Ý kiến của hai nữ đại biểu về y tế
Tuần qua, nghị trường Quốc hội rất sôi nổi, cả thảo luận ở hội trường lẫn thảo luận tổ. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được dư luận đánh giá cao. Riêng về lĩnh vực y tế, ý kiến của hai nữ đại biểu là bà Châu Quỳnh Dao (đoàn ĐBQH Kiên Giang) và bà Phạm Khánh Phong Lan (đoàn ĐBQH TPHCM) là rất đáng chú ý.
Trong phát biểu của mình, bà Châu Quỳnh Dao nêu, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam là hơn 73 nhưng chỉ “sống tốt, sống khỏe” đến 64 tuổi, thấp nhất khu vực. “Nguyên nhân một phần vì nhiều người khó khăn, cái ăn còn không đủ, làm gì chú ý tới phòng bệnh” - bà Quỳnh Dao tâm tư và cho rằng công tác phòng, chống bệnh ở ta quá tập trung vào bệnh truyền nhiễm, trong khi gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm lại chiếm tỷ lệ 70% và tỷ lệ tử vong của nhóm này chiếm tới 74%. “Có trên 67% người cao tuổi có chất lượng cuộc sống thấp bởi đau yếu liên miên vì bệnh không lây nhiễm và xu hướng hiện nay là "trẻ hóa” lứa tuổi mắc những bệnh này" - bà Quỳnh Dao cảnh báo.
Từ đó, nữ đại biểu kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bệnh không lây nhiễm khi mà đây vẫn còn khoảng trống.
Trong khi đó bà Phạm Khánh Phong Lan đã rất mạnh mẽ khi yêu cầu: “Chúng tôi cần có cơ chế cho người làm y tế và bảo vệ người làm cơ chế đó”. Dù đại dịch Covid -19 đã qua đi nhưng tình trạng thiếu thuốc, thiếu vaccine tại các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn đang diễn ra. Bà Lan đặt vấn đề: Bao giờ tình trạng này mới được khắc phục? đồng thời một lần nữa khẳng định cần xây dựng một nền y tế đủ mạnh để đi qua được các đại dịch, không chỉ có Covid-19.
Với ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, đây không phải là lần đầu những bất cập của ngành y tế được bà nói đến. Chiều 27/10/2022, tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nữ đại biểu đã nêu: “Ở các bệnh viện, từ lãnh đạo cho tới nhân viên y tế đều nói họ lực bất tòng tâm, thiếu tất cả, thiếu từ nhân lực, thiếu thuốc có chất lượng, thiếu cả trang thiết bị điều trị hiện đại”. Bà Lan cho rằng xã hội hóa để tự chủ bệnh viện đã triển khai lệch hướng vì khi xã hội hóa thì đầu tư của nhà nước bị cắt đi thay vì đầu tư cho y tế phải tăng lên và mở ra cơ hội tăng chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
“Tôi không biết đến bao giờ một ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế nào là làm sao chỉ tập trung vào chuyên môn, làm sao để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất thành hiện thực. Chứ không phải hàng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả về hành chính lẫn hình sự" - bà Lan chia sẻ.
Trước đó, ngày 8/11/2021, kỳ họp thứ 2, từ điểm cầu TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan đã đề nghị cần phải xem xét lại y tế cơ sở một cách toàn diện. Theo bà Lan, mặc dù đã có quy định về phân bổ ngân sách cho y tế dự phòng, nhưng các địa phương làm được điều này đều "đếm trên đầu ngón tay". Bà Lan cũng cho biết, vấn đề ở đây không chỉ là tiền mà làm sao để thu hút nhân lực, có trình độ cao. Nữ ĐBQH cũng cho rằng thời gian vừa qua đã "bỏ quên" lực lượng y tế tư nhân, lực lượng này chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế tham gia phòng, chống dịch thế nào cho đúng.
Mới thấy, những vấn đề về y tế đã được hai nữ ĐBQH đặt ra rất trúng, đều là “những việc cần làm ngay”.