Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có bản sắc đặc thù cho TP HCM
Đây là giải pháp, hiến kế được nhiều đại biểu góp ý tại Hội thảo khoa học 'Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm vụ và giải pháp' do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM tổ chức ngày 6/6 tại TP HCM.
Tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng, chủ trương xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM trước hết là chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân và là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác.
Do đó, bà Thảo cho rằng quá trình xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đây phải có nét đẹp rất riêng, rất đặc thù và hấp dẫn riêng có của thành phố. "Bởi vì, chúng ta không chỉ có sức mạnh "cứng" mà còn phải có sức mạnh "mềm" là văn hóa", bà Thảo phân tích.
Theo đánh giá của nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, thời gian qua việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM dù có những kết quả cụ thể nhưng nhìn chung còn ít công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác, trong khi tác phẩm văn học - nghệ thuật cũng chưa tương xứng với tầm vóc của Người.
Gợi mở giải pháp tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (khu vực II) hiến kế, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thành một điển hình không gian văn hóa năng động, sáng tạo và phục vụ chính người dân thành phố. Theo nhà nghiên cứu này, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần có sự chung tay của chính từng người dân thành phố, còn chính quyền có trách nhiệm phải gìn giữ và quyết liệt tạo thêm tính sống động, năng động, sáng tạo cho các không gian này và cũng quay trở lại phục vụ cho người dân.
Nói khác đi, người dân mới chính là người tạo nên cái hồn cho không gian văn hóa Hồ Chí Minh và cũng chính là không gian để phục vụ chính đời sống tinh thần, nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí, thụ hưởng các tác phẩm văn hóa nghệ thuật về Bác,...
Trong khi đó, PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn hóa TP HCM góp ý, cần có quy hoạch tổng thể xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với bản sắc của thành phố, gắn liền với những bối cảnh tự nhiên, văn hóa cụ thể của từng vùng, khu vực.
Muốn vậy, các thiết chế văn hóa, các không gian cảnh quan, các công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật gắn với hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được xây dựng hài hòa. Bởi vì, việc xây dựng vận hành các thiết chế văn hóa vô cùng quan trọng đối với một không gian văn hóa.
Trước đó, báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM nhấn mạnh, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM là hết sức cần thiết, vừa thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của nhân dân TP HCM đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa giúp phát huy các giá trị vật chất, tinh thần về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Sài Gòn - Gia Định - TP HCM.
Do đó, Hội thảo khoa học lần này có vai trò rất quan trọng để TP HCM xác định rõ thêm nội dung quan trọng trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, từ đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn được toàn diện, sâu sắc.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực cũng đã tập trung thảo luận 10 nhóm nội dung, bao gồm: Một số quan điểm, nhận thức về không gian văn hóa, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh và mục tiêu xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM; Xây dựng không văn hóa Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; Công tác quy hoạch các thiết chế văn hóa, công viên văn hóa, quảng trường văn hóa trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo;...