Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp trong truyền thông số
Chiều 5/6, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững”.
Dự Diễn đàn có nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, PGS,TS Nguyễn Hồng Vinh; ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông); ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo thành uỷ Hà Nội; ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cùng sự tham gia của khoảng 200 khách mời, là đại diện lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan thuộc UBND thành phố Hà Nội, các hội - hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiêu biểu…
Báo chí là người bạn đồng hành của doanh nghiệp
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, năm 2023, trong bối cảnh hậu Covid-19 còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, Hà Nội cũng như cả nước đã nỗ lực rất lớn để triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN), góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023. Theo đó, GRDP quý I/2023 của Hà Nội tăng 5,8%, đứng vị trí thứ 3/5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thứ 32/63 tỉnh, địa phương cả nước.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Thủ đô có mức tăng trưởng kinh tế trên địa bàn cao vượt trội tới 1,7 lần mức tăng 3,32% GRDP chung của cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn quý I/2023 tăng 56% so với cùng kỳ năm trước; chi ngân sách địa phương tăng 33,5%. Huy động vốn tăng 1,93%, dư nợ tín dụng tăng 2,41% so với cuối năm 2022. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP quý I/2023 ước tính đạt 81.800 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Việt Hùng khẳng định: “Trong hành trình phát triển của Hà Nội, cộng đồng DN và báo chí có đóng góp rất lớn. Theo đó, báo chí Hà Nội nói chung và Báo Kinh tế và Đô thị nói riêng là kênh truyền thông chính thống có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng để tạo sự đồng thuận chung trong xã hội”.
Trong bối cảnh này, báo chí truyền thông đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của DN, là người bạn đồng hành, hỗ trợ, động viên, chia sẻ khó khăn với các DN. Có thể nói, “đồng cam cộng khổ” là cách mà báo chí và DN cần thực hiện nhất lúc này để cùng nhau vượt qua khó khăn và phát triển. Sự tư vấn kịp thời về truyền thông để DN phát triển thương hiệu, sản phẩm của mình, sự đồng hành và tìm giải pháp hợp lý để xử lý khủng hoảng là việc mà DN rất cần trong công tác truyền thông hiện nay.
“Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của DN, không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hóa, phương thức bán hàng và tiêu thụ sản phẩm… mà còn là kênh cung cấp thông tin để DN nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của DN…
Qua báo chí, những gương mặt doanh nhân điển hình, những DN uy tín, những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, những cách quản trị phát triển DN bền vững, thích ứng kinh tế thị trường thời đại mới… đã được lan tỏa rộng rãi. Bên cạnh đó, các chương trình đối thoại chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các DN gặp phải đều được các cơ quan báo chí phản ánh kịp thời”, ông Hùng nói.
Trước đó, phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết: "Diễn đàn nhằm tạo cơ hội cho các cơ quan báo chí, nhà báo và cộng đồng DN thảo luận, phân tích, làm rõ thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và DN. Thông qua diễn đàn, khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước, nhà hoạch định chính sách và DN; từ đó thắt chặt mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và DN vì sự phát triển bền vững của Thủ đô, các địa phương và đất nước".
Để báo chí và DN “cùng thắng” trong môi trường truyền thông số
PGS, TS Nguyễn Thành Lợi cho rằng, lâu nay, mối quan hệ cộng sinh giữa báo chí và DN luôn được coi là khăng khít, gắn bó mật thiết với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, nhất là sự tác động của xu thế chuyển đổi số và hội tụ truyền thông, khiến cái gọi là cộng sinh đang xuất hiện những khoảng tối trong mối quan hệ này. Trong bối cảnh truyền thông xã hội lên ngôi và thông tin đa chiều như hiện nay, báo chí - DN cần phải có các chiến lược truyền thông hiệu quả để “cùng thắng” trong môi trường truyền thông hiện nay. Do đó, việc các DN tích cực duy trì mối quan hệ với báo chí là cần thiết.
Thời gian qua, không ít DN thực hiện chiến dịch truyền thông thông qua báo chí bằng các bài viết PR đều đặn mỗi tháng và chiến lược thông tin bài bản định kỳ đã khiến báo chí không chỉ là đối tác đối với DN mà còn là “bàn đạp” định hướng phát triển DN trong tương lại giúp nâng cao uy tín, thương hiệu, hình ảnh từ đó, thay đổi nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của công chúng, nhất là những nhóm công chúng mục tiêu của mình.
Về vấn đề này, ông Chu Hải Công, CEO Ngân hàng TMCP Quân đội cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí nói chung cần xây dựng các chiến lược truyền thông mang tính số hóa, có sức lan tỏa lớn mạnh hơn. Cùng với đó là tiếp tục đầu tư phát triển hệ sinh thái báo chí đa dạng và hiện đại để nâng cao hiệu quả truyền thông hỗ trợ cộng đồng DN.
Còn chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành nêu vấn đề, những phương tiện truyền thông truyền thống mà các DN hiện nay đang sử dụng, mà điển hình là các loại hình báo chí, đang bị đặt trước một loạt yêu cầu cần phải thay đổi. Điều này có nguyên nhân từ sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới, mà đặc biệt là truyền thông mạng xã hội, bùng nổ từ những năm 2001.
Chính bởi sự thay đổi rất lớn nêu trên mà ông Nguyễn Đình Thành nhìn nhận, bản thân các nhà báo cũng buộc phải thay đổi cách thức hành nghề, tư duy, tiếp cận vấn đề khi đưa thông tin đến với công chúng. Bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng cần đẩy mạnh truyền thông số (hay còn được hiểu là truyền thông trên không gian mạng) nhằm thay đổi cách tiếp cận với bạn đọc.
Thị trường đang không ngừng vận động và thay đổi, nhiều DN bày tỏ mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ không ngừng làm mới mình; thường xuyên có những đổi mới về cả nội dung và hình thức, góp phần giúp các DN chuyển mình kịp thời cùng sự biến động của thị trường, tích cực hội nhập, để từ đó có những đóng góp ngày một thiết thực hơn đối với sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.