Xây dựng niềm tin cho người lao động
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, tác động lớn đến đời sống của người lao động. Nhiều người đã phải rút bảo hiểm một lần. Vậy giải pháp nào cho vấn đề này?

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (ĐBQH đoàn Bình Phước) cho biết, hiện nay tỷ lệ thanh niên trong cơ cấu dân số đang có xu hướng giảm mạnh trong khi tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng tăng. Mặc dù duy trì ở mức ổn định, thấp là 2,25% nhưng thất nghiệp ở nhóm lực lượng lao động thanh niên luôn ở mức cao hơn rất nhiều, chiếm tỷ lệ là 7,61%. Đáng lưu ý, trong quý I/2023 số lao động mất việc tăng gần 13% so với cùng kỳ và tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, bị mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp tăng. Nguy cơ mất việc làm của số lao động trẻ cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.
“Vấn đề đặt ra là, vì sao trong bối cảnh bị mất việc làm nhưng nhiều lao động lại không quay trở lại thị trường tham gia ứng tuyển việc làm mới và vì sao các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lại không thu hút được người lao động (NLĐ)? Phải chăng có điểm nghẽn của thị trường lao động tại các khu vực có quy mô, số lượng quan hệ lao động lớn?” - Đại biểu Sang đặt vấn đề, đồng thời hy vọng rằng với những mục tiêu, nhiệm vụ rất rõ ràng, thị trường lao động Việt Nam sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn, không còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư và sự yên tâm cho chính NLĐ khi tham gia thị trường lao động trong tương lai.
Còn theo bà Phan Thị Mỹ Dung (ĐBQH đoàn Long An), số DN giải thể, phá sản tăng, các DN bị thiếu đơn hàng dẫn đến NLĐ mất việc làm, thiếu việc làm, thu nhập rất khó khăn. Tình trạng NLĐ rút bảo hiểm một lần vẫn đang tăng. Con số thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023 đã có gần 547.000 lao động tại 1.300 DN bị giảm giờ làm, ngừng việc, trong đó lao động tại DN FDI chiếm 75%. Khi thất nghiệp không có việc làm, thu nhập thì lúc đó sẽ tiềm ẩn mất an toàn, trật tự xã hội, tội phạm cũng như vi phạm pháp luật có nguy cơ tăng.
“Trước khi dự kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đoàn ĐBQH tỉnh Long An đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc chuyên đề với hơn 200 cử tri đại diện cho gần 400.000 công nhân lao động ở các khu công nghiệp của tỉnh. Tại Hội nghị này, chúng tôi đồng cảm ghi nhận rất nhiều ý kiến của công nhân lao động, đó là những tâm tư, chia sẻ sự khó khăn, phản ánh những bất cập của quy định pháp luật, những nguyện vọng, kiến nghị, đề đạt của công nhân về chính sách và những quy định liên quan đến lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và đặc biệt là mong muốn tiếp cận và mua nhà ở xã hội” - bà Dung cho biết.
Tuy nhiên vị ĐBQH đoàn Long An cũng nêu vấn đề có độ vênh giữa thực tiễn thống kê, đánh giá so với thực tế về vấn đề của NLĐ trong bối cảnh nhiều khó khăn.
“Do đó, tôi đề nghị đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này, cũng như phân tích rõ độ vênh trong các báo cáo với các số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, hoạt động DN, lao động, việc làm, theo dõi sát sao, nhìn nhận cầu thị tình hình thực tiễn. Từ đó phân tích rõ hơn các nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra những giải pháp căn cơ, toàn diện, giải quyết hiệu quả tình hình lao động, việc làm, đảm bảo an sinh, trật tự xã hội, nhìn nhận rõ trách nhiệm cho những nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại thuộc về chủ quan” - bà Dung nói.