Hỗ trợ vay vốn để tránh bẫy tín dụng đen
Quảng cáo cho vay trên không gian mạng vẫn gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng để tín dụng đen không thâm nhập vào công nhân, cần có các địa chỉ hỗ trợ vay vốn tin cậy từ nhà nước, thủ tục đơn giản để người lao động dễ tiếp cận...
Dù biết lãi “cắt cổ” vẫn phải vay
Thời gian qua, nhiều công ty trong nước thiếu đơn hàng thậm chí phải đóng cửa kéo theo hàng nghìn công nhân, người lao động (NLĐ) không có việc làm, mất nguồn thu nhập. Khi gia đình gặp khó khăn, nhiều công nhân, NLĐ đã “sập bẫy” các nhóm tín dụng đen, nợ nần ngày thêm chồng chất.
Chị Nguyễn Thị Thương, công nhân khu công nghiệp Bá Thiện 1, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho biết, trong lúc gia đình khó khăn nên đã vay nóng 50 triệu đồng từ tín dụng đen. Trong lúc việc gia đình chưa được giải quyết ổn thỏa thì số tiền lãi và gốc đã lên tới 100 triệu đồng. Vì chưa có tiền trả nên thời gian nợ kéo dài đến khi bán được mảnh đất thì số tiền chị phải trả cho tổ chức tín dụng đã lên tới 200 triệu đồng.
“Trước khi vay tôi cũng biết sẽ phải chịu mức lãi rất lớn nhưng vì lúc đó bí quá, trong khi không biết xoay sở như thế nào nên đành nhắm mắt vay tín dụng đen. Vay 1 lần mà số tiền mất bằng cả 2 năm thu nhập” - chị Thương giãi bày.
Khảo sát gần đây của Tổ chức Tài chính vi mô CEP thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM, cho thấy lãi suất tín dụng đen mà công nhân vay rất cao. Có người phải vay với lãi suất 800% mỗi năm được ẩn dưới các loại phí như phí bản quyền, dịch vụ, phí xử lý, phạt thanh toán không đúng hạn... Con số này cao gấp nhiều lần mức 20% lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự mà luật cho phép.
Trong hơn 500 công nhân mà CEP khảo sát, có hơn 90% nhận biết được "thế nào là tín dụng đen" và tác động tiêu cực nếu vay lãi suất cao. Trên 46% nói rằng bản thân hoặc người quen từng là nạn nhân của tín dụng đen. Hơn một nửa số người vay từng bị đe dọa, hành hung.
Tuy nhiên điều bất ngờ là gần 20% số người được khảo sát (khoảng 100 công nhân) cho biết vẫn sẽ cân nhắc hoặc vay tín dụng đen. Lý do họ thường gặp rủi ro đột xuất trong cuộc sống, số tiền cần trang trải quá gấp mà không có dự phòng, vay tiền ở các tổ chức tài chính chính quy thời gian lâu, nhiều thủ tục...
Giúp người lao động nhận diện cạm bẫy
Ngày 11/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, NLĐ, trọng tâm là góp phần từng bước xóa bỏ tình trạng tín dụng đen trong các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và 2 công ty tài chính HD SAISON và FE Credit triển khai gói vay 20.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi bằng 50% so với bên ngoài. Đến nay sau khoảng 6 tháng thực hiện, đã có 43 LĐLĐ tỉnh, thành phố triển khai ký kết Biên bản ghi nhớ hoặc ban hành văn bản triển khai; giải ngân 5.345 tỷ đồng với gần 320.000 đoàn viên, NLĐ được vay tín dụng tiêu dùng với lãi suất ưu đãi. Bình quân mỗi đoàn viên, NLĐ được sử dụng với giá trị khoảng 16,7 triệu đồng. Tuy nhiên theo các chuyên gia bên cạnh gói hỗ trợ từ Nhà nước các địa phương cần có những gói hỗ trợ riêng song hành để NLĐ được tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn. Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý cần có những hoạt động tuyên truyền giúp NLĐ nhận diện được bẫy từ tín dụng đen.
Ông Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông, Bộ Công an) cho biết, tín dụng đen là hiện tượng xã hội tiêu cực. Có thể nhận diện tín dụng đen với các đặc điểm như hình thức cho vay với lãi suất cao từ tổ chức, cá nhân không đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực cho vay, không được cấp phép, cho vay dưới hình thức vay ngắn gọn, trả góp; thủ tục giải ngân nhanh, không cần tài sản thế chấp.
Theo ông Hiếu, hiện nay tình trạng quảng cáo cho vay kiểu truyền thống như dán trên cột điện, tại các khu vực công cộng... đã giảm, nhưng tình trạng quảng cáo cho vay trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng. “Khi cho người khác vay tiền, các đối tượng thường kèm theo điều kiện, người vay cho phép đối tượng truy cập đồng bộ vào danh bạ cá nhân, tài khoản mạng xã hội, khi người vay không trả được số nợ, các đối tượng sẽ gọi điện cho các số điện thoại có trong danh bạ để thúc ép đòi nợ. Chuyện các đối tượng quấy rối những người không liên quan để thúc ép đòi nợ là vi phạm pháp luật”- ông Hiếu cho biết.
Để giúp công nhân, NLĐ tránh xa tín dụng đen, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, khi tín dụng đen bùng phát, tổ chức công đoàn Thủ đô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều hình thức để giúp công nhân lao động nhận diện được tín dụng đen, tránh xa vào bẫy của tín dụng đen. Liên đoàn Lao động thành phố cũng đã thành lập và duy trì hoạt động Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, với mức vay từ 40 đến 50 triệu đồng, lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh gọn.