Chặt đến mức nào?

Bắc Phong 08/06/2023 07:00

Thời gian qua, nhiều người dân, doanh nghiệp đã “kêu” về những bất cập về quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy. Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định mới quá chặt khiến họ đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 220 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tìm cách gỡ khó. Bộ Công an chủ trì cùng Bộ Xây dựng rà soát lại chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Tuy nhiên, tới nay, tình hình vẫn không khác mấy. Vẫn biết rằng công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) phải làm chặt chẽ để tránh nguy cơ hỏa hoạn, tránh tổn thất về người, về tài sản, nhưng quan trọng là chặt đến mức nào?

Một người dân là chủ một hộ kinh doanh nhỏ cho biết, trong nhà kê một tủ ngang 0,6m, dài 3m, cao 2m theo chiều dọc nhà để bán thú nhồi bông. Bề ngang nhà là 4m nên tủ đựng thú nhồi bông này không cản lối đi, nhiều khách tới mua cũng chỉ đứng ở trước cửa nhà. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra PCCC đã kết luận không đạt tiêu chí vì không có lối thoát hiểm, yêu cầu cơ sở phải có lối thoát hiểm mới được phép kinh doanh.

Người này cho biết, thực sự “rối não” khi chỉ là cửa hàng buôn bán nhỏ nhưng cũng bị áp những tiêu chí về lối thoát hiểm như quán karaoke, nhà hàng, khách sạn...

Còn theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN), các quy định mới về PCCC không khác gì “ma trận”, nhiều khi đã sửa tới sửa lui nhưng vẫn còn lý do để không được phê duyệt. Không chỉ là trang bị bình chữa cháy mà còn là sơn chống cháy, quy định mái tôn phải chịu lực chịu lửa (RE15)... khi mở rộng khoảng cháy thì kèm theo một loạt những điều kiện mà 90% các loại hình nhà máy không đáp ứng được. Nói chung, nhiều quy định “trên trời”, xa rời thực tế, DN khó đáp ứng.

Bản thân ngành công an cũng nhận thấy điều đó. Xin được dẫn chứng: Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành uỷ TPHCM, ngày 16/4, về việc nhiều DN phản ánh đang bị quy định an toàn PCCC cản trở sự phát triển, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết quy định PCCC có nhiều vấn đề liên ngành, do các bộ khác quy định liên quan đến xây dựng, giao thông, khoa học công nghệ. "Bộ Công an không thể tự tay viết được quy chuẩn này. Chúng tôi thường xuyên kiến nghị các bộ thay đổi vì có tiêu chuẩn quá cũ, lạc hậu, rất khó cho DN " - ông Hùng nói và dẫn chứng QCVN 2622:1995 về PCCC cho nhà và công trình, TCVN 4513:1988 về cấp nước của Bộ Xây dựng đã ban hành từ lâu. Bộ Công an nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được thay đổi. "Thật sự cái này áp vào như trên trời rơi xuống, DN kêu là phải" - ông Hùng nói và đề nghị thời gian tới phải có hành lang pháp lý PCCC phù hợp hơn, không trở thành vật cản trong phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Bộ Công an cũng khẳng định không vì thế mà hạ thấp tiêu chuẩn cần thiết liên quan đến đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Nhân đây cũng xin được nhắc lại, chỉ trong vòng 18 tháng, Bộ Xây dựng đã ban hành 3 Quy chuẩn về PCCC. Đó là Thông tư số 01/2020, ngày 6/4/2020. Ngày 19/5/2021 là Thông tư số 02/2021. Ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Thông tư số 06/2022 (thay thế QCVN 06:2020/BXD).

Thông tư mới nhất này, theo ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương - Chủ tịch Hiệp hội PCCC và cứu nạn cứu hộ Việt Nam đã gỡ khó được một phần nhưng lại tạo ra khó khăn mới. Ông Cương cho biết, theo số liệu thống kê và rà soát từ Bộ Công an, tính tới ngày 15/5/2023 cả nước có đến 38.140 công trình đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về PCCC không có khả năng áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC ở thời điểm hiện tại. Vướng mắc chủ yếu của các công trình vi phạm liên quan tới các yếu tố không đảm bảo khi chiếu theo tiêu chuẩn cụ thể như: đường, bãi đỗ xe cho chữa cháy; khoảng cách an toàn PCCC; bậc chịu lửa; ngăn cháy lan; lối thoát nạn; trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy; hệ thống kỹ thuật có liên quan.

Dẫn kiến nghị của doanh nghiệp, ông Cương cho hay, yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC đặt ra khó thực hiện, đặc biệt tại các đô thị có mật độ xây dựng cao như Hà Nội, TPHCM.

Khó thực hiện, khó đáp ứng theo quy định cũng có nghĩa là khó làm ăn, khó sản xuất.

Được biết, không chỉ các cá nhân, tổ chức ở trong nước mà nhiều hiệp hội DN nước ngoài ở Việt Nam và các tỉnh, thành phố cũng gửi văn bản tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và các bộ có liên quan kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN khi xin cấp phép PCCC. Điều đó cho thấy cần sớm có những thay đổi, dẫu vẫn biết rằng an toàn PCCC là việc rất hệ trọng nhưng cũng không thể vì thế mà trở thành vật cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bắc Phong