Tọa đàm trực tuyến: 'Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm'
Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về giải báo chí quan trọng này, báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi Toạ đàm: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: HÀNH TRÌNH KHÔNG NGỪNG NGHỈ, KHÔNG VÙNG CẤM.
Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, chính thức phát động từ ngày 13/11/2021 tại Hà Nội.
Sau 3 năm, Giải ngày càng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo và các tầng lớp nhân dân. Thông qua các tác phẩm dự giải cho thấy các nhà báo và cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phát hiện, đeo bám để đi đến cùng một số vụ việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về giải báo chí quan trọng này, báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi Toạ đàm: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: HÀNH TRÌNH KHÔNG NGỪNG NGHỈ, KHÔNG VÙNG CẤM.
Chủ trì toạ đàm: Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam – Trưởng Ban Tổ chức giải;
Ông Vũ Văn Tiến – Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam – Phó Trưởng Ban Tổ chức;
Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam – Phó Trưởng Ban Tổ chức;
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Dân Việt/Nông thôn Ngày nay) - giải A Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3.
Chỉ đạo thực hiện tọa đàm: Nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết.
Cùng sự có mặt của đông đảo các nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 nêu rõ, trong những năm qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo triển khai rất quyết liệt với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Những kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hết sức quan trọng đã tạo được niềm tin và sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, báo chí ngày càng khẳng định rõ vai trò và những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phát hiện, kiên trì đeo bám, phản ánh và đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, giúp cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng hoan nghênh và đánh giá cao Ban biên tập Báo Đại đoàn kết đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm”, đây có thể xem là một hoạt động thiết thực nhằm kịp thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa mục đích, ý nghĩa, cung cấp thông tin đầy đủ nhất về công tác tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 đến với đông đảo các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên và người dân cả nước.
Sau ba lần tổ chức thành công, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng khẳng định được uy tín, vị thế trong các giải báo chí toàn quốc, đồng thời thu hút được sự quan tâm, đánh giá cao và tham gia tích cực từ đông đảo cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên và các tầng lớp nhân dân.
Để tiếp tục tổ chức thành công Giải lần thứ tư cả về quy mô, chất lượng các tác phẩm gửi tham dự Giải, trong khuổn khổ buổi Tọa đàm Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị các vị khách mời cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dưới góc độ của cơ quan báo chí, các nhà báo khi tham gia Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung kiến nghị, đề xuất với Ban Tổ chức Giải những giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, qua đó thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí, nhà báo và phóng viên trong cả nước tích cực tham gia hưởng ứng, gửi tác phẩm báo chí có chất lượng tham dự Giải.
Nhà báo Công Khanh:Thưa ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xem như một phần thưởng, nguồn cổ vũ lớn đối với những người làm báo trong nỗ lực tấn công trực diện vào cái xấu, dũng cảm dám đối diện với cái sai và đi tới cùng sự thật. Chính nhờ những nỗ lực đó mà sau mỗi lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt đã tạo được sự quan tâm và tham gia tích cực của các phóng viên cơ quan báo chí và nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước. Nhìn lại chặng đường này, ông có thể chia sẻ về những dấu ấn quan trọng, cũng như ý nghĩa lớn nhất mà Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được sau 3 lần tổ chức, cũng như những mục đích lớn sẽ hướng đến trong những năm tiếp theo?
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xem như một phần thưởng, nguồn cổ vũ lớn đối với những người làm báo trong nỗ lực tấn công trực diện vào cái xấu, dũng cảm dám đối diện với cái sai và đi tới cùng sự thật. Chính nhờ những nỗ lực đó mà sau mỗi lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt đã tạo được sự quan tâm và tham gia tích cực của các phóng viên cơ quan báo chí và nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.
Chia sẻ về những dấu ấn quan trọng, cũng như ý nghĩa lớn nhất mà Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được sau 3 lần tổ chức, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, đến nay, công tác tổ chức Giải luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ, động viên rất lớn từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, điều đó thể hiện tại Lễ tổng kết và trao Giải thường xuyên có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đến dự, trao giải và phát biểu chỉ đạo.
Một dấu ấn quan trọng khác, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, đó là Giải đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của các phóng viên cơ quan báo chí. Qua các mùa tổ chức, số lượng cơ quan báo chí, tác phẩm tham dự Giải đều tăng lên, nếu như giải lần thứ nhất có 1.005 tác phẩm gửi tham dự Giải của gần 100 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thì đến giải lần thứ ba con số tác phẩm gửi tham dự Giải đã tăng lên 1.181 tác phẩm của các nhà báo, phóng viên thuộc hơn 115 cơ quan báo chí trong cả nước. Và điều quan trọng hơn chất lượng Giải ngày càng được nâng lên. Tại mùa Giải lần thứ ba đã có Giải đặc biệt do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trao tặng.
