Vì sao rút bảo hiểm một lần gia tăng?

M.Loan-H.Vũ 07/06/2023 06:15

Ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. 46/99 đại biểu đăng ký đã thực hiện chất vấn, trong đó 35 đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi và 11 đại biểu phát biểu tranh luận. Vấn đề việc làm, rút bảo hiểm xã hội một lần, thất nghiệp gia tăng tiếp tục làm nóng nghị trường.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP HCM): Công nhân xem bảo hiểm xã hội là của để dành nhưng lo sợ các chính sách mới ban hành sẽ làm hạn chế quyền tự quyết, quyền tự chủ động và mức lương hưu mà họ sẽ được hưởng sẽ không đủ sống. Đề nghị Bộ trưởng cho biết xử lý vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu, làn sóng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật BHXH.

Rút bảo hiểm một lần chủ yếu là người lao động thu nhập thấp

Theo bà Thúy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng lớn nhất vẫn là sự bất an của người lao động (NLĐ) đối với sự ổn định của chính sách BHXH. Công nhân xem BHXH là của để dành của cá nhân mình, nhưng lo sợ các chính sách mới ban hành sẽ làm hạn chế quyền tự quyết, quyền tự chủ động và mức lương hưu mà họ sẽ được hưởng sẽ không đủ sống. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết xử lý vấn đề này như thế nào?” - bà Thúy chất vấn.

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) cũng đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ trong sửa luật để giải quyết thực tế lao động nữ trẻ rút BHXH một lần.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019 số rút bảo hiểm bình quân một năm khoảng 500.000 người. Nhưng đến năm 2023 con số này tăng lên gần 900.000 người. “Nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần này không được hạn chế lại, giảm bớt đi thì sau này sẽ khó đảm bảo an sinh xã hội và hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm đương được tính bền vững” -ông Dung nói.

Lý giải về việc vì sao rút bảo hiểm một lần thời gian vừa qua tăng lên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, số rút bảo hiểm chủ yếu là NLĐ thu nhập thấp. “Tôi đã để ý kỹ và nghiên cứu kỹ vấn đề này, tuyệt đại bộ phận rút bảo hiểm một lần là rơi vào công nhân lao động, công chức, viên chức rất ít” - ông Dung chia sẻ đồng thời cho biết, vấn đề đáng lưu ý nữa là việc rút bảo hiểm một lần gia tăng ở khu vực phía Nam, chiếm tới 72%, phía Bắc và miền Trung ít hơn. “Không có một quốc gia nào mà có cơ chế rút bảo hiểm một lần dễ dàng như Việt Nam” - ông Dung nói và cho biết thông lệ quốc tế chỉ cho rút chủ yếu trong 2 trường hợp: Một là khi mắc bệnh nan y; hai là chuyển sang định cư ở nước ngoài. Còn ở nước ta thì rút tự do.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung: Vấn đề này phải tính toán một cách căn cơ. Song tinh thần là sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Tôi muốn báo cáo trước cử tri và người lao động là không phải chúng ta hạn chế quyền lợi. Còn cách xử lý như thế nào thì kỳ họp tới Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để xử lý bảo hiểm một lần làm sao có hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra, quyền lợi khi rút rất cao, đóng 8% nhưng được hưởng toàn bộ phần đóng của Nhà nước, của doanh nghiệp (DN). “Thực ra phải hiểu rằng số đóng của Nhà nước và DN cũng là cho NLĐ, nên dẫn đến nhiều trường hợp có khi chưa muốn rút nhưng thấy lợi ích tốt hơn nên rút, sau đó một thời gian lại tham gia” - ông Dung nói và cho biết, một nguyên nhân nữa là do chúng ta làm chưa tốt việc tổ chức tuyên truyền, vận động. “Tại Hà Nội vừa rồi cứ 10 người đi rút thì vận động, thuyết phục 6 người trở lại không rút nữa. Vào một số DN ở TPHCM, Đồng Nai thấy nếu như khi công nhân đến chúng ta tuyên truyền, vận động thì có một tỷ lệ không rút nữa” - ông Dung cho biết.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phải tính toán một cách căn cơ. Song tinh thần là sửa Luật BHXH. “Tôi muốn hôm nay báo cáo trước cử tri và NLĐ là không phải chúng ta hạn chế quyền lợi. Còn cách xử lý như thế nào thì kỳ họp tới Quốc hội sẽ bàn ra các phương án khác nhau để xử lý bảo hiểm một lần làm sao có hiệu quả nhất” - Bộ trưởng cho hay.

Tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy cho biết, mong muốn của NLĐ TP HCM cũng như công nhân lao động đó là chính sách của BHXH phải nhất quán và có tính ổn định lâu dài. “10 năm chúng ta sửa luật thì chúng ta lại có những phương án về chính sách dành cho BHXH khác đi, thu dài, rút ngắn, tăng tỷ lệ được hưởng và các chính sách khác, khiến NLĐ chưa an tâm khi tham gia BHXH” - bà Thúy nêu ý kiến và đề nghị Bộ trưởng cho biết khi sửa luật sẽ tăng quyền lợi gì để NLĐ an tâm hơn và suy nghĩ lại đối với các quyết định của mình liên quan đến BHXH.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất là làm sao phải cải thiện được thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho NLĐ; cùng đó nếu làm tốt hơn công tác tuyên truyền thì sẽ không đến mức độ như vừa qua.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn, ngày 6/6. Ảnh: Quang Vinh.

