Những học bạ đẹp như mơ
Trong khi Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đặt mục tiêu chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thì nhiều cha mẹ vẫn chạy theo trào lưu ép con phải học vì điểm số. Nhiều trường học cũng tuyển sinh dựa trên học bạ đẹp như mơ.
Câu chuyện mới đây, 35 hồ sơ dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) bị trả về vì “không đủ điều kiện dự sơ tuyển” dù học bạ đẹp như mơ, toàn điểm 10 suốt 5 năm học cấp 1 khiến nhiều người ngỡ ngàng. Chính phụ huynh và học sinh cũng hụt hẫng không thể tin được lý do hồ sơ không đạt vì nếu xét theo điểm số, các em đạt 170 điểm ở 17 đầu điểm - nghĩa là mức điểm tuyệt đối theo quy định. Vấn đề là trong những môn không chấm điểm như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục…, có môn học sinh được giáo viên đánh giá ở mức “hoàn thành” thay vì “hoàn thành tốt” nên khi Trường Hà Nội - Amsterdam rà soát, hồ sơ bị trả về.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, Trường Hà Nội - Amsterdam thay vì chỉ căn cứ trên nhận xét ở mỗi cuối năm học còn rà soát từng hoạt động giáo dục ở các năm nhằm “lọc” hồ sơ kỹ hơn. Thực tế, mỗi năm trường nhận được hàng nghìn hồ sơ trong khi chỉ tiêu có vài trăm nên phải sàng lọc kỹ để nhận những học sinh “toàn tài”.
Câu chuyện học bạ toàn điểm 10 không mới mà nhiều năm trở lại đây, những hồ sơ nộp vào các trường chất lượng cao, trường chuyên, trường tư có tiếng… đều ghi nhận hiếm điểm 9 mà chỉ toàn 10. Bởi, ngay từ điều kiện dự tuyển vào nhiều trường đã nêu rõ điều này. Học sinh cần có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm các môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh (lớp 3, 4, 5) đạt từ 9 điểm/môn như trong thông báo tuyển sinh lớp 6 năm học 2023-2024 của Trường THCS Thanh Xuân (Hà Nội).
Với tiêu chí học bạ cao ngất ngưởng như nhiều trường đang áp dụng trong tuyển sinh đầu vào, nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng xin điểm, làm đẹp học bạ. Cụ thể, với những trường có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển cao hơn nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh thường đưa ra phương án tuyển sinh gắt gao, trong đó yêu cầu về học bạ đều ở mức gần như tuyệt đối. Nhưng điều này cũng không ngăn được số lượng thí sinh đổ về đăng ký. Năm học 2022-2023, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển sinh 200 em và có 1.200 hồ sơ đủ điều kiện “học bạ đẹp” để vượt qua vòng xét tuyển, vào vòng kiểm tra các môn.
Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội nhìn nhận, hiện nay mỗi trường, thậm chí mỗi giáo viên cũng chấm điểm học sinh khác nhau. Vì vậy, khi căn cứ vào điểm số thể hiện trên học bạ thì khó công bằng, chính xác. Việc tổ chức thi tuyển, đánh giá năng lực học sinh qua kết quả bài thi sẽ công bằng, chính xác hơn.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội khẳng định, việc đánh giá học sinh là một quá trình, không chỉ trông vào điểm số cuối cùng thể hiện trên kết quả bài thi mà còn là sự tiến bộ của học sinh trong suốt cả năm học. Đó là điểm mới rất tích cực ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh đang áp dụng hiện nay.
Dẫu vậy, thực tế một lớp học với hơn nửa, thậm chí là nhiều hơn toàn hoc sinh giỏi, toàn xuất sắc vẫn là một nghịch lý trong ngành giáo dục hiện nay. Những bảng điểm đẹp như mơ nhưng khi điểm thi thực tế khi tuyển sinh lại vênh nhau, cho thấy căn bệnh thành tích vẫn chưa có hồi kết. Việc học thật, thi thật chưa thể triệt để khi nhìn vào những bảng điểm chỉ có toàn 9, 10.