Giải pháp nào xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên?
Sáng 9/6, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã tổ chức Diễn đàn Môi trường năm 2023 với chủ đề “Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên”.
Sự kiện nhận được nhiều tham luận của các diễn giả, chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học ở trong nước. Đặc biệt, các chuyên gia môi trường đến từ Nhật Bản, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam với nhiều kinh nghiệm, giải pháp trong vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Nguồn tài nguyên đang bị lãng phí
Tại diễn đàn, TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn cho biết: “Bảo vệ môi trường thông qua hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, tái chế và sử dụng chất thải là trách nhiệm của toàn xã hội. Với chức năng của mình, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường mong muốn thông qua diễn đàn này, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng và doanh nghiệp về việc tăng cường quản lý, phân loại, tái chế chất thải rắn sinh hoạt”.
Bên cạnh đó, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để giá trị là nguồn tài nguyên vô cùng lớn. Nếu khai thác tốt sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Vì, chất thải của ngành nghề này có thể trở thành nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác.
Thống kê của Bộ TNMT cho thấy, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị 3 chiếm 60%; chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày cũng là 1 con số khá lớn, nhưng đáng chú ý hơn cả là tỷ lệ thu gom và tỷ lệ xử lý loại chất thải này vẫn chưa đạt 100%.
Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10 - 16%/năm. Về vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay, có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh.
TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cũng khẳng định, chất thải rắn là một nguồn tài nguyên, nhưng nếu không có biện pháp xử lí tốt thì không bao giờ có thể thành tài nguyên. Chúng ta đang đầu độc môi trường và chính chúng ta đang phải gánh chịu những hậu quả. Diễn đàn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu và tâm huyết về vấn đề môi trường sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng chính sách hoàn thiện hơn nữa để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TNMT, Việt Nam hiện nay có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bãi thải từ các cơ sở chế biến phân compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt). Ngoài ra, khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.
Ông Thọ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc coi chất thải như một nguồn tài nguyên để vượt qua thách thức về cạn kiệt nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu trong tương lai.
Tuy nhiên, trình bày tham luận tại diễn đàn, ThS Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện Khoa học Môi trường cho rằng để biến chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam thành tài nguyên đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức.
Theo đó, vấn đề nhận thức của người dân, cộng đồng trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Hầu hết công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn lạc hậu và gây tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người. Chưa có hướng dẫn về danh mục công nghệ xử lý, tái chế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đặc biệt là tình trạng thiếu kinh phí, ngân sách địa phương không đủ đầu tư để triển khai thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ và hiệu quả.
Cần giải pháp tổng thể
Bàn về các giải pháp, các chuyên gia đã thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, bao gồm cả các giải pháp về mặt chính sách cũng như giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.
Về mặt chính sách, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải được coi là những biện pháp hữu hiệu để giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, giảm các nguy cơ về môi trường đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Do đó, cần khuyến khích tái chế và tái sử dụng, xây dựng các chương trình khuyến khích người dân phân loại chất thải và thúc đẩy việc tái chế và tái sử dụng các vật liệu như giấy, nhựa, kim loại và thủy tinh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất và tiếp thị các sản phẩm tái chế…
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này sẽ tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường.
Xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hóa quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, hay công nghệ chất thải thành năng lượng để tạo ra sản phẩm tái chế và năng lượng sạch.
Ngoài ra, cần khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt, như biogas từ quá trình phân hủy sinh học, để sản xuất điện và nhiệt. Việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch và giảm khí thải nhà kính.
Đề xuất về các giải pháp công nghệ, GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh, bên cạnh việc ứng dụng chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến, cần hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; rà soát và đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động một cách có hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, góp phần vào phát triển bền vững đất nước.
Trong khi đó, ông Đinh Nam Vinh, Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, cần lựa chọn và áp dụng các công nghệ phù hợp, đảm bảo tính bền vững và tạo ra hiệu quả tốt nhất trong việc xử lý rác thải. Việc xử lý rác thải cần được tiếp cận một cách bài bản và hiệu quả để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; đẩy mạnh công tác phân loại rác thải tại nguồn và khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế.
Ngoài ra, ông Vinh cũng đề xuất, cần khuyến khích hơn nữa sự đổi mới và đầu tư vào các dự án nghiên cứu về công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, gồm cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet và các công nghệ thông tin khác để giải quyết vấn đề này một cách thông minh và hiệu quả.
Diễn đàn Môi trường là sự kiện thường niên hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6) và ngày Đại dương thế giới (8/6). Đặc biệt, đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (13/10/2003 - 13/10/2023).
Thông điệp của Diễn đàn Môi trường năm 2023, là đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng và doanh nghiệp tích cực thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đồng thời, định hướng cộng đồng, doanh và các địa phương trong quản lý, đầu tư, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt hướng đến phát triển bền vững,...
Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải, phát triển công nghệ đưa ra những mô hình tiên tiến, công nghệ hiện đại, giải pháp hay trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn sinh hoạt,...