Tiếp tục đề án đào tạo song bằng cấp THPT
Ngày 4/6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội thông tin, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc kéo dài Đề án Thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-Level) tại Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2023-2024 đến hết năm học 2026-2027.
Thông tin này đến với phụ huynh và học sinh Hà Nội khi chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, kỳ thi vào lớp 10 THPT chuyên và không chuyên của thành phố sẽ diễn ra. Trước đó, nhiều người lo lắng không biết chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT sẽ kéo dài đến khi nào?
Cụ thể, tại Quyết định 3027, UBND TP Hà Nội giao trách nhiệm Sở GDĐT xây dựng đề án tiếp tục thực hiện đề án này và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định. Đồng thời, xây dựng mức học phí đối với học sinh hệ song bằng được tuyển sinh theo đề án thí điểm, báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét, quyết định theo đúng quy định pháp luật và thẩm quyền. UBND TP Hà Nội cũng giao Sở GDĐT chủ trì phối hợp các sở/ ngành liên quan đánh giá, tổng kết mô hình thí điểm, tham mưu đề xuất mô hình phù hợp để phát triển giáo dục Thủ đô tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Trước sự quan tâm của người học về hệ đào tạo này, trong tháng 5 vừa qua, Sở GDĐT Hà Nội cũng cho biết, đang trình Thành ủy và UBND thành phố xin phép được tiếp tục tuyển sinh lớp 10 song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc cấp THPT năm học 2023-2024 tại 2 trường, gồm: THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và THPT Chu Văn An. Theo dự kiến của Sở GDĐT, chỉ tiêu tuyển sinh chương trình song bằng tú tài là 2 lớp/trường. Sau khi được phép tuyển sinh, Sở sẽ công bố chính thức để cha mẹ học sinh, học sinh được biết. Sở cũng dự kiến giữ ổn định phương thức tuyển sinh lớp 10 song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc bậc THPT năm học 2023-2024 như năm học 2022-2023.
Tại Hội nghị tổng kết giai đoạn thí điểm chương trình đào tạo song bằng cấp THPT mới đây, đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, học sinh tham gia Đề án được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức, tiếng Anh vượt trội, có năng lực tư duy và kỹ năng tốt. 100% học sinh các khóa học của Đề án đã và đang theo học đều có kết quả học lực giỏi và hạnh kiểm tốt. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, học sinh đều có kỹ năng xã hội tốt, năng động, thành thạo ngoại ngữ, tin học. 100% học sinh hệ song bằng khóa I, II, III đều đã tốt nghiệp THPT theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án, các nhà trường cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Đơn cử như về chương trình giảng dạy, học sinh tham gia Đề án phải học đồng thời hai chương trình nên lịch học trong tuần khá dày, khối lượng kiến thức khá lớn, khiến học sinh thiếu thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, phát triển thể chất và một số kỹ năng khác.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định, đây là một chương trình khó, nhưng thời gian qua đã được triển khai tốt và có những kết quả ấn tượng. Ông Độ đề nghị, song song với việc đào tạo hệ song bằng phải bồi dưỡng giáo viên và cố gắng đào tạo nhân sự tại chỗ, giúp đội ngũ nâng cao năng lực cũng như lan tỏa sang các lớp không phải song bằng để tiếp cận với chương trình quốc tế. Trước đây, chúng ta phải ra nước ngoài để học tập thì bây giờ đã có những mô hình trường mẫu mực ngay tại Việt Nam, do đó, đây được xem là những điển hình nên được nhân rộng trên cả nước.