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng

ĐBQH Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Thuận (Đoàn Bình Thuận) cho biết: Theo báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 đã đánh giá về quy mô lao động, việc làm tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn mất cân đối lớn, thị trường phục hồi chậm dẫn đến tình trạng một bộ phận NLĐ gặp nhiều khó khăn, như thiếu việc làm, sức lao động chưa được tận dụng phát huy và khai thác hợp lý, dẫn đến việc di chuyển lao động từ địa phương này đến địa phương khác ở mức cao, chi phí, sức lao động thì lớn song hiệu quả lao động vẫn còn thấp và lãng phí. “Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề nêu trên?” - bà Linh chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tình trạng thiếu việc làm hiện nay trên toàn quốc rất lớn. “Bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I là 2,25%. Nếu nhìn lại cách đây hơn 1 năm, khi đó Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp chúng ta vào nhóm tốp 5 về tỷ lệ thất nghiệp. Đến thời điểm này thì tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta có gia tăng hơn, nhưng không phải riêng chúng ta. Nếu so với thế giới thì tỷ lệ thất nghiệp này ở ngưỡng thuộc các quốc gia thấp” - ông Dung nhìn nhận và cho biết tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc do cắt giảm đơn hàng, do tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách cho NLĐ.

Theo ĐBQH Trần Quang Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình (đoàn Quảng Bình), vấn đề lao động, tiền lương, môi trường, việc làm, cơ hội thăng tiến luôn được cán bộ, công nhân viên chức hết sức quan tâm. Tuy nhiên, gần đây tình trạng cán bộ xin thôi việc nhà nước ra làm ở lĩnh vực khác để cải thiện đời sống, tìm kiếm cơ hội mới làm dấy lên lo ngại chảy máu chất xám ở lĩnh vực công, vì đa số là cán bộ trẻ, có năng lực. “Vậy Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này? Giải pháp thời gian tới là gì?” - ông Minh nêu câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, muốn để NLĐ, kể cả khu vực công, khu vực tư ổn định thì việc quan trọng nhất là thu nhập, đời sống, việc làm phải ổn định, lương phải đủ sống, thu nhập phải đảm bảo cho bản thân và gia đình mình. Về quản lý thị trường lao động, theo ông Dung, thị trường lao động vừa qua đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, ông Dung cũng cho rằng thị trường lao động chưa thực sự là đủ sức. Đặc biệt là về chất lượng đào tạo, quy mô đào tạo, kỹ năng đào tạo, năng lực cạnh tranh.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian tới có thể tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ có khó khăn hơn. Đặc biệt là đối với những ngành hàng, lĩnh vực thâm dụng lao động, trong đó có những ngành như giày da, dệt may, túi xách xuất khẩu. Có thể đời sống, lao động, việc làm và tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng, nhưng không nhiều.

“Chúng tôi lo nhất hiện nay là gì? Sau một thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19 đã làm bào mòn phần tích lũy của NLĐ. Do đó càng ngày sẽ càng khó khăn hơn, đây là vấn đề chúng ta cần phải quan tâm nhưng cũng không quá bi quan. Chúng ta có quy mô 51,2 triệu lao động ở thời điểm này nhưng tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 297.000, giãn việc, mất việc là trên 506.000. Một tỷ lệ ở trong khoảng chúng ta kiểm soát được”- ông Dung nói.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn dành cho Bộ trưởng LĐTBXH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng LĐTBXH cùng các bộ trưởng liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của ĐBQH, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra. Phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày theo hướng xanh, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Nắm sát, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình diễn biến của nền kinh tế và biến động của thị trường lao động để chủ động ứng phó, có giải pháp hỗ trợ kịp thời bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho NLĐ và người sử dụng lao động. Chủ động phòng ngừa thất nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường, của DN với quá trình phát triển kinh tế số.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội):

Tính toán 5 năm đầu chỉ được trả lại đúng số tiền đã đóng

Con số rút BHXH một lần từ 500.000 người/năm lên đến 900.000 người/năm quả thật rất đáng lo ngại. Rút bảo hiểm là bất đắc dĩ và là nguyện vọng thật sự của người đóng cần được tôn trọng nhưng cũng cần phải có giải pháp để đảm bảo Quỹ bảo hiểm này được ổn định. Đề nghị cần phải tính toán để đảm bảo quyền lợi khi rút của người đóng bảo hiểm. Theo đó, có thể tính toán 5 năm đầu chỉ được trả lại số tiền đúng bằng số tiền họ đã đóng, 6-15 năm tiếp theo thì chỉ được trả lại số tiền họ đóng cộng với lãi suất tiết kiệm trung bình. Trên 15 năm thì trả lại toàn bộ tiền họ đóng, kể cả tiền cơ quan đã đóng cho họ như các quyền lợi đã được quy định và điều này cần thông báo trước cho người đóng. Đó là một đề xuất, hy vọng rằng Bộ trưởng LĐTBXH và các bộ trưởng khác suy nghĩ để giải quyết cho thấu đáo.

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh):

Tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 26%

Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176 của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/2/2021, thị trường lao động Việt Nam bắt đầu đã có cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực nước ta vẫn ở vị trí thấp so với nhiều nước trong khu vực, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 26%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt đến 50%. Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam cũng thuộc nhóm cuối của ASEAN.

M.Loan-H.Vũ