Người Việt Nam thông minh nhưng năng suất lao động không thoát khỏi vùng trũng
Theo ĐBQH: Năng suất lao động thấp còn do một nguyên nhân nữa là do tính chịu trách nhiệm cá nhân còn thấp.
Đặt vấn đề chất vấn, ĐB Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải nguyên nhân người Việt Nam thông minh và chịu khó nhưng năng suất lao động không thoát khỏi vùng trũng ASEAN và ngang bằng các nước thế giới?.
ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, thực tế hiện nay chúng ta có rất nhiều trường đại học trên cả nước và học sinh tốt nghiệp THPT dễ dàng có được tấm bằng cử nhân sau 4 năm đại học, thậm chí sau đại học. Tuy nhiên, con số không nhỏ sinh viên, thạc sĩ không tìm được việc làm hoặc việc làm không đúng chuyên ngành và phần lớn lại phải mất một thời gian dài để cập nhật lại kiến thức cho phù hợp với thực tế công việc tại cơ quan, doanh nghiệp.
“Đề nghị Bộ Lao động, thương binh và xã hội và Bộ Giáo dục đào tạo cho biết thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao?, chất lượng cao quy định ở trình độ nào, có quy định ngành nghề, lĩnh vực cụ thể không và có phải chúng ta đang lãng phí nguồn lực này không? Hay do chưa xác định rõ nguồn nhân lực chất lượng cao để có hướng khuyến khích phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động hiện nay. Bên cạnh đó, cần chỉ rõ nguyên nhân do đâu người lao động phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình, nhưng trách nhiệm của Bộ Lao động thương binh và xã hội và Bộ Giáo dục đào tạo đến đâu trên cương vị quản lý nhà nước của mình, có phải do trùng lợi khi giao nhiệm vụ mà dẫn đến tình trạng này hay không?”-bà Trân nêu rõ.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó hai yếu tố chủ đạo là vốn, công nghệ và kỹ năng, trình độ của lao động.
Ông Dung bày tỏ không đồng tình với một số người nói năng suất lao động Việt Nam thấp hơn một số nước xung quanh chúng ta như Lào, Campuchia. Theo đó, lao động Việt Nam phân bổ khu vực nông nghiệp cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thấp. Quy mô lao động Việt Nam lớn, đáng lẽ một việc một người làm nhưng phải san sẻ ra bốn, năm người làm. Thời gian tới, thị trường lao động sẽ được cơ cấu lại, nâng cao chất lượng và hạn chế ngành nghề thâm dụng lao động.
Phát biểu tranh luận về vấn đề năng suất lao động, ĐB Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) nói rằng, năng suất lao động thấp còn do một nguyên nhân nữa là do tính chịu trách nhiệm cá nhân còn thấp. Thay vì một cá nhân chịu trách nhiệm về việc đó thì chúng ta sẽ tổ chức cuộc họp. Vì vậy, năng suất lao động của nước ta chỉ bằng 1/10 số lượng người tham gia cuộc họp đó. Do đó, khi nhìn nhận nguyên nhân còn thiếu từ quy trình, thủ tục giải quyết công việc thì chúng ta triệt tiêu ngay giải pháp phối hợp với các bộ, ngành khác để có giải pháp tốt hơn trong việc nâng cao năng suất lao động.