Tìm kiếm cơ hội từ thị trường trong nước

H.Hương-M.Sang 05/06/2023 09:00

Năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh ấy, việc phát triển thị trường trong nước được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đổi mới phương thức để kích cầu hàng hóa tiêu dùng.

Bà Mai Thị Ý Nhi - Giám đốc kinh doanh Công ty Mỹ Phương Food (TP Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua, Công ty đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, chương trình kết nối giao thương trong và ngoài nước. Nhờ vậy sản phẩm của công ty đã có được chỗ đứng ở thị trường trong nước.

Trong khi đó, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong lúc kim ngạch xuất khẩu sụt giảm thì khu vực dịch vụ, trong đó có bán buôn, bán lẻ vẫn có mức tăng trưởng khá. Thông qua các chương trình kích cầu nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Là DN tập trung khai thác thị trường nội địa, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Herbs cho biết, hiện DN đang có 2 sản phẩm chính là trà Shan tuyết cổ thụ và trà Thảo mộc. Hiện, sức mua tại thị trường trong nước khá tốt.

“Để bán được hàng thì trước hết sản phẩm phải tốt, chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp và quan trọng là uy tín. Với sức tiêu thụ như hiện nay, sắp tới DN đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, nhà xưởng để đáp ứng được nhu cầu của thị trường” - bà Nga nói.

Còn bà Đoàn Thanh Hằng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX nông sản Thái Nguyên cho biết, thị trường trong nước rất tiềm năng cho các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh được ngay trên sân nhà thì sản phẩm cũng phải đảm bảo đạt chuẩn, chất lượng ổn định, mẫu mã, bao bì hấp dẫn. Bên cạnh đó giá cả cũng phải hấp dẫn.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, trước tình hình xuất khẩu quá khó khăn như hiện nay thì thị trường nội địa có nhiềm tiềm năng để phát triển. Việt Nam với dân số 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi. Đầu vào của thị trường bán lẻ phục vụ tiêu dùng trong nước dồi dào, chất lượng đảm bảo, lại cộng thêm với điều kiện thu mua với cự ly gần, giảm được chi phí vận chuyển, rất phù hợp với điều kiện khai thác để tiêu thụ. Đây là một “mỏ vàng tiêu thụ” mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng chuỗi phân phối của mình để khai thác triệt để.

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thị trường các mặt hàng thiết yếu trong những tháng đầu năm 2023 không có biến động bất thường. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng.

Bộ Công thương sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước bằng nhiều giải pháp, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường. Hỗ trợ các DN (đặc biệt là DN nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã…) trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.

“Khi xuất khẩu gặp khó, điểm đáng mừng là nhiều DN đã chủ động quay trở lại tìm cơ hội ở trường nội địa” - ông Đông nhận xét.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dù thiếu đơn hàng nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm mọi cách để giữ việc, giữ chân người lao động.

H.Hương-M.Sang