TP HCM thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Hiện bệnh tay chân miệng (TCM) tại TP HCM tăng cao, đồng thời xuất hiện nhiều ca nặng, song ngành y tế thành phố lại thiếu thuốc điều trị.
Theo số liệu giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), số trường hợp trẻ em mắc bệnh TCM tại thành phố có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Cụ thể, số ca TCM bắt đầu tăng từ tuần 19 đến tuần 22, trong đó, số ca mắc trong tuần 22 cao gấp hơn 2 lần số ca mắc ở tuần 19.
Mặc dù số ca mắc TCM nặng tăng cao, tuy nhiên nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu thuốc điều trị. Đơn cử, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, không còn thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, bệnh viện phải dùng thuốc dạng uống thay thế.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, BS Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện thông tin, bệnh viện vẫn còn đủ thuốc điều trị nhưng nếu số ca tăng nhanh trong thời gian tới thì cần thêm thuốc dự trù...
Trước việc thiếu thuốc điều trị bệnh TCM tại TP HCM, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản thông tin về việc cung ứng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh TCM. Theo Cục Quản lý Dược, hiện có 13 thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Theo báo cáo của các cơ sở nhập khẩu, thuốc Human normal immunoglobulin 100mg/ml còn 2.344 hộp loại 250 ml và 215 hộp loại 50 ml. Dự kiến giữa tháng 8/2023 nhà sản xuất tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250 ml. Đối với thuốc Human Immunoglobulin 5%, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy còn tồn 300 lọ. Dự kiến, cuối tháng 7 nhà sản xuất cung ứng cho Việt Nam 5.000 – 6.000 lọ. Về thuốc Phenobarbital, hiện có một loại thuốc Phenobarbital do công ty Cổ phần Dược Danapha sản xuất được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.
Để đảm bảo công tác cung ứng đủ thuốc cho hoạt động điều trị, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP HCM nghiêm túc thực hiện đảm bảo cung ứng dịch truyền Albumin và Globulin tránh trường hợp không đủ nguồn cung ứng cho điều trị. Chủ động dự trù, mua sắm, tăng cường nhập khẩu để đảm bảo cung ứng thuốc trong phòng, chống một số bệnh có nguy cơ gia tăng cho thời gian tới như TCM, sốt xuất huyết,... các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đóng trên địa bàn có nhu cầu sử dụng thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để đặt hàng, mua sắm thuốc.
Ngành y tế khuyến cáo, rửa tay là biện pháp phòng, chống bệnh TCM quan trọng nhất. Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn. Các bậc phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh TCM ở trẻ (nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng…) để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan. Khi trẻ mắc bệnh TCM cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng (sốt cao liên tục khó hạ, nôn nhiều, giật mình, run chân...) để thăm khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế.