Hồ, đập khô cạn vì nắng nóng
Hơn 2 tuần qua, tình trạng nắng nóng kéo dài, nhiệt độ luôn ở mức 38 - 41 độ C, khiến mực nước sông, suối, hồ đập trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuống thấp. Thậm chí, có nhiều hồ, đập, mới đầu hè nhưng mực nước chỉ còn lại gần 50% lưu lượng. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ hè thu sắp tới.
Điệp khúc “thiếu - mất”
Chưa năm nào, vụ lúa xuân tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) lại diễn ra tình trạng thiếu nước trầm trọng như năm nay. Cách đây 3 tháng, do nguồn nước sông Lam sụt giảm, nhiều trạm bơm không thể lấy được nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, khiến hàng trăm ha diện tích trồng lúa lâm cảnh “khát nước”. Thiếu nước, cả vụ xuân mất mùa. Nguy cấp hơn, hiện nay, tình trạng nắng nóng kéo dài, mực nước tại các sông, hồ xuống thấp dẫn đến nguy cơ cả vụ hè thu cũng sẽ “khát”. Cho dù có bơm nước thủy điện để phục vụ cày ải, nhưng nguồn điện chập chờn khiến các trạm bơm không thể lấy đủ nước sản xuất vụ hè thu.
Đơn cử, tại vùng đồng Cồn Hươu của xã Đại Đồng năm nay gặp hạn nặng, cả vụ lúa hầu như không có nước. Nắng nóng, khô hạn nên lúa xơ xác, còi cọc, mất mùa. Trạm bơm Chợ Rạng, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương có nhiệm vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa trong khu vực, nhưng nửa năm nay luôn trong tình trạng khô hạn, nứt nẻ. Bởi mực nước sông Lam liên tục xuống thấp, máy bơm không hoạt động được.
Ông Lê Ngọc Hiếu - Trạm Trưởng trạm bơm chợ Rạng cho biết: Vì nước sông xuống quá thấp, hiện mực nước cách đầu vòi hút nước của trạm bơm hơn nửa mét nên phải nối dài thêm đường ống song cũng không khả thi. Hiện bà con đang cần gấp nước tưới cho gieo cấy vụ hè thu, thế nhưng tình hình này đang rất khó khăn.
Hơn 5 ngày nay chỉ trực đón nước cho 2 sào ruộng, ông Nguyễn Văn Hoà, xã Đại Đồng đứng ngồi không yên, bởi nước hút lên được rất ít, trong khi nhu cầu đổ ải rất lớn, do đó những thửa ruộng ở xa trạm bơm như ruộng nhà ông Hòa rất khó lấy nước. “Không những vậy, do điện bị cắt liên tục, thời gian cắt từ 10-15h đồng hồ nên hầu hết các trạm bơm hoạt động cầm chừng, dẫn đến nước về ruộng rất chậm” - ông Hoà cho biết thêm. Nhiều hộ dân cũng tự thuê máy bơm hút nước từ sông lên, nhưng do khoảng cách xa, lượng nước sông liên tục xuống thấp nên cũng không hiệu quả. Tại huyện Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc… mực nước tại sông, hồ đập… đều đang cạn dần do không có mưa trong thời gian dài. Bà con nông dân như “ngồi trên đống lửa” vì lo sợ không có nước để làm đất, gieo cấy đúng lịch thời vụ.
Đập khô, hồ cạn
Theo số liệu từ Chi cục Thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, thời gian qua, tỉnh Nghệ An hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài với nhiệt độ luôn ở mức 40 - 42 độ C khiến mực nước tại nhiều hồ, đập ngày càng xuống thấp. Hiện, toàn tỉnh Nghệ An có 1.061 hồ đập, trong đó có 102 hồ do doanh nghiệp quản lý. Đến nay, có 26 hồ có dung tích <50% (cùng kỳ năm 2022 chỉ có 12 hồ). Đối với 959 hồ đập do địa phương quản lý hiện không có hồ nào đầy nước, có 568 hồ có dung tích từ 40 -70% và 15 hồ có dung tích từ 20 – 30%. Nếu thời gian tới tiếp tục nắng kéo dài trúng vào cao điểm bơm nước cung cấp cho cày bừa, gieo cấy vụ hè thu thì mực nước tại các hồ đập sẽ còn giảm mạnh, không thể duy trì cho các đợt tưới tiếp theo.
Tại huyện Nghi Lộc có 42 hồ đập, trong đó xã Nghi Văn có đến 19 hồ đập lớn nhỏ, chiếm gần 50% số hồ toàn huyện. Điều đáng nói, đây là địa phương có diện tích lúa lớn bậc nhất trên địa bàn huyện với 530ha, nguồn nước sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào hồ đập do không có sông ngòi. Theo ghi nhận, hiện mực nước tại các hồ đập trên địa bàn xã Nghi Văn đang ở mức rất thấp. Đơn cử như tại đập Gà, đập Giếng Tợi, đập Nậu… mực nước đã xuống hơn 50%, có hồ mực nước chỉ dao động khoảng vài chục centimet, người dân có thể qua lại giữa lòng hồ dễ dàng. Cảnh tượng lòng hồ nứt nẻ không khó gặp giữa tiết trời nắng nóng.
Tại huyện Nam Đàn có tổng số 55 hồ chứa, trong đó có 4 hồ không đáp ứng gồm Rào Băng, Hủng Cốc xã Nam Thanh; đập Bể, Đập Khe Đình. Đối với huyện Thanh Chương có tổng số hồ chứa 103 hồ, hiện cơ bản đáp ứng tưới vụ hè thu nhưng nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, vẫn có nguy cơ thiếu nước sản xuất. Riêng hồ thủy điện Bản Vẽ dung tích hiện tại là 761,86 triệu m3 nước, đạt dưới 41,5% so với dung tích thiết kế. Với thực trạng nguồn nước hiện tại, mực nước hồ chứa Bản Vẽ xuống rất thấp và từ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn nói trên, việc cấp nước cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ hè thu năm 2023 và cả trong những tháng mùa khô sẽ gặp khó do nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra sớm và trên diện rộng.