Quyết liệt thu hồi tiền nợ bảo hiểm xã hội
Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình phục hồi sản xuất, kinh doanh trong nước. Các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn, làm suy giảm khả năng thanh toán và mất cân đối dòng tiền, dẫn đến chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó chủ yếu tiền chậm nộp mang tính chất “luân phiên”.
Theo BHXH Việt Nam, tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn tác động đến công tác an sinh xã hội trên địa bàn tại các địa phương. Chính vì vậy, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người tham gia, BHXH Việt Nam luôn nỗ lực kiểm soát, đôn đốc, thu hồi số tiền chậm đóng và đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực.
“Ngành BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan, như Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an... đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; kịp thời lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với DN cố tình vi phạm… Nhờ đó, tính đến ngày 31/12/2022, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp chỉ chiếm 2,91% số phải thu. Đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng/số phải thu thấp nhất từ năm 2016 (6%) trở lại đây. Trong đó, có 75,5% là tiền chậm nộp mang tính chất “luân phiên” của những DN đang hoạt động” - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết.
Đồng thời, với quan điểm lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ, BHXH Việt Nam luôn giải quyết chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại các DN chậm đóng BHXH cũng như kịp thời đề xuất, tham mưu với các bộ, ngành liên quan để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động theo quy định. Trong trường hợp cần chi trả chế độ cho người lao động tại các DN đang chậm nộp mang tính chất luân phiên thì về cơ bản, các đơn vị BHXH đều thực hiện theo quy định và được giải quyết kịp thời.
Mặc dù vậy, theo ông Ánh, để thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị, bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt của BHXH Việt Nam, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm chấp hành đóng BHXH, BHYT đúng quy định của các DN trên địa bàn. Theo đó, các sở, ngành địa phương cần phối hợp chặt chẽ để nắm bắt thường xuyên tình hình “sức khỏe” của DN, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời cảnh báo, đi đến phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, qua đó bảo vệ quyền lợi người lao động chủ động, tích cực.