên kế hoạch tổ chức in. “Trong tháng 6 sẽ in đủ 80% và tiếp tục in hoàn thành để kịp cho năm học mới, đủ sách cho các khối lớp 4, 8, 11. Như vậy sẽ hoàn thành đủ sách cho cấp phổ thông” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin.
Trên thực tế, mặc dù năm nay Bộ GDĐT đã yêu cầu các địa phương cung cấp đầy đủ, kịp thời số lượng đăng ký SGK cho các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn trước khai giảng năm học mới khoảng 4 tháng. Tuy nhiên, ghi nhận tới giữa tháng 5/2023 mới chỉ có 37/63 tỉnh, thành phố công bố kết quả chọn sách. Việc chọn sách chậm và thêm phải chờ phê duyệt giá ở một vài địa phương nên có tình trạng thiếu SGK, nhất là bộ sách lớp 4, 8, 11. Đến thời điểm này, các địa phương đã phê duyệt đầy đủ các loại sách.
Để không tái diễn tình trạng thiếu SGK, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo các địa phương phải phối hợp với các nhà xuất bản thống nhất chọn đơn vị có chức năng, đủ năng lực cung ứng SGK. Đồng thời phải hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp với đơn vị cung ứng SGK để đảm bảo việc cung ứng đầy đủ, kịp thời sách, đáp ứng nhu cầu của giáo viên, phụ huynh, học sinh trên địa bàn trước ngày 15/8.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, đại diện Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam cho biết, bộ sách Cánh diều đã chuẩn bị đầy đủ, tái bản 100% nên không có tình trạng thiếu sách. Các bộ sách mới lớp 4, 8, 11 hiện nay đang in và cho nhập sách. “Chúng tôi cam đoan không để tình trạng thiếu sách Cánh diều" – vị này cho hay.
Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam công bố đường dây nóng, với số điện thoại 0344181018 hoạt động từ 8h đến 22h hàng ngày để phụ huynh, học sinh liên lạc khi cần hỗ trợ mua sách, nhận phản ánh những vấn đề liên quan tới SGK.