Quảng Trị: Giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS ở Hướng Hóa
Bám sát Công văn số 2534 ngày 28/11/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non"; Kế hoạch số 504 ngày 6/10/2022 của UBND huyện Hướng Hóa Phòng GD&ĐT Hướng Hóa triển khai nhiều giải pháp thực hiện.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, người Vân Kiều đã có chữ viết riêng (tiếng Bru Vân Kiều) tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Vì vậy việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh chưa thể áp dụng mô hình song ngữ mà áp dụng mô hình dạy tiếng thứ 2 (tiếng Việt) dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ (ngôn ngữ giao tiếp của người Vân Kiều, Pa Kô).
Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ người DTTS, các trường học xây dựng môi trường giáo dục bao gồm môi trường vật chất và môi trường xã hội phù hợp với nhu cầu, khả năng của trẻ và đặc thù của địa phương. Phát triển chương trình giáo dục, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường ở vùng đồng bào DTTS có nét đặc thù riêng về văn hóa và ngôn ngữ với những hoạt động giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt, trong đó đặc biệt chú ý đến nội dung giáo dục phát triển năng lực ngôn ngữ cho trẻ, bao gồm phát triển kỹ năng nghe, nói, làm quen với đọc, viết cho trẻ em ở tất cả các độ tuổi mầm non. Mặt khác, chú trọng thời lượng tập nói tiếng Việt cân đối với thời lượng sử dụng, học tiếng mẹ đẻ, đặc biệt đối với trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo mới ra lớp, khả năng giao tiếp tiếng Việt còn hạn chế.
Cùng với đó, các trường bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tham gia tập huấn do các cấp tổ chức, đồng thời chỉ đạo chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu để tổ chức triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ ở cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, đặc biệt đối với những nơi giáo viên dạy lớp ghép có từ 2 dân tộc trở lên và nhiều độ tuổi, giáo viên dạy trẻ vùng có 100% đồng bào DTTS sống biệt lập.
Các trường cũng cần tiếp tục khai thác nguồn tài liệu bồi dưỡng về nội dung, phương pháp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về tăng cường tiếng Việt; tài liệu hướng dẫn làm quen với đọc, viết cho trẻ mầm non; tài liệu hướng dẫn về xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non người DTTS dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Đồng thời, phát triển các loại hình học liệu bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt để trẻ em người DTTS có nguồn tiếp cận học liệu phù hợp, tạo cơ hội bình đẳng trong học tập cho trẻ em người DTTS. Đặc biệt, tăng cường phát triển học liệu trên nền tảng công nghệ như các phần mềm học tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ, các trò chơi ngôn ngữ trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các tổ chức xã hội, già làng, trưởng bản, cán bộ văn hóa xã, huyện tham gia phát triển văn hóa dân tộc địa phương như sưu tầm câu chuyện, truyện thơ, sử thi, câu đố, bài hát ru, trò chơi dân gian bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt để sử dụng trong nhà trường, thư viện, nhà văn hóa thôn bản, sân chơi cho trẻ em...