123 tỷ đồng xử lý các sự cố cấp bách về đê điều
Tại hội nghị "Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt" năm 2023 diễn ra tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, ngày 5/6, ông Hoàng Văn Đại - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định, trong 6 tháng cuối năm 2023, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, có khoảng từ 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8-10 và giảm dần từ tháng 11/2023.
Về mưa lũ, ngập lụt, đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động 1-2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2-3, tập trung từ tháng 7-9; đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức báo động 1-2, có sông trên báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức báo động 2-3. Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận, năm 2022, đã bố trí 125 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xử lý cấp bách các sự cố về đê điều; năm 2023 tiếp tục bố trí 123 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả nước hiện có 2.741km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt; trong đó có 288 điểm xung yếu. Vì vậy, nếu có lũ lớn, mưa bất thường chắc chắn có sự cố.
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều tại các địa phương, theo ông Luận, thời gian tới, các tỉnh cần tổ chức các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ; đôn đốc các địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án hộ đê khi có lũ, bão; tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng, chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều tại 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Các tỉnh cần xây dựng, phổ biến các tài liệu kỹ thuật xử lý sự cố đê điều, hộ đê; tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại.