'Hộ chiếu xanh' cho hàng xuất khẩu
Làm doanh nghiệp xanh khó nhưng không thể không làm. Đó là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA).
Xuất khẩu đòi hỏi sản phẩm xanh
Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong 4 tháng đầu năm, toàn ngành xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng 20%. Đây là nhóm ngành hàng hiếm hoi khi xuất khẩu tăng trưởng dương trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù xuất khẩu rau quả ghi nhận những tín hiệu tích cực, song dự báo sẽ khó khăn nếu doanh nghiệp (DN) không áp dụng mô hình kinh tế xanh, phát triển bền vững.
“Các thị trường nhập khẩu như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc... đang hướng đến kinh tế xanh, nông nghiệp xanh. DN nào đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn SMETA (thực hành đạo đức trong kinh doanh và trách nhiệm xã hội)... xuất khẩu sẽ thuận lợi và tăng trưởng cao” - ông Tùng nói.
Trong khi nhiều DN cho biết khó tiếp cận đơn hàng, thậm chí bị từ chối đơn hàng, thi các DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường lại không thể nhận thêm đơn hàng bởi đã quá công suất sản xuất. Nghịch lý này đã và đang gây khó khăn cho không ít DN trong nước. Điều đó cho thấy, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chính là tấm “hộ chiếu xanh” để giúp DN vượt các rào cản, vươn mình mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính trên thế giới, cũng như nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hoá cho thị trường nội địa.
Đại diện cho DN vận chuyển, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cũng khẳng định, yêu cầu về quy trình xanh hóa chuỗi cung ứng đã rất rõ ràng và tác động đến sức cạnh tranh, cơ hội nhận đơn hàng của nhà xuất khẩu chứ không dừng lại ở mức phấn đấu.
Băn khoăn trước những thay đổi của thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhận định, hàng hóa xuất khẩu nói chung và nông sản Việt nói riêng có nhiều cơ hội khi Việt Nam liên tục ký kết các hiệp định thương mại tự do. Thế nhưng, việc tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại còn hạn chế. “Hiểu biết về nhu cầu tiêu dùng xanh, tiêu chuẩn sản phẩm bền vững, các quy định gắt đối với hàng hóa nhập khẩu của các nước... cũng được DN hiểu một cách giới hạn” - ông Phương nói.
Cần sự hỗ trợ và đồng hành
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, hiện nay các nhà nhập khẩu chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng, nhưng DN Việt muốn phát triển xuất khẩu phải đầu tư ngay. Đây là vấn đề cấp thiết. Đừng đợi khi các nhà nhập khẩu ra luật, lúc đó mới bắt tay vào sẽ là chậm, mất cơ hội xuất khẩu. Đơn cử như quy định cà phê không được trồng trên đất rừng. Nhà nhập khẩu ra tiêu chuẩn này DN phải đáp ứng ngay, còn lòng vòng đi chứng minh sẽ mất thời gian, cơ hội tuột khỏi tầm tay.
GS.TS Nguyễn văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật, nguyên Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên khẳng định: “Phải bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính nên buộc sản xuất xanh, tăng trưởng xanh. Muốn như vậy buộc phải đầu tư công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý rác thải, nước thải, thay thế nguyên vật liệu, thay vì hóa chất ảnh hưởng lớn đến môi trường bằng những nguyên liệu xanh, nguyên liệu thiên nhiên tạo sản phẩm an toàn đối với sức khỏe cộng đồng”.
Xét về lý thuyết tăng trưởng xanh rất đơn giản, tuy nhiên áp dụng thực tiễn rất khó. Khó nhất vẫn là áp dụng cách làm nào cho cộng đồng DN nhỏ và vừa. Đối với DN lớn thì việc này đơn giản hơn. Để có thể đi đến cùng DN xanh, theo lãnh đạo HUBA cần mời chuyên gia, nhà khoa học hỗ trợ tìm giải pháp xanh cả đầu vào lẫn đầu ra. HUBA sẽ cùng đồng hành về vốn cho DN, giúp DN tiếp cận chương trình tín dụng xanh. Song song đó, đồng hành, kết nối và tiêu thụ sản phẩm với các hệ thống phân phối trong nước thông qua logo để người tiêu dùng nhận biết. Cuối cùng là xúc tiến thương mại ra nước ngoài.
“Làm DN xanh khó nhưng không thể không làm. Sản xuất xanh, phát triển bền vững giúp DN tự tin, vững bước trong thời gian tới. Đặc biệt, DN phải vượt qua rào cản xanh trong xuất khẩu và hướng đến phát triển bền vững, phát triển tuần hoàn” - Chủ tịch HUBA nêu quan điểm.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố rất quan tâm đến phát triển kinh tế xanh nhưng đang còn lúng túng trong định hướng cũng như các chính sách, tận dụng hiệu quả nguồn lực có sẵn, để có thể đồng hành cùng DN. Phát triển kinh tế xanh mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực thì sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp cho quá trình chuyển đổi xanh không thể một mình DN hay nhà nước muốn là được. Cần có sự nỗ lực từ hai phía, nghĩa là tiếp cận từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới.