Hàng Việt xuất ngoại qua kênh bán lẻ
Hiện nay, ngoài xuất khẩu chính ngạch, hàng hóa Việt Nam đã và đang tìm cách xuất khẩu qua một số kênh khác, đơn cử kênh bán lẻ hiện đại trong và ngoài nước như Saigon Co.op, Mega Market (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Carrefour (Pháp), Walmart (Mỹ)...
Theo ông Shiotani - Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp của thế giới đã thay đổi. Thay vì tập trung vào giá cả, chất lượng, các nhà nhập khẩu quan tâm nhà cung cấp có xây dựng được mô hình sản xuất bền vững hay không.
Trong khi đó, nhiều nhà bán lẻ cho biết mặc dù xuất khẩu qua hệ thống phân phối còn nhiều tiềm năng, song cũng khá khó khăn vì các quy định chất lượng hàng hóa. Ở mỗi thị trường, sẽ có các thách thức và rào cản khác nhau từ kỹ thuật đến thương mại như một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, sẽ có những thách thức đến từ chính sách bảo vệ các mặt hàng nông sản nội địa. Ở các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ngoài các yêu cầu tiêu chuẩn từ nhà nhập khẩu, các sản phẩm của Việt Nam (gồm thanh long, bưởi, dừa) phải đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt quá giới hạn dư lượng tối đa cho phép. Các sản phẩm cung cấp phải có đủ mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Ngoài ra, nhà nhập khẩu cũng quan tâm về việc duy trì mức giá tốt nhất trên thị trường khi thu mua.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Âu-Mỹ (Bộ Công thương), kênh phân phối nước ngoài ngày càng được đánh giá cao, được xem là một kênh xuất khẩu, quảng bá sản phẩm và thương hiệu một cách có hiệu quả. Hiện, cùng với hơn 60 thương vụ ở các nước, ngành công thương hướng dẫn chiến lược tiếp cận thị trường, đồng thời kết nối các DN Việt Nam với hệ thống thu mua và phân phối nước ngoài.
Còn theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương, hàng Việt ngày càng phủ sóng nhiều hơn trong các hệ thống phân phối hiện đại tại nước ngoài. DN Việt Nam đã phát triển khá tốt phương thức xuất khẩu hàng hóa thông qua các siêu thị lớn đang đầu tư tại Việt Nam. Hiện, nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng, dệt may... tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối, như Mega Market (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Carrefour (Pháp), Walmart (Mỹ)... Từ năm 2015, Bộ Công thương đã triển khai đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2030”; nhằm hỗ trợ DN trong nước tham gia mạnh mẽ chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Để triển khai hiệu quả, Bộ Công thương tiếp tục phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ hiện đang có tại Việt Nam hay những đối tác đang quan tâm chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp từ hệ thống phân phối hiện đại. Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ các DN Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.