Đặc biệt, sự phối hợp trong công tác tổ chức Giải giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam ngày càng chặt chẽ, bài bản, khoa học, đạt hiệu quả từ khâu tuyên truyền, tiếp nhận tác phẩm tham dự đến tổ chức trao Giải thưởng, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, độc giả và các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên trong cả nước.
Nhà báo Công Khanh: Thưa ông Vũ Văn Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam. Với vai trò là Phó Ban tổ chức giải, và cũng là người đã theo sát những mùa giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nhiều năm, theo đánh giá của ông, từ số lượng bài dự thi tại các mùa Giải thì mảng đề tài nào là mạnh nhất, thu hút sự tham gia đông đảo của các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo?
Ông Vũ Văn Tiến: Trong thời điểm hiện nay, chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ý tưởng này của Tổng Bí thư trùng với tên toạ đàm của báo Đại Đoàn Kết. Tiêu đề toạ đàm nói lên tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nói lên mục đích của giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư. Ngoài ra, toạ đàm tổ chức rất nhanh, chỉ sau một tháng sau chỉ đạo của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Qua 3 mùa giải đã qua, đề tài phanh phui tiêu cực xuất phát điều tra của phóng viên mà không phải dựa theo báo cáo thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. Để thực hiện các đề tài điều tra độc lập này thì các phóng viên đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Để thực hiện các đề tài điều tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi sự quyết tâm không chỉ từ phóng viên, nhóm phóng viên, ý chí của ban biên tập, thậm chí ý chí của cơ quan chủ quản ban biên tập. Nếu không có những sự quyết tâm này có thể các đề tài sẽ bị dừng lại trong trứng nước.
Phanh phui tiêu cực là mảng rất quan trọng tuy nhiên trong 3 mùa vừa qua cũng có những điều đáng tiếc. Có những cơ quan báo chí có bài điều tra rất hay nhưng gần đến thời gian nộp bài thì bị gỡ bỏ. Tôi muốn nói với các đồng nghiệp của chúng tôi hãy bền gan, bền chí để bảo vệ các tuyến bài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong các cơ quan như tạp chí mang tính chất nghiên cứu tổng kết công tác phòng chống tham nhũng phải có cái riêng để đúc kết thực tiễn từ cơ sở tới Trung ương. Từ các đúc kết riêng, nghiên cứu chuyên sâu các tuyến bài điều tra để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, để đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nhà báo Công Khanh:Thưa ông Vũ Văn Tiến, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 có những điểm gì nổi bật? Ông có trao đổi thêm gì để các cơ quan báo chí, các nhà báo tham dự giải có các tác phẩm như mong muốn của ban tổ chức?
Ông Vũ Văn Tiến: Với mùa giải thứ 4, điều đặc biệt nhất là cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là niềm cổ vũ động viên khích lệ của các phóng viên kiên trì theo đuổi các vụ điều tra. Cuốn sách cũng cổ vũ ban tổ chức giải làm tốt hơn.
Với mùa giải thứ tư này, ban tổ chức quan tâm tới hai nội dung. Thứ nhất, tên giải là “Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng tiêu cực”, tên giải mùa trước là “Giải báo chí toàn quốc về chống tham nhũng, lãng phí” điều chỉnh từ lãng phí thành phòng chống tham nhũng tiêu cực thì phạm trù rộng rãi hơn.
Vấn dề thứ 2 là giá trị giải thưởng. Hiện nay các giải như giải Báo chí quốc gia, giải Búa liềm vàng, rồi giải Diên hồng cũng có giá trị rất cao. Vì vậy, ban tổ chức giải cũng phấn đấu tiền thưởng giải năm nay phải cao hơn để các phóng viên có động lực, nguồn động viên. Giá trị giải thưởng này có thể bù đắp rất nhỏ nhoi cho các tác giả hy sinh mồ hôi nước mắt, thậm chí cả tính mạng.
Mấy ngày gần đây nổi lên vụ việc 2 phóng viên đài truyền hình Hà Nội bị hành hung. Và thời gian gần đây liên tục xuất hiện những vụ việc phóng viên bị hành hung khi thực hiện các đề tài phát hiện tiêu cực. Bởi vậy, ban tổ chức giải phấn đấu tạo nguồn kinh phí để giá trị giải thưởng cao hơn để động viên khuyến khích các tác giả tham gia.
Nhà báo Công Khanh:Dự buổi toạ đàm hôm nay, có sự tham gia của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc tại các báo... nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo điện tử Dân Việt) đã có một "bộ sưu tập" đáng kể các loạt bài phóng sự điều tra, phanh phui ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và nhiều giải thưởng báo chí danh giá. Trong đó có giải A Giải báo chí toàn quốc chống tham nhũng, tiêu cực (2021) với loạt bài độc quyền "Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam".
