Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ khởi công 4 vị trí trước 30/6
Hà Nội dự kiến trước 30/6 khởi công 4 vị trí dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô nằm trên địa phận các huyện: Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Trong báo cáo gửi UBND Hà Nội về tình hình triển khai dự án vành đai 4 - vùng thủ đô trên địa bàn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố cho biết tính đến hết tháng 5, các quận huyện đã phê duyệt và thu hồi hơn 537.000ha đất, đạt 67,32%.
Theo kế hoạch được Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội báo cáo, 4 gói thầu thuộc dự án thành phần 2.1 xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP Hà Nội sẽ được khởi công trước ngày 30/6/2023.
“Toàn bộ 4 gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần 2.1 đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu”, báo cáo nêu.
Có 4 vị trí dự kiến tổ chức lễ khởi công Vành đai 4 Hà Nội. Vị trí 1 tại giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với QL2 (Km1+444) thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Gói thầu số 8). Vị trí 2 tại khu vực giao cắt giữa đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng (Km28+000) thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức (Gói thầu số 9).
Vị trí 3 tại điểm giao trục phía Nam tại Km45+700 thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Gói thầu số 10). Vị trí thứ 4 tại khu vực giao với QL1A cũ tại Km52+600 thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Gói thầu số 11).
Liên quan đến công tác GPMB, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, dự kiến, trong tháng 6/2023, diện tích mặt bằng bàn giao đạt khoảng 80% và hoàn thành bàn giao 100% trước ngày 31/12/2023.
Hiện Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, lập phương án thiết kế kỹ thuật hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110kV đến 500 kV. Dự kiến, phương án này được trình Sở Công Thương thẩm định trong tháng 6.
Về đề xuất, Ban Quản lý dự án đề nghị UBND Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét chấp thuận điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đối với dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn Hà Nội.
Cụ thể, đơn vị đề xuất bổ sung 20 tỷ đồng đối với công tác di chuyển điện do Ban Quản lý thực hiện; bổ sung 3.965 tỷ đồng tiền vốn đối với công tác giải phóng mặt bằng do các quận, huyện thực hiện; bổ sung 350 tỷ đồng với dự án thành phần 2.1.
Ban Quản lý dự án cũng đề xuất UBND Hà Nội tổ chức làm việc với các bộ, ngành để có phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thông báo của Văn phòng Chính phủ.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tổng chiều dài dự án khoảng gần 113 km. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 58,2km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.
Dự án được đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80km/h với bề rộng 17m. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12m.
Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được GPMB theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh, bề rộng 90-135m, gồm: 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành (đường đô thị) hai bên cùng các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng.