'Đỏ mắt' tìm phim Việt cho thiếu nhi

Minh Quân 05/06/2023 07:00

Dịp hè luôn được xem là “mùa vàng” để các đơn vị phát hành các bộ phim điện ảnh phục vụ các khán giả nhỏ tuổi. Tuy nhiên, trong khi các bộ phim thiếu nhi của nước ngoài đang làm mưa làm gió tại các cụm rạp hay trên các nền tảng trực tuyến, thì hầu như không có sản phẩm mang thương hiệu Việt nào góp mặt trong dịp này.

Sau “Maika - cô bé đến từ hành tinh khác” đã hơn 1 năm chưa có bộ phim thiếu nhi nào của Việt Nam được sản xuất.

Khoảng lặng trên “sân nhà”

Theo thông tin từ các cụm rạp, trong dịp hè nhằm phục khán giả nhỏ tuổi nhiều đơn vị đã “mạnh tay” mua bản quyền các tác phẩm điện ảnh nước ngoài về trình chiếu. Trong đó, phim chiếu rạp có thể kể đến “Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời”, “Nàng tiên cá”, “Anh em Super Mario”, “Mèo siêu quậy ở viện bảo tàng”, “Cô bé cứu hoả”… Còn trên các nền tàng trực tuyến là “Gia đình là tất cả”, “Vươn tới cung trăng” “Liên minh thú cưng”, “Gia đình Willoughby”,”Thế giới đồ chơi”, “Doraemon: Đôi bạn thân”…

Như vậy, các bộ phim thiếu nhi trình chiếu trong dịp hè này khá đa dạng ở thể loại, hấp dẫn về nội dung. Tuy nhiên, nhìn vào “bữa tiệc” phim dành cho thiếu nhi trong dịp hè năm nay lại hoàn toàn vắng bóng các tác phẩm của Việt Nam. Có chăng chỉ có 2 bộ phim cũ là “Maika - cô bé đến từ hành tinh khác” và “Trạng Tí: Phiêu lưu ký” được phát lại trên các nền tảng trực tuyến.

Đã hơn 1 năm kể từ khi bộ phim “Maika - cô bé đến từ hành tinh khác” ra rạp, điện ảnh Việt Nam chưa có một sản phẩm mới nào dành cho thiếu nhi được sản xuất.

Không chỉ phim chiếu rạp hay trên các nền tảng trực tuyến mà phim thiếu nhi Việt Nam còn đang thiếu vắng trên các kênh sóng truyền hình. Đáng buồn hơn, trong thời đại công nghệ bùng nổ ngay “kho phim” đồ sộ như Youtube thì số lượng phim thiếu nhi của Việt Nam cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều khán giả lớn tuổi, các phụ huynh cũng chỉ biết hoài niệm về thời phim thiếu nhi Việt Nam đã tạo được thương hiệu trên các kênh sóng truyền hình như “Kính vạn hoa”, “Đội đặc nhiệm nhà C21”, “Đất phương Nam”, “Gia đình phép thuật”, “Cổ tích Việt Nam”…

Không phủ nhận những năm qua các nhà làm phim Việt Nam đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, chăm chút cho “đứa con tinh thần” của mình. Thế nhưng chính áp lực về doanh thu và tư duy phim thiếu nhi chỉ phát hành theo mùa vụ đã khiến nhiều nhà sản xuất nhụt chí để đầu tư sản xuất thể loại phim này.

Theo nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt, để đầu tư một phim điện ảnh “ra tấm ra món” khá tốn kém. Các nhà sản xuất ưu tiên sản xuất các tác phẩm dành cho người lớn thường dễ dàng đảm bảo doanh thu hơn. Trong khi đó, khán giả có quá nhiều lựa chọn phim nước ngoài ở rạp. Những bộ phim này không chỉ đáp ứng thị hiếu của thiếu nhi mà còn phù hợp với cả người lớn.

“Trạng Tí: Phiêu lưu ký”, một trong những bộ phim Việt hiếm hoi dành cho thiếu nhi trình chiếu trong hè này.

Mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá

Thực tế cho thấy để sản xuất ra một bộ phim điện ảnh nói chung hay dành cho thiếu nhi nói riêng đang là một bài toán kinh tế cho các đơn vị sản xuất. Cho dù mới đây, Cục Điện ảnh đã phát động cuộc thi viết kịch bản dành cho phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, tuy nhiên, câu chuyện từ kịch bản cho đến việc sản xuất ra một bộ phim hoàn chỉnh phục vụ khán giả vẫn còn một hành trình dài.

Dẫn chứng từ câu chuyển sản xuất phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung cho biết, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam mỗi năm được Nhà nước đặt hàng 30 – 35 bộ phim nhưng vẫn chỉ dừng lại ở những bộ phim ngắn 10 – 15 phút, ít phim 30 phút. Điện ảnh Việt Nam chưa có nhiều phim hoạt hình dài, nhất là phim 90 phút đủ để chiếu rạp. Để làm được phim dài cần nhiều yếu tố như kịch bản, trang thiết bị, nhân lực… nhìn chung đó là sự kết hợp nhiều nguồn lực. Phim hoạt hình Việt “lép vế” trước phim ngoại không chỉ vì lý do thiếu người tài. Chúng ta có tiềm năng, có nhân lực, có kỹ thuật… nhưng thiếu đầu tàu, không có người dẫn dắt.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tuấn Anh – Viện Nghiên cứu Thanh niên bày tỏ, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho phim thiếu nhi chiếu rạp chưa tương xứng. Một nguyên nhân cốt lõi khác là do nhà làm phim tư nhân luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu, cho nên họ không dễ dàng mở hầu bao đầu tư vào những sản phẩm chưa chắc chắn “hốt bạc”. Mặc dù Việt Nam có nền tảng các truyền thuyết, câu chuyện dân gian phong phú, là chất liệu làm phim có tính giáo dục cao, thế nhưng kỹ xảo, chất lượng làm phim chưa theo kịp đòi hỏi và nhu cầu thẩm mỹ của trẻ. Một vài năm gần đây chỉ có vài tên tuổi đầu tư chỉn chu làm phim cho thiếu nhi như nhà sản xuất, đạo diễn Ngô Thanh Vân. Tuy nhiên, hiệu ứng không tốt và thời gian trụ rạp quá ngắn. Hiệu quả doanh thu, lợi nhuận không cao khiến các nhà đầu tư không hào hứng.

Nhìn vào bức tranh chung của điện ảnh Việt Nam, có thể thấy mảng đề tài dành cho thiếu nhi đang là những gam màu trầm. Ở đó, trong cuộc đua với các bộ phim nước ngoài, các sản phẩm của Việt Nam không chỉ đang bị bỏ lại rất xa mà còn có dấu hiệu giậm chân tại chỗ. Chưa dám chắc trong tương lai phim thiếu nhi Việt Nam sẽ tìm được vị trí nào ngay trên “sân nhà”, nhưng nếu không có sự đột phá, thoát khỏi tư duy “học tập”, “cọ xát” thì mảng đề tài này vẫn mãi chỉ sống trong ánh hào quang của quá khứ. Trong khi đó, phim thiếu nhi là một trong những con đường ngắn nhất để giáo dục văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam đến với các chủ nhân của tương lai.

Không phủ nhận những năm qua các nhà làm phim Việt Nam đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, chăm chút cho “đứa con tinh thần” của mình. Thế nhưng chính áp lực về doanh thu và tư duy phim thiếu nhi chỉ phát hành theo mùa vụ đã khiến nhiều nhà sản xuất nhụt chí để đầu tư sản xuất thể loại phim này.

Minh Quân