Tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực
Ngày 9/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn, khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày.
Đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực?
Trả lời ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) về việc sau vụ việc đăng kiểm rút ra bài học kinh nghiệm gì trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực? Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tổng kết 10 năm về công tác PCTN, tiêu cực đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó những sai phạm tại trung tâm đăng kiểm cũng là một trong những bài học được rút ra. Những vi phạm này đã diễn ra từ lâu, trong phạm vi rộng, đối tượng phạm tội nhiều. Vụ án có khoảng 639 đối tượng, liên quan đến 9 nhóm tội phạm, diễn ra ở 39 tỉnh, thành.
Theo Phó Thủ tướng, qua vụ việc này cần rà soát để hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là chức năng quyền hạn mô hình tổ chức của trung tâm đăng kiểm, tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng thực hiện dịch vụ đăng kiểm. Điều này phải công khai, minh bạch, rõ ràng.
“Những giải pháp phòng ngừa tham nhũng phải được chú trọng, tăng cường thông tin, sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình hoạt động. Đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm” - Phó Thủ tướng cho hay.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) nêu vấn đề, một trong những giải pháp cốt lõi để PCTN, tiêu cực là phải kiểm soát quyền lực. “Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực?” - bà Hà chất vấn.
Trả lời, Phó Thủ tướng cho biết, trong tổng kết 10 năm thực hiện công tác PCTN, có một bài học kinh nghiệm rất quan trọng đó là muốn PCTN hiệu quả thì phải kiểm soát được quyền lực. Kiểm soát quyền lực là để PCTN, loại bỏ kịp thời những sai phạm, phát hiện và ngăn ngừa cũng như xử lý nghiêm các sai phạm.
Nguyên nhân sâu xa của tha hóa quyền lực, theo Phó Thủ tướng, là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh và yêu cầu phải thiết lập cho được cơ chế kiểm soát quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn; phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế. Đấy là những lý do chúng ta phải kiểm soát quyền lực” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về giải pháp sắp tới, Phó Thủ tướng cho rằng, phải hoàn thiện cơ chế để thực thi quyền lực nhà nước. Xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp. Bên cạnh đó, phải tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, truy tố, điều tra, xét xử là những cơ quan thực thi pháp luật liên quan tới PCTN. Tăng cường giám sát, kiểm soát thực thi của người có chức vụ, quyền hạn. Thực hiện cơ chế tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm, giải trình. Đặc biệt, đối với những người có chức vụ, quyền hạn phải tự soi, tự sửa, tự rèn luyện. Phải kết hợp chặt chẽ giữa các cơ chế kiểm soát, có những cơ chế kiểm soát của Đảng, Nhà nước và nhân dân, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, vai trò của báo chí, đặc biệt là phát huy vai trò của nhân dân trong việc tiếp cận thông tin, quyền khiếu nại, tố cáo cũng như phản ánh, kiến nghị của nhân dân theo quy định. Có làm được như vậy thì công tác PCTN mới thực hiện tốt hơn.
Điều hành giá: Nguyên tắc là phải quan tâm đến đời sống của người dân
Đặt vấn đề chất vấn, ĐBQH Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) nêu ý kiến: “Đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết các giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá?”.
Trả lời, Phó Thủ tướng cho biết, điều hành giá cần hết sức uyển chuyển trong điều kiện chúng ta điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Nguyên tắc là phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa.
Đề cập thêm về giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết, muốn giữ được giá phải đáp ứng được quan hệ cung, cầu, nhu cầu đặt ra thì cung phải đáp ứng. Vấn đề này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, lương thực và những mặt hàng thiết yếu cho người dân. Bên cạnh đó, phải thực hiện các quy định pháp luật về giá, có nghĩa là kiểm soát giá với những mặt hàng nhà nước định giá thì chúng ta quyết định, còn đối với những mặt hàng nhà nước không định giá theo thị trường thì chúng ta thực hiện những cơ chế theo quy định pháp luật. Ví dụ, niêm yết, kê khai, kiểm tra các yếu tố hình thành giá để chúng ta có những chấn chỉnh kịp thời.
“Giải pháp cuối cùng hết sức quan trọng là chúng ta phải tuyên truyền, thông tin đầy đủ về thông tin giá để đông đảo nhân dân hiểu và ủng hộ việc điều hành giá của Chính phủ, tránh lạm phát cũng như tăng giá mà chúng ta không kiểm soát được. Đặc biệt, trong thời điểm tháng 7 là tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng thì cũng đã tính toán rất kỹ và cũng không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên chúng ta cũng phải hết sức quan tâm để kiểm soát giá, để cuối năm 2023 đạt được trong mức Quốc hội cho phép CPI không vượt quá 4,5%” - Phó Thủ tướng cho biết.
Giải pháp cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp
ĐBQH Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cho rằng, thời gian qua thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng, doanh nghiệp (DN) BĐS gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn thanh khoản dòng tiền, thị trường trái phiếu DN có thể nói là khủng hoảng. “Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này? Quan điểm chỉ đạo và những giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường BĐS, trái phiếu DN và thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới” - ông Lềnh chất vấn.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn do thị trường BĐS và thị trường trái phiếu DN cũng gặp khó cùng với những khó khăn khác, làm ảnh hưởng tới điều hành kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động của các DN. Những vướng mắc trong việc xử lý trái phiếu DN, theo Phó Thủ tướng là do quản lý khâu luân chuyển, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính cũng còn nhiều vấn đề chưa hợp lý. Bên cạnh đó, có một số trường hợp vẫn còn vi phạm.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 2 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do 2 Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng để nghiên cứu đánh giá những tồn tại, hạn chế, những nguyên nhân và đưa ra những giải pháp thì 2 tổ công tác này cũng đã có báo cáo, hiện nay Chính phủ cũng đang tiếp tục chỉ đạo để làm sao chúng ta tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và trái phiếu DN. Kịp thời chỉ đạo làm sao hoàn thiện căn cứ pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc cho thị trường hoạt động một cách thông suốt và hiệu quả. Đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức pháp luật, ổn định tâm lý.
“Chúng tôi cũng đã ổn định được tình hình và tiếp tục chỉ đạo để làm sao chúng ta tháo gỡ được những khó khăn trên tinh thần là trách nhiệm thì theo nghĩa vụ, theo hợp đồng dân sự. Tuy nhiên Nhà nước cũng phải có trách nhiệm tham gia, kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy việc thực hiện theo các cam kết, theo các nghĩa vụ, nếu có vi phạm thì phải xử lý nghiêm, làm sao để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như của nhà đầu tư” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay.
Giám sát các cam kết và lời hứa
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Sau 2,5 ngày làm việc hết sức khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm và chú ý rộng rãi của cử tri và nhân dân cả nước. Tại kỳ họp này, đã có 454 lượt ĐBQH đăng ký tham gia chất vấn, 112 lượt ĐBQH đã thực hiện quyền chất vấn, có 49 lượt ĐBQH đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm, nâng tổng số đại biểu tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 861 lượt.
Chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp được đại biểu Quốc hội rất quan tâm và rất hiệu quả. Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã kết thúc tốt đẹp theo tinh thần rõ trách nhiệm và rõ giải pháp. Nhưng có thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết và lời hứa của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhân dân, cử tri giám sát Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.