'Văn hóa làm thêm' của Gen Z châu Á

Mai Phương 08/06/2023 07:00

Hơn 500 triệu lao động thế hệ Gen Z (thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 26), hiện đã sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với hàng loạt cảnh báo về hệ quả của xã hội đang già đi nhanh chóng...

Thế hệ Gen Z khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bước vào một thị trường việc làm khó khăn. Ảnh: SCMP.

Bùng nổ làm thêm

Chịu tác động mạnh mẽ bởi hệ quả của lạm phát, với những lựa chọn công việc hạn hẹp hơn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thế hệ Gen Z đã trở thành “thế hệ làm thêm”.

Những người trẻ thuộc thế hệ này đang có xu hướng làm nhiều công việc cùng một lúc. Theo đó, nhiều người có thể làm một lúc nhiều ngành nghề, công việc như: Doanh nhân thương mại điện tử, chủ sở hữu xe tải chở đồ ăn. Họ khai thác công nghệ để làm nhiều công việc và tự tạo cơ hội để học hỏi những kỹ năng mới, kiếm thêm nhiều tiền.

5 ngày/ tuần, cô Meg Rutherford là một luật sư thương mại tại một công ty luật cỡ vừa ở Christchurch, New Zealand, nhưng đến cuối tuần, cô trở thành một giáo viên tạo phong cách cho trẻ em từ 4 đến 14 tuổi về kỹ năng sống.

Sau khi cùng người bạn đời mua nhà vào năm ngoái, cô Rutherford bắt đầu cảm nhận về gánh nặng tài chính. “Mọi thứ bây giờ đắt hơn bao giờ hết và để mua được một ngôi nhà với chúng tôi không phải dễ dàng. Bởi vậy, làm thêm để tăng thu nhập, để tích lũy mua nhà là rất cần thiết” – cô Rutherford nói.

Cô Rutherford đã ra mắt một trang Instagram để quảng bá hoạt động dậy kỹ năng sống vào tháng 3. Cô cho rằng, mạng xã hội là cái mốc cho bất kỳ ai bắt đầu kinh doanh và là một công cụ quan trọng để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng.

Theo các chuyên gia, đối với các thành viên của thế hệ Gen Z, không có lựa chọn “công việc hay cuộc sống”. Họ đang phải đối mặt với hàng loạt cảnh báo hàng ngày về hệ quả của xã hội đang già đi nhanh chóng. Trong khi đó, các quỹ phúc lợi và hỗ trợ rủi ro đang giảm dần trong cuộc cách mạng việc làm đầy hứa hẹn của kỷ nguyên AI.

Chiến lược gia sự nghiệp người Singapore - Adrian Choo cho biết: “Rất nhiều Gen Z hiện nay xem công việc làm thêm gần như là một phần trên con đường sự nghiệp của họ”.

Một cuộc khảo sát gần đây của công ty kiểm toán Deloitte cho thấy, 46% Gen Z cho biết họ có công việc thứ hai ngoài công việc toàn thời gian. Nguyên nhân một phần là do họ bị cuốn vào một thị trường việc làm đầy biến động trong thời kỳ đại dịch.

Rủi ro từ văn hóa làm thêm

Ông Santor Nishizaki - chuyên gia lãnh đạo tổ chức có trụ sở tại Los Angeles - nhận định: “Tôi nghĩ rằng Gen Z đang rời khỏi trường đại học trong một thời điểm rất khó khăn, vì lạm phát và chi phí sinh hoạt vô lý. Rất nhiều người trong số họ đã bắt đầu bắt đầu làm thêm trong thời kỳ đại dịch chỉ để trang trải chi phí sinh hoạt”.

Trong số gần 15.000 bạn trẻ thế hệ Gen Z tham gia khảo sát của Deloitte trên khắp 44 quốc gia, 35% bày tỏ họ lo lắng nhất về chi phí sinh hoạt, 51% số người được hỏi nói rằng họ sống không dư giả.

Anh Chang Cho Yew - sinh viên kinh doanh năm cuối người Singapore - cho biết, trường học không phải là ưu tiên hàng đầu của anh. Anh muốn mạo hiểm và tự mình làm điều gì đó. Và thế là PropUp ra đời, một công ty chuyên sản xuất các video quảng cáo về bất động sản.

Tuy nhiên, một trong những thử thách khó khăn nhất đối với Chang là phải cân bằng giữa việc học tập và công việc, khiến điểm trung bình của anh bị giảm sút, anh phải cân nhắc việc nghỉ học kéo dài một năm.

Nhưng Chang đã nỗ lực làm tốt công việc kinh doanh của mình, không chỉ để có thêm thu nhập mà còn là một bước thăng tiến trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh của thành phố.

Các nhà phân tích cho biết, bên cạnh nhiều cơ hội, văn hoá làm thêm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, khi làm việc quá sức, căng thẳng, với năng lực và cam kết khác nhau có thể dẫn đến tình trạng “làm nhiều nghề nhưng lại không thực sự giỏi một nghề nào”.

Trong khi đó, hành lang pháp lý không phải lúc nào cũng đứng về phía những người làm thêm. Bà Wendy Wong - luật sư việc làm tại văn phòng luật Simmons & Simmons ở Hồng Kông (Trung Quốc) - cho biết: “Việc người sử dụng lao động đưa vào hợp đồng điều khoản nhân viên không được tham gia vào các doanh nghiệp khác là điều khá phổ biến. Vì vậy, những người trẻ tuổi phải chắc chắn đã kiểm tra kỹ hợp đồng, chỉ để đảm bảo rằng họ tuân thủ và không vi phạm bất cứ điều gì trong hợp đồng”.

Joshua Bartholomew, chàng trai 22 tuổi người Malaysia luôn mơ ước trở thành ca sĩ, công việc chính của anh là làm đại diện bán hàng tại một cửa hàng âm nhạc ở Kota Kinabalu, thủ phủ của bang Sabah ở Borneo, Malaysia. Nhưng hiện tại, anh cũng làm ca sĩ tự do tại các lễ hội nhỏ, quán rượu và đôi khi là đám cưới.

Đối với Bartholomew, có thể theo đuổi âm nhạc như một công việc phụ vừa thú vị vừa là phần thưởng tài chính cho bản thân ở một mức độ nào đó.

“Đam mê là một phần, công việc này cũng giúp tôi kiếm thêm tiền tiêu vặt” - anh nói. Tuy nhiên, Bartholomew thừa nhận rằng việc gấp rút chuẩn bị cho các hợp đồng biểu diễn sau giờ làm việc khiến anh rất mệt mỏi, đặc biệt là khi anh phải tự mình xử lý mọi thứ, từ quảng bá đến kiểm tra âm thanh. Song Bartholomew vẫn cảm thấy rất xứng đáng nếu điều đó có thể giúp đưa âm nhạc của mình đến với nhiều khán giả hơn.

Các nhà phân tích cho biết, bên cạnh nhiều cơ hội, văn hoá làm thêm cũng tiềm ẩn rủi ro lớn, khi làm việc quá sức, căng thẳng, với năng lực và cam kết khác nhau có thể dẫn đến tình trạng “làm nhiều nghề nhưng lại không thực sự giỏi một nghề nào”.

Mai Phương