Thưa nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, việc tấn công vào những tiêu cực, chắc hẳn nhà báo và các đồng nghiệp phải đánh đổi không ít? Xin ông có thể chia sẻ về những góc khuất về tác nghiệp các tác phẩm thuộc thể tài khó nhất của báo chí này?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Với chủ đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bản thân tôi đã từng tham gia nhiều năm, nhưng gần đây, chưa bao giờ tôi thấy không khí báo chí muốn tìm giải pháp, lối ra cho vấn đề tiêu cực trong xã hội lại mạnh mẽ như bây giờ. Đúng như đồng chí Nguyễn Hữu Dũng và đồng chí Vũ Văn Tiến đã nói, Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực thật sự là niềm động viên rất lớn đối với cá nhân tôi và các đồng nghiệp.
Theo tôi, khó khăn nhất khi tham gia vào mảng báo chí đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là sự vất vả. Giải A Giải báo chí toàn quốc chống tham nhũng, tiêu cực (2021) của chúng tôi năm 2021 đã đăng đến mấy chục kì. Đến giờ phút này, có đối tượng xử tù lên đến hơn 64 năm, nhiều đối tượng vẫn đang tiếp tục được điều tra xử lí. Loạt bài khi được đăng đã gây một sự chấn động rất lớn trong dư luận. Nhưng khi chúng tôi được trao giải, sự lan toả còn lớn hơn rất nhiều và tỉnh Hà Giang cũng xử lí quyết liệt hơn. Thông qua sự vinh danh của giải đã thực sự truyền cảm hứng cho nhà báo.
Một trong những khó khăn khi thực hiện tuyến bài này là chúng tôi liên tục phải đi ngày đi đêm. Chúng tôi không bao giờ được xuất phát khi trời còn sáng, bởi bị theo dõi liên tục bởi các đối tượng đầu gấu, “chim lợn”. Chúng tôi phải đi vào rừng từ 3-4h sáng và ra khỏi rừng khi trời đã tối.
Trong quá trình thực hiện, rất nhiều đối tượng xin gặp nhiều lần, nhưng chúng tôi tuyệt đối không ăn với họ bất kì 1 bát mì tôm. Chúng tôi kiên quyết làm đến tận cùng và đã kiến nghị lên Quốc hội, các đồng chí Bộ trưởng về vụ việc này để đến bây giờ, mấy chục người đã bị bắt. Đây là bài học sâu sắc vì sự cổ vũ, động viên của giải đối với chúng tôi là vô cùng quan trọng.
Loạt bài được giải A Giải Báo chí Quốc gia năm vừa rồi cũng vậy. Trước khi bắt đối tượng trong đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Chúng tôi không phải đi theo công an, tường thuật lại vụ bắt giữ các đối tượng mà chính chúng tôi là người điều tra từ Châu Phi về tam giác vàng, dọc Việt Nam. Đích thân tôi là người đã gặp Giám đốc, Phó Giám đốc công an tỉnh và trưởng các đơn vị nghiệp vụ để cùng với họ phá án. Do đó, các loạt bài điều tra đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải quyết liệt, có ý tưởng, và giữ mình đến tận cùng.
Nhà báo Công Khanh:Thưa nhà báo Lê Anh Đạt, báo Đại Đoàn Kết được bạn đọc biết đến với những bài viết trực diện đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, tiên phong trong bảo vệ cái mới, cái tiến bộ. Trong quá trình thực hiện các tác phẩm điều tra chống tiêu cực, tiên phong đổi mới, báo và cá nhân ông đã phải đối mặt với gì? Ông có thể chia sẻ cùng bạn đọc.
Nhà báo Lê Anh Đạt: Trong lịch sử phát triển vẻ vang của Báo Đại Đoàn Kết- Tờ báo ra đời trước cách mạng tháng 8/1945, đã phụng sự bạn đọc, để lại nhiều dấu ấn trong 81 năm qua. Thời kỳ trước Đổi Mới, nhà báo Thái Duy đã viết "Khoán chui hay là chết". Trước bất kỳ sự đổi mới nào cũng có sự giằng xé giữa cái cũ đã lỗi thời, cái mới tiến bộ đang hình thành. Cái cũ thì cố hữu, bảo thủ, cái mới thì non nớt cần được bảo vệ. Trong bối cảnh đó, nhà báo Thái Duy đã dũng cảm để viết những bài báo thời sự, mang tầm thời đại.
Sau này, Báo Đại Đoàn Kết đã từng đứng về phía người yếu thế, bền bỉ đấu tranh cho lẽ phải, công lý và đã chiến thắng trong một vụ án oan, cứu một người thoát án tử hình.
