Doanh nghiệp xoay xở trong khó khăn kép

H.Hương 09/06/2023 07:46

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho biết, đơn hàng sụt giảm nặng khiến các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ nói chung và DN gỗ ở Bình Dương nói riêng đang như ngồi trên "chảo lửa".

Doanh nghiệp gỗ đang thiếu đơn hàng.

"Trong 30 năm làm ngành gỗ chưa bao giờ tôi thấy nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh như hiện nay và không thể dự đoán được. Tại Mỹ, thị trường bất động sản đóng băng đã kéo theo nhu cầu giảm, không ai mua đồ, sửa chữa nhà cửa, dẫn tới hàng tồn kho tăng cao” - ông Liêm nói.

Không chỉ khó khăn vì đơn hàng sụt giảm, DN ngành gỗ cũng là một trong những ngành hàng chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng. Ông Thang Văn Thông - đại diện Chi hội Dăm gỗ Việt Nam cho biết, ước tính số tiền thuế của DN ngành gỗ đọng lại hiện nay khoảng 6.000 tỷ đồng, khiến nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản, dừng hoạt động, nợ xấu với ngân hàng.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khó khăn trong khâu hoàn thuế đã dẫn đến việc một số DN phải dừng xuất khẩu; một số DN hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài, nhiều DN sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy là chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng, bao gồm hàng trăm nghìn hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy nhiên, không chỉ ngành gỗ mà nhiều hiệp hội, DN thuộc nhóm các ngành như giấy, cao su cho biết cũng đang bị “giam” cả nghìn tỷ tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Từ cuối năm ngoái đến nay có nhiều hiệp hội kêu cứu vì những bất hợp lý trong thực thi hoàn thuế.

Khó khăn còn đến từ việc một số quốc gia nhập khẩu áp thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí carbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu… tạo thêm rào cản cho các DN xuất khẩu.

Ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường buộc DN phải linh hoạt chuyển đổi sản xuất, đa dạng hóa khách hàng, mặt hàng, tập trung vào khâu thế mạnh nhằm duy trì việc làm cho người lao động, ổn định sản xuất. Chẳng hạn như trong lĩnh vực dệt may, khó khăn bủa vây, DN dệt may phải thay đổi sáng tạo linh hoạt để tạo sự khác biệt, cố gắng duy trì khách hàng cũ, tìm kiếm các khách hàng mới trong và ngoài nước thông qua các kênh khác nhau, DN cần phát triển hơn nữa khâu thiết kế. Để phát triển doanh số và mở rộng thị trường, DN cần tập trung cho bộ phận kinh doanh thị trường.

Còn ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, thị trường chính sụt giảm thì DN cần chuyển hướng sang các thị trường khác như Australia, Trung Đông, Ảrập, New Zaeland…, những thị trường này không lớn nhưng cũng mang lại hy vọng bù đắp phần thiếu hụt đơn hàng của các thị trường lớn.

"DN may giờ đang "ăn đong" đơn hàng trong ngắn hạn, theo đó, đơn hàng trong quý III/2023 của DN mới đạt khoảng 50%, DN phải tăng tốc tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì việc làm cho người lao động" - ông Hồng cho hay.

H.Hương