Trắng tay vì chơi hụi

Mạnh Thìn 07/06/2023 06:18

Tại xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra vụ vỡ hụi “khủng” với số tiền lên đến gần cả trăm tỷ đồng. Trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần... đó là tình cảnh của nhiều người dân.

Cơ quan công an làm việc với những người liên quan vụ vỡ hụi ở xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Vỡ hụi trăm tỷ đồng

Bà T.T.H. (trú huyện Thống Nhất) cho biết, bà tham gia đường dây hụi này được 4 tuần, sắp đến ngày chốt hụi thì xảy ra sự việc trên. “Tôi được một người quen giới thiệu chơi hụi chỗ bà Hương theo hình thức hụi tuần. Tôi đóng hết dây là 4,4 triệu đồng. Thấy đây cũng là một cách để tích lũy tài chính nên tham gia, không ngờ lại ra cơ sự này” - bà H. nói. Còn bà N.N. (trú TP Long Khánh) nhận định, khả năng mất tiền là rất cao. “Dây hụi của tôi là hụi tháng, lên đến 180 triệu đồng. Khả năng cao là không thể lấy lại được tiền vì vợ chồng ông Huy bà Hương đã tuyên bố vỡ nợ rồi” - bà N. buồn bã và cho hay đã làm đơn tố cáo chủ hụi.

Trong khi đó, bà N.K.L. (trú xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) cho rằng, không chỉ có người dân trên địa bàn huyện tham gia mà còn có cả những người ở TP Biên Hòa, Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ và một số địa phương khác. “Có nhiều người lao động cực khổ gom góp để đóng hụi mong có tiền tích lũy, giờ lâm vào cảnh này, đứng ngồi không yên trước nguy cơ mất tiền” - bà L. bức xúc và mong cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ vụ việc.

Trước đó, chiều ngày 26/5, hàng trăm người dân đã tìm đến văn phòng bất động sản Huy Thịnh Phát (ấp 3, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đòi tiền chơi hụi (hình thức đóng tiền góp ngày, tuần, tháng).

Bước đầu, Công an huyện Thống Nhất xác định, chủ đường dây hụi nêu trên là Nguyễn Thị Hoài Hương (34 tuổi, thường trú quận 1, TPHCM) cùng chồng là Trần Quốc Huy (36 tuổi, trú phường Bảo Vinh, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đứng ra huy động tiền của người dân với hình thức chơi hụi. Qua làm việc, ông Huy khai nhận, sau khi gom hụi hơn 80 tỷ đồng của khoảng 500 người thì đem số tiền này cho một số người vay đáo hạn và cho bạn bè mượn làm ăn nhưng sau đó bị giật luôn dẫn đến vỡ hụi.

Ông Huy phải lấy giấy chứng nhận quyền sự dụng đất mang cầm cố ngân hàng để lấy tiền trả hụi. Được một thời gian thì mất khả năng chi trả cho người chơi hụi nên sáng 26/5 đã đăng bài trên mạng xã hội thông báo vỡ nợ.

Cơ quan chức năng cho biết, hiện vợ chồng ông Huy vẫn đang ở địa phương và không có dấu hiệu bỏ trốn. Cơ quan công an sẽ áp dụng các biện pháp đảm bảo việc giữ gìn tài sản, trong đó có phong tỏa tài khoản, không cho sang nhượng bất động sản. Liên quan đến vụ việc, nhiều người dân cũng đã nộp đơn tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của chủ hụi.

Biến tướng chơi hụi

Theo Luật sư Trần Tấn Phát - Văn phòng Luật sư Nam Lợi Phát, chơi hụi là hình thức huy động vốn truyền thống, với lợi thế huy động vốn nhanh, lãi suất khá hấp dẫn nên đã thu hút đông đảo người dân tham gia, nhất là ở vùng nông thôn. Về bản chất, chơi hụi không phải là xấu, bởi nếu hoạt động đúng quy định, đó cũng là một cách góp vốn và vay vốn dễ dàng, phù hợp với kiểu tích cóp của người dân. Đa số người chơi hụi đều dựa vào một thứ duy nhất đó chính là “lòng tin”. Phần lớn những người tham gia chơi hụi đều là người quen biết nhau. Chủ hụi thường là người có uy tín vì vậy luôn tạo được sự tin tưởng cho người chơi.

“Đa số người chơi hụi gửi tiền như một hình thức tiết kiệm có lãi với người nhận sau. Còn chủ hụi thì được nhận hoa hồng, chịu trách nhiệm trước thành viên. Tuy nhiên, thực tế gom hụi hiện nay có nhiều biến tướng, với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Nhiều người lợi dụng việc chơi hụi để huy động vốn trái phép hoặc nặng hơn là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Luật sư Phát nói và cho rằng, chính việc huy động vốn dễ dàng đã tạo cho chủ hụi có những hành vi biến tướng. Một số đường dây hụi đánh vào lòng tham khi đưa ra mức lãi suất chốt hụi rất cao khiến người chơi dễ dàng dính bẫy, nhưng thực chất là lấy của người sau trả cho người trước. Chủ hụi có thể lừa đảo người chơi bằng cách tạo ra nhiều dây hụi “ma”. Đó là phương thức hụi chỉ có một vài người tham gia nhưng được chủ hụi kê khống thêm nhiều người khác để tăng sự hấp dẫn cũng như lãi cao để cho đường dây hụi tăng số lượng phần chơi. Một khi đã gom được một số tiền nhất định, chủ hụi tuyên bố vỡ hụi hoặc chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn.

“Những vụ vỡ hụi nhiều năm trở lại đây đã cho thấy độ rủi ro của hình thức “góp vốn” này. Khi vỡ hụi, người dân luôn chịu thiệt vì đa số chủ hụi khi tuyên bố vỡ hụi đều không còn tài sản, thậm chí bỏ trốn. Trong khi đó, người chơi khi góp vốn không có hóa đơn chứng từ để chứng minh vì thế việc xử lý để thu hồi tài sản trả lại cho người dân là hết sức khó khăn” - Luật sư Phát cho biết thêm.

Trong khi đó, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (đoàn Luật sư TPHCM) khuyến cáo: Người dân chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn, cần phải tìm hiểu kỹ về chủ hụi; Đối với những dây hụi có lãi suất cao hơn bất thường những dây hụi khác thì phải cảnh giác. Ngoài ra, trước khi quyết định tham gia, người chơi cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan. Cần nâng cao cảnh giác, lựa chọn những phương thức gửi tiết kiệm phù hợp, tránh chạy theo lãi suất cao, cũng như cách thức huy động vốn mập mờ.

Theo Luật sư Vi Thị Phượng (đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), nếu cơ quan chức năng xác định chủ hụi có dấu hiệu, hành vi của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì chiếu theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), khoản 4, khung hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm nếu phạm tội mà giá trị tài sản trên 500 triệu đồng. Bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu tài sản chiếm đoạt trị giá từ 500 triệu đồng trở lên.

Mạnh Thìn