Dù đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ sự tiến bộ, hay bênh vực cho số phận con người, Báo Đại Đoàn Kết, các thế hệ làm Báo Đại Đoàn Kết đã thể hiện bản lĩnh của một tờ báo lớn trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày nay, Báo Đại Đoàn Kết dưới sự lãnh đạo của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã và đang thực hiện tốt sứ mệnh của mình, trong đó có cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực. Báo có 2 chuyên mục: Giám sát – Phản biện và Tiếng dân đã bám sát tôn chỉ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát và phản biện xã hội. Các tuyến bài điều tra của Báo thời gian gần đây đã trực diện, đối đầu với các tiêu cực, cái xấu được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá cao.
Về việc báo và cá nhân tôi chịu những gì khi thực hiện các loạt bài điều tra chống tiêu cực, tôi xin thưa là nhiều, và không phải cái gì cũng giãi bày được. Tuy nhiên thường trực nhất là đe doạ, và đối mặt với trả thù. Điều này là đương nhiên, vì chống tham nhũng tiêu cực là đã chọn cho mình việc làm nặng nhọc, nguy hiểm vì đụng chạm lợi ích những người có máu mặt. Tuy nhiên, vì bạn đọc, vì sứ mệnh của tờ báo, những nguời cầm bút nếu chỉ lựa chọn các tác phẩm bình bình thì chẳng ai nhớ đến mình, chẳng ai tin nhà báo, tờ báo cứ mũ ni che tai, chọn cách an toàn trước thời cuộc.
Nghề báo là thư ký thời đại, phải ghi lại những gì nóng bỏng và góp phần thay đổi cái xấu, cải tạo xã hội. Bởi vậy tôi rất trân trọng các nhà báo dấn thân các thể loại này và Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng tiêu cực là sự cổ vũ thực sự rất sâu sắc, ý nghĩa.
Nhà báo Công Khanh: Thưa nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, được biết trong nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, các đối tượng thường có 2 cách thức: dụ dỗ, lôi kéo nhà báo bằng những lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cản trở, hành hung nhà báo. Vậy bản lĩnh của một nhà báo khi đối diện với tham nhũng, tiêu cực là gì?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Cá nhân tôi cho rằng, khó khăn lớn ở đây chính là sự kiên định của nhà báo. Chúng tôi luôn tin “ma bao giờ cũng sợ người” và các tuyến bài điều tra chống tiêu cực phải đối mặt với rất nhiều thế lực. Trong quá trình công tác, nhiều khi báo cáo đề tài, mọi người thường nói “mới quá”, không có gì đảm bảo khi viết xong, phóng viên sẽ được bảo vệ. Nhưng tôi phản biện, vì nó mới quá nên chúng ta mới cần vào cuộc. Còn nếu nó rõ rành rành thì không cần các nhà báo điều tra vào đó để làm gì.
Chúng tôi đã làm những vụ mà từ Ban biên tập còn bỡ ngỡ, cho đến độc giả, khán thính giả còn bỡ ngỡ. Nhưng khi chúng tôi phanh phui sự việc thì đến luật cũng phải thay đổi. Bởi những bất cập trong cuộc sống đã được truyền tải trong loạt bài.
Chúng tôi kiên định con đường: Thước đo phẩm cách của một nhà báo là người phóng viên, tờ báo đó đã làm được điều gì cho xã hội? Không phải viết để khua môi múa mép, khoe câu khoe chữ hay văn phong bóng bẩy để đăng Facebook. Mà quan trọng là tính hữu ích của bài báo, loạt bài đó trong cuộc sống.
Còn như anh Vũ Văn Tiến đánh giá rất đúng rằng, giá trị của giải thưởng Giải báo chí đối với cộng đồng và những người làm báo rất quan trọng. Bên cạnh đó còn là bản lĩnh của Ban biên tập trước những tuyến bài điều tra.
Bản thân tôi cũng là thành viên chấm giải trong các giải báo chí. Tiêu chí mà chúng tôi đặt ra khi chấm một tác phẩm đó là: Vấn đề đó có mới không, xử lí cái mới đó Như thế nào và quan trọng nữa là sau khi đăng tải, nó có tác động như thế nào? Tiêu cực có được giải quyết không? Thân phận của người khổ có được cứu giúp không? Bất công có được xử lí đến tận cùng không?,…
Một điều cũng rất quan trọng khi thực hiện các tuyến bài điều tra chống tham nhũng tiêu cực là nhà báo phải biết giấu thân phận của mình. Bởi để tự bảo vệ mình là một bài toán vô cùng khó trong sự lan truyền của internet, mạng xã hội như hiện nay. Bởi chỉ cần bất cẩn một chút thì sẽ lộ.
Tôi đã công tác trong những toà soạn khi tôi làm các tuyến bài điều tra chỉ có Tổng Biên tập, Trưởng ban điều tra là biết tôi làm vụ đó. Đến khi chấm nhuận bút cũng chỉ có chúng tôi biết với nhau.
Một Tổng Biên tập đã từng nói với tôi rằng, nếu các anh chị tiết lộ phóng viên nào đang làm một vụ việc điều tra để trục lợi cá nhân cho anh chị, thì các anh chị đang bán rẻ máu của đồng nghiệp mình. Do đó, tính quyết liệt, sự kiên định, sự tự bảo vệ mình của nhà báo trong quá trình thực hiện các loạt bài chống tham nhũng, tiêu cực là rất quan trọng.
Một điều nữa tôi muốn chia sẻ là, nhà báo cần xác định cái gì cần phải giữ, đâu là điều quan trọng nhất trong loạt bài điều tra đó. Mà khẩu hiệu tôi đặt ra là “Những viên đạn bọc đường trong phóng sự điều tra chống tham nhũng, tiêu cực”.
Bởi trong quá trình điều tra có khi chưa gặp nguy hiểm vì bị hành hung, đánh đấm. Nhưng có thể khi đăng rồi, “thắng” rồi lúc đó tất cả mọi sự dụ dỗ, mua chuộc mới ra đời. Một sự thật đau lòng là một số đồng nghiệp đã sa ngã sau thời điểm chiến thắng đó. Cho nên tôi nghĩ rằng kiên định và giữ mình từng li từng tí là khó nhất. Bởi đã thoả hiệp được một lần thì sẽ có lần 2 và “n” lần sau mà lần sau bao giờ sự thoả hiệp cũng nguy hiểm hơn lần trước.
Nhà báo Công Khanh:Thưa bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam – Phó Trưởng Ban Tổ chức Giải, làm thế nào bảo vệ nhà báo tác nghiệp lĩnh vực phòng chống tham nhũng, tiêu cực?
Bà Đỗ Thị Thu Hằng: Có thể nói rằng tất cả chúng ta ngồi đây là những người đã từng tham gia vào những hoạt động liên quan tới tổ chức tác nghiệp và bảo vệ nhà báo, tổ chức khoá bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ, năng lực của người làm báo trong việc tổ chức thực hiện các tuyến bài điều tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như các thể loại khác cho mục tiêu cuối cùng là báo chí tham góp trong công cuộc phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua.
Trước tiên, xin khẳng định rằng, Hội nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị nghề nghiệp luôn có một sứ mệnh lớn là bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo. Quyền tác nghiệp hợp pháp là cụm từ mà bất kỳ nhà báo khi tham gia vào hoạt động nghiệp vụ của mình cần phải nhớ.
Cái khó nhất với báo chí phòng, chống tiêu cực là có những lằn ranh, những vấn đề mà nhà báo khi điều tra không thể mang thẻ nhà báo ra để nói rằng "tôi đang hành nghề hợp pháp". Thế nên, trước tiên, việc bảo vệ nhà báo tác nghiệp bắt đầu từ chính bản thân nhà báo. Mỗi nhà báo khi hành nghề cần biết chúng ta được quyền hành nghề nhưng những cơ sở chính trị pháp lí của việc hành nghề ấy thì như nào?
Thứ hai, chúng ta luôn đối mặt với câu chuyện về bối cảnh hành nghề ấy sẽ cho chúng ta điều kiện tác nghiệp hợp pháp hay không.
Bản thân mỗi người chiến đấu trên một mặt trận nào đó thì bao giờ cũng là người làm chủ hoàn cảnh và tự họ sẽ phải phân tích bằng trí tuệ, bản lĩnh, sự khôn khéo của mình để tự xác định vấn đề. Sau đó khi cần tìm cho mình lực lượng hỗ trợ đứng sau. Bất cứ lúc nào cũng có thể kết nối với họ như lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp, cộng tác viên, những người trong quá trình làm nghề…
Tôi vẫn nói nghề báo là nghề làm sao để người ta thấy mình tử tế nhất và khi bất cứ lúc nào chúng ta rơi vào tình thế cần sự trợ giúp thì có những người vì yêu quý mình thì hỗ trợ mình, Tất nhiên trong số những người đó luôn luôn có lực lượng chức năng, Hội Nhà báo Việt Nam ở tất cả các cấp.
Tôi nghĩ rằng, vai trò của cá nhân nhà báo là cốt lõi, bởi không ai có thể cứu mình bằng chính mình và điều đó đói hỏi kiến thức, kỹ năng, sự tử tế. Nên một nhà báo làm đấu tranh phòng, chống tham nhũng đừng nghĩ kỹ năng nghề là số một mà cái tâm cái đức mới là số một. Tự tâm đức của mình tạo ra sự lan toả kết nối, sự ủng hộ, che chở. Và mục tiêu cuối cùng của những loạt bài điều tra là vì đất nước, những người dân, vì xã hội phát triển bền vững, vì những gì gần gũi với tất cả chúng ta.
Phẩm chất chính trị, đạo đức, những giá trị nguyên bản của người làm báo chính là công cụ tự bảo vệ những người làm báo trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tôi cho rằng, tầm vóc của các tác phẩm, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không đơn thuần chỉ là tên một giải báo chí được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí đứng ra đồng tổ chức, ủng hộ hỗ trợ tạo nên tầm vóc của giải mà hơn hết tầm vóc của giải được xây bởi công sức lao động, cái tâm, cái tầm của những người làm báo Việt Nam. Những tác phẩm tham dự giải và đại diện tinh tuý nhất là các tác phẩm đoạt giải đã thể hiện vai trò của báo chí trong giám sát phản biện xã hội.
Hơn nữa đó là sự cổ vũ lớn lao với sự nghiệp toàn Đảng, toàn dân thúc đẩy sự tham gia của các cơ quan tổ chức cá nhân. Báo chí là những lực lượng thúc đẩy sự tham gia và kết nối các lực lượng để cùng tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cùng tuyên truyền để nhân dân trong nước hiểu bản chất của công cuộc này.
Hơn thế nữa, nhìn thấy sự công khai minh bạch tinh thần ý chí của toàn đảng toàn dân để làm sao tạo ra sự phát triển bền vững, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Tôi nghĩ rằng, sự truyền cảm hứng và công tác tuyên truyền giải có vị trí quan trọng giúp xã hội nhìn nhận giá trị vai trò quan trọng của Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc giám sát phản biện xã hội nói chung và đặc biệt đồng thời cho thấy những giá trị cần được vinh danh, cần có cơ chế, chế độ nhất định nào đó thúc đẩy hoạt động báo chí phòng chống tham nhũng, tiêu cực với chất lượng cao hơn, tầm vóc lớn hơn.
Bằng giải này tạo sự lan toả toàn xã hội, tao ra hiệu ứng, hiệu quả xã hội, thúc đẩy hành vi giải trình, sửa chữa và có những giá trị giáo dục để phòng. Và giá trị lớn nhất có thể đạt dược sau đó thúc đẩy bảo vệ nhà báo là nên có những khoá đào tạo về kiến thức, kỹ năng sao đó thúc đẩy chất lượng giải, đồng thời giúp các nhà báo sẵn lòng tham gia hoạt động này có sự chuẩn bị tốt nhất tâm thế kỹ năng để tự bảo vệ mình với các sức ép các bên khác nhau và bảo đảm quyền hành nghề của cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng chống tiêu cực hiện nay.
Nhà báo Công Khanh:Kính thưa bà Đỗ Thị Thu Hằng, ở góc độ nghiệp vụ, bà đánh giá thế nào về Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống giải báo chí mang tầm vóc quốc gia hiện nay?
Bà Đỗ Thị Thu Hằng: Như tôi đã nói, tôi khẳng định đây là giải báo chí toàn quốc có tầm vóc lớn, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện rõ giá trị vai trò của báo chí trong công cuộc phòng chống tiêu cực. Sự tham gia của các tác phẩm báo chí góp phần thể hiện rõ vai trò, tinh thần trách nhiệm, vai trò của báo chí và tất cả lực lượng khác nhau trong toàn xã hội trong việc góp công về “hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm” của chúng ta hiện nay.
Tầm vóc này càng được khẳng định qua từng mùa giải. Năm nay mùa thứ 4 với sự chuẩn bị lớn và với quá trình tạo ra sự tương tác, truyền thông cho giải, cụ thể là buổi toạ đàm hôm nay, tôi tin rằng mùa giải này đạt nhiều kết quả hơn 3 mùa trước và tiếp tục có nhiều thành công với những điểm nổi bật.
Nhà báo Công Khanh:Thưa PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, được biết, nhờ công nghệ AI chỉ sau vài phút người sử dụng công nghệ đã có những tác phẩm báo chí đa phương tiện, chất lượng. Có người nhận định robot sẽ làm báo... Nhưng chắc hẳn đối với các tác phẩm báo chí phản ánh tham nhũng, tiêu cực chắn chắn AI sẽ gặp khó khăn, bởi đây là công việc đỏi hỏi phải có cả trái tim lẫn khối óc. Bà hãy nhận định về việc này?
Bà Đỗ Thị Thu Hằng: Trước tiên rất đồng tình với nhận định robot hay bất cứ công cụ hiện đại hơn không thể thay thế với nhà báo cách mạng Việt Nam. Bởi robot không có trái tim, lý tưởng, mục tiêu, giá trị đạo đức, trách nhiệm xã hội. Các kỹ năng điều tra cũng không phải robot làm được. Robot là công cụ do con người tạo ra. Những người làm báo điều tra học ở nhiều lớp học, chỉ có họ tự dạy mình.
