Năm học 2023-2024, liệu có xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa?
Đây là băn khoăn của dư luận xã hội trước khi năm học mới chuẩn bị cận kề. Bởi ở năm học trước nhiều phụ huynh đã khá vất vả, chật vật để tìm mua sách giáo khoa mới cho con.
Lo ngại thiếu sách lớp 4, 8 và 11
Theo lộ trình, năm học 2023-2024, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tiếp tục được triển khai ở lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Trước khi năm học mới bắt đầu, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng về tình trạng chậm tiến độ sách giáo khoa, đặc biệt là với những lớp đầu tiên thay sách.
Lo lắng này không phải không có cơ sở bởi ở năm học trước, nhiều phụ huynh đã khá vất vả, chật vật để tìm mua sách giáo khoa mới cho con.
Thời điểm năm học trước, tại hầu hết các hiệu sách trên địa bàn TP Hà Nội đều xảy ra tình trạng thiếu trọn bộ SGK các lớp 3, 4, 7, đặc biệt là SGK lớp 10. Ngay cả những gia đình đăng ký mua sách cho con tại trường vẫn rơi vào tình trạng thiếu sách, còn với những phụ huynh chọn cách tự mua SGK thì cả tháng trước khi năm học mới bắt đầu phải chạy đôn đáo nhiều nhà sách mới có thể mua trọn bộ SGK cho con.
Con gái chị Nguyễn Hoài Phương (quận Tây Hồ, Hà Nội) năm nay lên lớp 11. Chị Phương chia sẻ, năm học trước là năm học đầu tiên chương trình mới được áp dụng triển khai ở cấp THPT với lớp 10. Dù chị đăng ký mua sách giáo khoa cho con ở trường nhưng đến sát ngày năm học mới bắt đầu con chị vẫn chưa nhận được đủ số đầu sách bị thiếu.
“Năm nay tôi cũng đăng ký mua SGK lớp 11 cho con ở trường, hi vọng tình trạng thiếu sách không xảy ra”, chị Phương nói.
Về vấn đề sách giáo khoa lớp 4, 8, 11, theo PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, nhà xuất bản dự kiến phát hành từ 15/6.
Để hỗ trợ phụ huynh, học sinh mua sách nhanh chóng, thuận tiện, năm nay nhà xuất bản thiết lập đường dây nóng hỗ trợ khách hàng từ tháng 5 đến hết tháng 9 (hotline: 0344181018). Nhà xuất bản cũng mở rộng kênh bán sách giáo khoa trực tuyến, thuận tiện phụ huynh mua online.
Cung cấp đủ sách giáo khoa cho năm học mới
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, liên quan đến tình trạng khan hiếm SGK mới của các lớp 4, 8 và 11 trong năm học 2023-2024, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định cung cấp đủ sách giáo khoa cho năm học mới.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nguyên nhân một phần dẫn tới tình trạng trên là do các địa phương năm nay chọn sách chậm, một phần chờ phê duyệt giá ở một số địa phương.
Đến nay các địa phương đã phê duyệt đầy đủ các loại sách và lãnh đạo Bộ GDĐT đã nhiều lần làm việc với NXB Giáo dục Việt Nam để cùng tháo gỡ khó khăn nội bộ, trước hết là những sách không phải sách mới cho các khối lớp khác thì chủ động in trước và cơ bản đã hoàn thành.
Riêng sách lớp 4, lớp 8, lớp 11 là sách mới và đã có kế hoạch, cho đến ngày 2/6, đã tổ chức in gần 80% số sách, còn lại 20% trên cơ sở các địa phương báo về đầy đủ nhà xuất bản lên kế hoạch để tổ chức in. Trong tháng 6 sẽ in được 80% và tiếp tục in hoàn thành để kịp đủ sách cho năm học mới của các lớp 4, 8 và 11.
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề in ấn, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn vừa có văn bản trả lời, làm rõ ý kiến.
Bộ GDĐT cho hay, NXB Giáo dục Việt Nam đang tập trung in ấn và phát hành SGK bảo đảm đủ sách cho học sinh trước khi bắt đầu năm học mới.
Liên quan tới sai phạm của NXB Giáo dục Việt Nam, Bộ GDĐT đã chỉ dạo NXB Giáo dục Việt Nam vừa phối hợp tốt với cơ quan chức năng để làm rõ mọi vấn đề theo quy định, vừa phải vượt qua khó khăn, thực hiện mọi biện pháp để tổ chức in ấn, phát hành SGK, bảo đảm đủ SGK cho học sinh trước khi bắt đầu năm học 2023-2024.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trước một vài hạn chế, thiếu sót trong SGK được dư luận phản ánh, Bộ GDĐT luôn chỉ đạo các nhà xuất bản giải trình, tiếp thu các ý kiến xác đáng được phản ánh; tổ chức rà soát nội dung sách giáo khoa, báo cáo Bộ những nội dung cần chỉnh sửa, trình Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa xem xét, thông qua theo đúng quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.
Khi tiếp nhận báo cáo của các nhà xuất bản, Bộ GDĐT đã nghiêm túc yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung được phản ánh, đồng thời, tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung quy trình biên soạn, thẩm định để nâng cao chất lượng SGK.
Bộ trưởng Bộ GDĐT khẳng định, Bộ đã cùng các nhà xuất bản luôn cầu thị, lắng nghe các ý kiến cử tri, ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội để làm cho việc biên soạn, thẩm định và phát hành SGK ngày càng được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.