'Làm sạch' kênh thương mại điện tử
Thương mại điện tử ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi trong mua sắm, người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.
Vẫn tồn tại hàng giả, hàng kém chất lượng
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, năm 2022 doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng cả nước. Giá trị mua sắm trung bình của người tiêu dùng trực tuyến đạt khoảng 288 USD. Mặc dù đánh giá cao TMĐT, song lãnh đạo Cục này cũng cho rằng ở môi trường này vẫn xuất hiện nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Ông Phạm Văn Huy - Hiệp hội TMĐT Việt Nam nhận định, bên cạnh việc bán hàng dễ dàng trên các trang TMĐT cũng tồn tại tình trạng một cá nhân có thể sử dụng nhiều tài khoản ẩn danh để bán hàng. Điều này tạo ra thách thức đối với các doanh nghiệp bán hàng chân chính và cả người tiêu dùng (NTD). Bởi nhiều mặt hàng không xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng bán rất rẻ so với hàng thật cộng với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn.
Liên quan đến nạn hàng giả, hàng không rõ xuất xứ trên TMĐT, mới đây Cục Quản lý thị trường TPHCM phát hiện và thu giữ hơn 6.000 sản phẩm là dầu gió xanh Singapore, kem face Pháp, kem body Pháp, Gel lột mụn 24k Gold mask, nước hoa OUD AL SUNTAN, nước hoa Karri, xịt chống nắng M’AYCREATE... Theo giá trị đang được niêm yết trên thị trường mạng, lô hàng có tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Ở thời điểm kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường xác định chủ các lô hàng trên là của ông Ngô Thái H. (SN 1994), trú tại Tân Hưng, Long An. Đáng chú ý, toàn bộ hàng hóa chủ yếu được kinh doanh trên nền tảng TMĐT, không có cửa hàng cũng như thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh hợp pháp.
Ông Phan Thanh Thảo - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần NPOIL cũng cho biết, hàng giả đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp (DN) và trong đó có NPOIL. Hàng giả rất khó để phân biệt và phát hiện, hiện tại công ty NPOIL thực hiện triển khai các công tác tuyên truyền, marketing để chống hàng giả, thay đổi mẫu mã, đồng thời ứng dụng các công nghệ chống giả lên sản phẩm để ngăn chặn hàng giả cho sản phẩm. Đối với các gian hàng của đơn vị trên TMĐT, ông Thảo khẳng định, đã đăng ký các gian hàng Mall và cung cấp các giấy tờ chứng minh chất lượng để NTD yên tâm mua sắm.
Cần giám sát chặt chẽ
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2022 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về TMĐT.
Chia sẻ về khó khăn của DN trong việc chống giả trên môi trường TMĐT, ông Mai Ngọc Thạch - Công ty CP Anh Khuê Watch (Tập đoàn Bitex Group) cho rằng, trước thực trạng hàng giả rất phổ biến trên các sàn TMĐT cần phải đề ra quy định chế tài cho TMĐT và các DN khi tham gia; ngăn chặn hàng giả ngay từ đầu, không để hàng giả tràn ra thị trường mới tìm cách xử lý. Ông Thạch cho biết thêm, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hiện tại công ty Anh Khuê đã và đang áp dụng tem bảo hành với công nghệ chống giả đặc biệt, có thể ngăn chặn hàng giả một cách hiệu quả, nhất là các sản phẩm tham gia trên sàn TMĐT.
Tương tự, ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng Giám đốc Vina CHG cho hay, DN đang triển khai các công nghệ chống hàng giả thông qua các con tem, đồng thời áp dụng các hệ thống phần mềm như phần mềm truy xuất nguồn gốc, phần mềm quản lý hàng hóa, quản lý kho, phần mềm bảo hành.. hỗ trợ DN quản lý một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Gần đây, Vina CHG tiến hành ứng dụng các công nghệ chống hàng giả ngay trên bao bì giúp ngăn chặn hàng giả theo xu hướng công nghệ số, thông minh, hiện đại, nhận diện thương hiệu và bảo vệ thương hiệu toàn diện.
Theo ông Trần Văn Dũng - Cục phó Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường), từ năm 2020, Ban chỉ đạo 389 đã tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Các địa phương cũng tăng cường phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc giai đoạn năm 2021-2025; tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử, các website có chức năng đặt hàng trực tuyến và các hoạt động sử dụng phần mềm khác trên môi trường internet, mạng xã hội để livestream bán hàng. Từ đó, kịp thời xây dựng phương án đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.