Ví dụ như nhà báo Đỗ Doàn Hoàng nói “cứ trời tối tôi đi” như vậy robot ko làm được. Làm thế nào để tránh, nhờ ai đó hỗ trợ mình… robot không làm được. Chỉ người có trái tim sẵn sàng hi sinh, tâm trí của người làm báo để cống hiến cho xã hội, Bản lĩnh để thắng chính mình là quan trọng. Có nhiều cạm bẫy nhưng có khi lại rơi vào cạm bẫy của chính mình.
Nhưng tôi cũng cho rằng, robot không thay được nhà báo nhưng hỗ trợ nhà báo rất tốt. Các phần mềm trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chúng ra rất nhiều trong quá trình điều tra. Ví dụ nếu chúng ta sử dụng bộ công cụ liên quan dữ liệu, chúng ta sẽ tiết kiệm thời gian lớn. Chúng ta không nên cực đoan, luôn tìm ra bộ công cụ và làm chủ công cụ đó.
Nói cách khác, nghiệm vụ báo chí điều tra nên kết hợp với những giải pháp nghiệp vụ của báo chí hiện đại. Nếu một tác phẩm báo chí được tích hợp giải pháp báo chí số thì tôi tin rằng sức lan toả, hấp dẫn, khả năng độ tin cậy, tăng cường hiệu quả của báo chí điều tra rất cao.
Nhà báo Công Khanh:Để phục vụ điều tra, lưu trữ, bảo vệ tác phẩm và bản thân nhà báo, xin anh có thể chia sẻ một số công cụ mà anh và nhóm điều tra đã sử dụng?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Như PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng đã nói, robot, AI không thay thế nhà báo nhưng sẽ hỗ trợ rất nhiều phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Cách chúng tôi bảo vệ mình là giấu thân phận nhưng có những lúc không thể giấu được vì mình phải có mặt tại hiện trường. Quan sát, phân tích hiện trường.
Năm 2023 chúng tôi có làm vụ việc mà đến nay đã có 30 đối tượng bị bắt. Có những ngày Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công bố 12 đối tượng bị bắt giữ cùng một lúc. Lúc đó tôi càng vững tin về sức mạnh của báo chí điều tra nếu chúng ta làm kiên định và quyết liệt.
Phải nói rằng, sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ hiện nay hiện đại vô cùng, đã hỗ trợ rất nhiều phóng viên. Trong khuôn khổ của pháp luật, chúng tôi có thể đặt thiết bị theo dõi đối tượng hàng tháng, mà vẫn có thể giám sát đối tượng, thu được hình ảnh và âm thanh từ rất xa để kịp thời tố cáo đến cơ quan chức năng.
Phương pháp thứ hai của chúng tôi là khi có tư liệu thì tố cáo cơ quan chức năng và đồng hành cùng cơ quan chức năng. Khi đó, sự thật chúng tôi điều tra độc quyền sẽ được phanh phui và sự “lật mặt nạ” của vấn đề kĩ càng hơn gấp nhiều lần những thứ chúng tôi đang có. Tuy nhiên thiết bị công nghệ cũng phải trong giới hạn cho phép của pháp luật bởi chúng còn liên quan đến quyền công dân, quyền bí mật riêng tư của người khác.
Có những thiết bị giúp nhà báo ghi được những hình ảnh mà mắt thường nhà báo không nhìn thấy, trong môi trường dưới nước, môi trường trên không,... vô cùng hữu hiệu. Nhưng tôi nhấn mạnh là trong điều kiện cho phép của pháp luật.
Do đó, việc làm báo nói chung và làm điều tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, phóng viên cần kết hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan Chính phủ, đặc biệt là cơ quan điều tra các cấp để đưa tư liệu cho cơ quan chức năng tiếp tục hành động, giải quyết các vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong xã hội là sự kết nối rất trực tiếp, sinh động và mang lại hiệu quả.
Chưa bao giờ sự hỗ trợ của công nghệ giúp cho nhà báo nhiều như bây giờ. Những hình ảnh, video nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ có thể giúp cả xã hội chung tay phòng chống tham nhũng tiêu cực chứ không chỉ riêng nhà báo. Dĩ nhiên, nhà báo vẫn luôn là một tác nhân quan trọng, nhất là nhà báo điều tra.
Để Giải lần thứ tư có nhiều đổi mới mang tính đột phá, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, trong thời gian tới các cơ quan phối hợp tổ chức Giải cần tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tính chính trị của Giải dưới nhiều hình thức khác nhau để thu hút sự quan tâm, tham gia hưởng ứng tích cực từ các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên thông qua việc gửi tác phẩm tham dự Giải trước ngày 31/8/2023 với số lượng và chất lượng cao nhất.
