Vì sao ngủ trong ô tô bật điều hòa dễ chết người?

B.Phúc (tổng hợp) 05/06/2023 10:16

Ngủ trong ôtô đóng kín cửa, dù bật điều hòa hay không đều dẫn đến thiếu oxy, ngạt khí, thậm chí sốc nhiệt, suy hô hấp và tử vong.

Theo TTXVN, mùa hè đến, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời tăng cao, việc phải lái xe trong điều kiện nắng gắt khiến nhiều tài xế dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng và mất tập trung. Rất nhiều tài xế trong những lúc mệt mỏi, thường đóng kín cửa kính rồi ngủ trong ô tô đang bật điều hòa mát rượi mà không biết rằng, từng có không ít vụ việc tử vong vì thói quen này.

Bên cạnh đó, do thời tiết nắng nóng, nhiều khu vực bị cắt điện để giảm tải khiến nhiều người đã lựa chọn vào ô tô bật điều hòa để ngủ tránh nóng. Tuy nhiên, đây cũng là một hành động vô cùng nguy hiểm và cũng có thể gây ra tử vong bất kỳ lúc nào do bị thiếu oxy, ngạt khí…

Nguồn: TTXVN.

Theo Vnexpress, ngày 2/6, do mất điện, ba người ở Hải Phòng vào ô tô bật điều hòa ngủ. Đến nửa đêm thì một người bị tử vong, hai người còn lại hiện đã tỉnh. Chiếc xe để ở tầng một của ngôi nhà ống khép kín. Công an huyện An Lão đang điều tra nguyên nhân, nghi vấn nạn nhân bị thiếu oxy khi ngủ trong ô tô.

Hôm 2/6, bác sĩ Bùi Đức Ngọt, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu Điện, cho biết có hai mối nguy khi ngủ quên trong ô tô đóng kín là ngạt thở do ngộ độc khí CO và sốc nhiệt, nhất là xe đậu dưới trời nắng hoặc nơi kín đáo như gara, hầm. Cả hai đều có thể dẫn đến tử vong, nếu may mắn cứu sống vẫn nguy cơ tổn thương não, hoặc một số di chứng suốt đời.

Thông thường, khi ngồi trong xe, bật điều hòa và đóng kín cửa, mọi người chọn chế độ gió trong. Tuy nhiên, thể tích trong xe có hạn, nếu ngồi trong xe lâu hoặc ngủ quên dễ dẫn đến trao đổi khí kém, khiến nồng độ oxy trong máu thấp, suy hô hấp và lịm dần mà không hề hay biết. Càng nhiều người trong xe càng gây ngột ngạt, quá trình ngạt khí diễn ra nhanh hơn.

Ngoài ra, khi xe đóng kín cửa nổ máy và bật điều hòa, mức nhiệt dễ chịu nhưng oxy giảm, nguy cơ ngộ độc khí tăng. Nồng độ CO trong xe tăng làm giảm lượng oxy đi vào máu, khiến cơ thể bị sốc hoặc đột ngột tử vong.

Khi ô tô chạy trên đường, khí thải từ ống xả thoát ra phía sau xe, nên không chui được vào trong ô tô, theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Ngược lại, nếu xe dừng đỗ mà vẫn nổ máy, nhất là hướng ống xả ngược với chiều gió thổi, thì khí CO sẽ chui vào trong xe.

Lúc này, kể cả khi điều hòa lấy gió trong, thì khí CO vẫn chui qua các khe hở để vào được bên trong ô tô, dẫn đến ngộ độc và tử vong. Đặc biệt, đỗ xe để ngủ tại những nơi kín đáo, như gara, hầm càng khiến quá trình ngộ độc diễn ra nhanh. Tùy tính năng của từng loại xe mà lượng khí thải CO khác nhau.

"CO là kẻ sát nhân thầm lặng, không màu, không mùi, không vị và khó phát hiện", bác sĩ nói. Ở mức độ nhẹ, người bệnh bị đau đầu, buồn nôn, nôn ói, hoa mắt, khó thở. Khi CO còn ngấm vào máu gây tổn thương các cơ quan như hủy cơ, suy thận, gan dẫn đến cái chết "êm dịu".

Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy từ năm 1999 đến 2010 có hơn 5.000 ca tử vong do ngộ độc khí CO. Mỗi năm, nước này ghi nhận hơn 400 trường hợp tử vong, số nạn nhân phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc CO lên tới 10.000 người.

Ngủ quên trong ô tô có nguy cơ sốc nhiệt, ngạt khí, thậm chí tử vong. Ảnh: Theo Daily Record

Nguy cơ thứ hai là sốc nhiệt khi ngủ trong xe ô tô đóng kín dưới trời nắng. Thông thường nhiệt độ trong xe cao gần gấp đôi so với nhiệt độ ngoài trời. Người ở lâu trong ô tô đóng kín bị thiếu oxy, sốc nhiệt làm tổn thương não bộ, thần kinh...

Bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong khoảng một giờ ở trong xe đóng kín, người trong xe đã có thể bị sốc, mất nước và dịch. Thời gian dẫn đến các tai biến sức khỏe và hệ quả còn tùy vào thể trạng từng người, số lượng người trong xe, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời.

"Khi thân nhiệt lên đến ngưỡng 40 độ C có thể xảy ra tình trạng sốc nhiệt, đến 42 độ C hoặc cao hơn sẽ làm rối loạn các cơ quan dẫn đến tử vong", bác sĩ Chính nói.

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa việc lái ô tô hàng giờ khi xe đóng kín cửa và khi ngủ trong xe đóng kín đang đỗ. Khi lái xe, bạn nhận thức được nhiệt độ trong xe cũng như bất kỳ rò rỉ khí nào có thể xảy ra, cơ thể cũng tự động điều hòa thân nhiệt phù hợp. Lúc này, mọi người có xu hướng tìm đến cửa sổ nếu bắt đầu cảm thấy ngột ngạt hoặc cần không khí trong lành. Ngược lại, ngủ bên trong xe hơi hoặc bị bỏ quên trong xe, không thể mở cửa, cơ thể dễ tăng nhiệt và bị ngạt.

Hiện nay, thời tiết các tỉnh miền Bắc nắng nóng kéo dài, có nơi lên tới 40 độ. Các bác sĩ khuyên tài xế chỉ nên ngủ trong xe khi gặp trường hợp khẩn cấp và phải đặt báo thức. Cách tốt nhất là tìm một khu vực nghỉ ngơi và rời khỏi xe. Hoặc lựa chọn những nơi có bóng râm như tán cây, mái hiên để đỗ xe. Tuyệt đối không ngủ bật điều hòa và đóng kín cửa ô tô để ngủ.

Cha mẹ để ý các con, tránh bỏ quên con trên xe. Nếu nghi ngờ bị ngộ độc CO, cần nhanh chóng mở rộng cửa, đưa nạn nhân đến nơi thoáng khí, sau đó chuyển nhanh đến bệnh viện điều trị.

B.Phúc (tổng hợp)