Nhiều di tích 'khát' kinh phí trùng tu

LÊ ANH 05/06/2023 07:45

Là một trong những địa phương quản lý nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, TP Hồ Chí Minh cũng đang phải đối diện với áp lực ngày càng lớn trong việc trùng tu, bảo vệ các công trình đang xuống cấp trầm trọng. Nhiều phương án đã được đặt ra bên cạnh kinh phí thường xuyên từ ngân sách, nhất là nhu cầu kêu gọi xã hội hóa cho các dự án cần tu bổ khẩn cấp.

Di tích lịch sử quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được TP Hồ Chí Minh chi 33 tỷ đồng để tu bổ bằng nguồn ngân sách thành phố.

Di tích “kêu cứu”

Đây là vấn đề thường trực, được nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể tham gia giám sát, góp ý với UBND TPHCM chi ngân sách thường xuyên phục vụ cho công tác trùng tu các công trình, di tích lâu đời, có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp. Thế nhưng, chỉ khi khảo sát thực tế, nhiều địa phương mới thực sự vào cuộc trước thực trạng xuống cấp của nhiều di tích hàng nghìn năm tuổi. Điển hình tại quận trung tâm TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố nằm trong khuôn viên khoảng 3.500m2 (quận 1) được xây dựng từ năm 1929. Đến năm 2021, công trình được xác định bị xuống cấp trầm trọng, với hiện trạng hư hỏng, nứt tường, trần ở các khối nhà chính, tường rào lún nghiêng… Dù vậy, công trình cũng chưa được đưa vào danh sách trùng tu, tôn tạo khẩn cấp do thiếu kinh phí.

Ngày 10/5 vừa qua, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật TPHCM đã phải trình kiến nghị xin thành phố trùng tu tất cả hạng mục ở phía trong và ngoài của di tích này. Sau đó, công trình mới bước đầu được đưa vào danh sách 31 di tích văn hóa, lịch sử dự kiến được tu sửa đến năm 2025. Tương tự, tại các buổi giám sát của Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TPHCM mới đây tại đình Xuân Hòa và Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968 (đều thuộc quận 3, TPHCM), nhiều hạng mục công trình xuống cấp đã khiến các thành viên đoàn không khỏi xót xa, trăn trở.

Tại đình Xuân Hòa, ông Nguyễn Văn Châu (84 tuổi) - người được giao bảo vệ di tích hàng chục năm qua, cho biết, dù là di tích kiến trúc nghệ thuật (cấp thành phố) ngay ở quận trung tâm nhưng việc xuống cấp một số hạng mục xuất phát từ nguyên nhân chính là chưa có sự hỗ trợ về mặt kinh phí. “Tôi đã trình bày với đoàn giám sát của Sở về một số hạng mục công trình của đình, trong đó có một phần mái, rui, kèo, cột đã xuống cấp, cần được tu bổ. Đây là một ngôi đình hiếm hoi ở miền Nam còn lưu giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ, với nhiều hiện vật. Việc bảo vệ cần được quan tâm hơn nữa” - ông Châu nói.

Khảo sát tại cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968 tại số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3), đoàn giám sát của Sở VHTT TPHCM cũng ghi nhận và đánh giá vai trò của cơ quan quản lý nhà nước để bảo tồn, phát huy di sản nhiều hạng mục, hình ảnh, hiện vật có giá trị cao về lịch sử cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang được lưu trữ hiện nay. “Qua khảo sát, đoàn giám sát càng tâm đắc hơn những di chỉ, những yếu tố về văn hóa di sản quý báu đó và nhận thức về trách nhiệm để gìn giữ” - ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở VHTT TPHCM, trưởng đoàn giám sát cho biết, đồng thời nhìn nhận, trải qua nhiều năm, hiện hầu hết các di sản của thành phố đều ở tình trạng xuống cấp.

Thời gian qua, công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa của TPHCM gặp nhiều bất cập, rào cản. Đã có khoảng 18 di tích, công trình kiến trúc lâu đời trên địa bàn thành phố bị xóa sổ, và một phần nguyên nhân đến từ quá trình quy hoạch giao thông đô thị đã bỏ sót khu vực bảo vệ di tích, trong khi việc phân loại di tích, di sản còn vướng mắc, dẫn đến không ít di tích nằm trong khu vực quy hoạch và rơi vào quên lãng.

Chủ động bảo vệ di tích, di sản

Đây là ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, cán bộ bảo tồn văn hóa, khảo cổ học trước thực trạng nhiều di tích đang xuống cấp, cần kinh phí để trùng tu, bảo vệ khẩn cấp. Tại một hội thảo chuyên đề về bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam bị giam giữ và hy sinh, TS Huỳnh Bá Lộc -Trường Đại học Văn Lang đã đề xuất, công trình này và các di tích lịch sử, văn hóa của TPHCM cần được xây dựng thành những điểm đến của du lịch. Để từ đó, vừa tạo thêm điều kiện để người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, vừa tạo thêm nguồn kinh phí để ban quản lý các di tích, công trình lịch sử kịp thời trùng tu, bảo vệ khi di tích xuống cấp. Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Hà - giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM đề xuất, cần tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok để tạo sự lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, đặc biệt nhất là đến với thế hệ trẻ.

Theo bà Nguyễn Mỹ Hạnh - Phó Chánh Văn phòng Sở VHTT TPHCM, ngoài các công trình cần cấp kinh phí trùng tu, bảo vệ khẩn cấp, Sở đang nghiên cứu, đề xuất 27 dự án kêu gọi xã hội hóa theo phương thức PPP và thu hút vốn FDI, đồng thời cũng sẽ rà soát các cơ sở, công trình do Sở quản lý để xem xét đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Đây là nỗ lực ban đầu rất lớn của TPHCM trước thực trạng xuống cấp của các di tích hiện nay.

Theo báo cáo của Sở VHTT TPHCM, hiện toàn thành phố có 185 di tích, trong đó khoảng 53 di tích được công nhận và trên 200 di tích chưa được công nhận. Cùng với quá trình trùng tu, bảo vệ nhiều di tích, trong thời gian tới Sở VHTT TPHCM tiếp tục phối hợp với Hội Khoa học lịch sử và di sản TPHCM để công nhận thêm các công trình, di tích lịch sử, văn hóa có giá trị của thành phố để lên kế hoạch lưu trữ, bảo vệ.

LÊ ANH