Ghi nhận báo Đại Đoàn Kết đã triển khai rất kịp thời buổi tọa đàm để thực hiện thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, đây là một hình thức tuyên truyền rất kịp thời, cần thiết; đồng thời đề nghị Hội nhà báo quan tâm phối hợp với Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tạp chí Nội chính (Ban Nội chính Trung ương) sớm triển khai tập huấn cho các nhà báo tham gia giải về mục đích, nội dung và tính chính trị của Giải lần thứ tư.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng nhấn mạnh, Ban Tổ chức giải tiếp tục quan tâm định hướng về những nội dung mới trong chủ đề Giải lần thứ tư để các nhà báo, phóng viên viết bài, gửi tác phẩm dự Giải bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng nhất là sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, trong mùa giải thứ tư này, có một nét mới đó là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã được triển khai tổ chức ở cấp tỉnh. Ở nhiều tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cụ thể là Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh đã có chương trình triển khai công tác và đặt ra những nội dung trọng tâm, những vụ việc cần quan tâm chỉ đạo với lộ trình, thời gian cụ thể. Đây là một nội dung mới mà các cơ quan báo chí, các nhà báo cần quan tâm tuyên truyền.
Để tiếp tục động viên các nhà báo trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, cần có chính sách, cơ chế để bảo vệ các nhà báo cũng như có những hình thức động viên, tôn vinh các nhà báo.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng thông tin thêm, ngoài hình thức khen thưởng theo quy định thể lệ, Ban Tổ chức Giải cũng chỉ đạo bộ phận tham mưu có hình thức khen thưởng bằng Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam; đồng thời đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương có Bằng khen tôn vinh ghi nhận động viên các nhà báo có số lượng bài viết tham dự giải nhiều, các bài viết có chất lượng; các tòa soạn báo có số lượng các nhà báo tham dự giải đông.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng kỳ vọng, công tác trao Giải lần thứ tư sẽ tiếp tục đổi mới qua đó tôn vinh các nhà báo, phóng viên, lan tỏa mạnh mẽ giá trị của những tác phẩm đoạt giải, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Toạ đàm, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, mặc dù thời gian dành cho buổi Tọa đàm không nhiều, tuy nhiên với sự chuẩn bị chu đáo của đơn vị tổ chức là Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, sự tham gia rất tâm huyết và trách nhiệm cao của các vị khách mời đã góp phần tổ chức thành công buổi Tọa đàm.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng tin rằng, qua buổi tọa đàm trực tuyến này, những nội dung và sức lan tỏa bước đầu sẽ được truyền tải đến các cơ quan báo chí, đội ngũ các nhà báo, phóng viên trên cả nước.
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong rằng, từ nay đến thời hạn cuối nhận bài dự thi - ngày 31/8/2023, các cơ quan phối hợp cũng như các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên tiếp tục lan tỏa nội dung, thông điệp về việc tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 với mong muốn mùa Giải lần thứ tư này sẽ được nâng lên về số lượng, chất lượng các tác phẩm báo chí so với 3 mùa Giải trước.
Sau ba lần phối hợp tổ chức Giải thành công, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 tiếp tục được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức và chính thức phát động từ ngày 13-11-2021 tại Hà Nội.
Theo đó, tác phẩm tham dự Giải phải là các tác phẩm được các cơ quan thông tấn báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 13/11/2021 đến 31/8/2023 và thời gian tiếp nhận tác phẩm được tính từ ngày phát động đến ngày 31/8/2023.
Lễ tổng kết và trao Giải: tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, thành phố Hà Nội vào đầu tháng 11 năm 2023 nhân dịp Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2023) và được Truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
- Tác phẩm báo chí dự Giải có thể gửi qua các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo hoặc gửi trực tiếp tới Ban Tổ chức Giải.
Địa chỉ nhận tác phẩm
a. Ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Số 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Điện thoại liên hệ: 024.39287401 & 098.5802.555 (ông Vũ Đình Long, Phó Trưởng ban).
b. Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam: Số 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội; Điện thoại liên hệ: 024.39351071 & 0912995895 (ông Trần Thái Sơn, Phó Trưởng ban).
Ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm dự Giải báo chí toàn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 4, năm 2022 – 2023. Tác phẩm cần ghi rõ bút danh (nếu có), địa chỉ, điện thoại, email… của tác giả. Ban Tổ chức Giải không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự giải bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Giải thưởng
- Cơ cấu giải thưởng gồm: Giải Đặc biệt, A, B, C và Khuyến khích cho các loại hình báo chí. Trong đó: Giải đặc biệt 100 triệu đồng; giải A mỗi giải 50 triệu đồng; giải B mỗi giải 30 triệu đồng; giải C mỗi giải 20 triệu; giải Khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng.
Công ty TNHH MTV dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng chương trình.