Tăng tốc để thu hút FDI

H.Hương 10/06/2023 07:35

Với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện không ngừng, Việt Nam đang được các doanh nghiệp nước ngoài hướng đến như là một trong những cứ điểm đầu tư.

Nguồn nhân lực là một trong 3 điểm đột phá chính (bao gồm cả hạ tầng và công nghiệp hỗ trợ) mà Việt Nam cần tập trung vào đó để tăng tốc trong “cuộc đua” thu hút FDI. Ảnh: Quang Vinh.

Những cơ hội mới

Adani – một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ của tỷ phú Gautam Adani – người được biết đến với khối tài sản lớn nhất nhì châu Á đã tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá cơ hội và đi đến quyết định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, không chỉ trong lĩnh vực cảng biển, logistics mà còn các lĩnh vực năng lượng, công nghệ số.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Karan Adani - Tổng Giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế, thuộc Tập đoàn Adani đã bày tỏ Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD.

Kỳ vọng cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục được mở ra khi Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing chính thức khánh thành văn phòng thường trực tại Hà Nội, đẩy mạnh cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam.

Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing Brendan Nelson đánh giá, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu, bởi vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực, với tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, dân số 100 triệu người, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và việc ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Ông Brendan Nelson đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển ngành hàng không, nhất là nhiên liệu hàng không bền vững, với nguồn nhân lực có trình độ ngày càng được nâng cao. Phía Boeing sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác tại Việt Nam với cam kết dài hạn, tăng cường hợp tác với các hãng hàng không và các đối tác Việt Nam.

Ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng cho hay, các doanh nghiệp (DN) Mỹ nhìn vào Việt Nam trong trung hạn vẫn rất tích cực.Thời gian tới cũng có nhiều DN khác có kế hoạch sang Việt Nam tìm hiểu do xu hướng dịch chuyển, tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp tục. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đảo chiều tăng trở lại, tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư.

Tính đến 20/5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ 2022. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính lũy kế đến ngày 20/5/2023, cả nước có 37.238 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 447,67 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 281,65 tỷ USD, bằng gần 62,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Tính đến 20/5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ, tăng 10,6 điểm phần trăm so với 4 tháng đầu năm.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài chỉ rõ, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng.

Dự báo lĩnh vực năng lượng mặt trời áp mái sẽ thu hút nhiều dòng vốn chất lượng cao thời gian tới.

Xây dựng niềm tin

Theo ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam các DN công nghệ thông tin trên toàn thế giới đang dõi theo Việt Nam - một cứ điểm trọng tâm của điện thoại di động, để tìm hiểu những biến đổi trong chính sách công nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Choi Joo Ho, để tăng cường năng lực cạnh tranh, xa hơn nữa là vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các DN FDI, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư cũng như thực hiện cam kết, xây dựng lòng tin giữa Chính phủ Việt Nam và DN.

Với xu thế hiện nay, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D); kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch… Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đặt trọng tâm ưu tiên thu hút FDI và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Công ty đầu tư CME Solar cho biết, thời gian gần đây, năng lượng điện mặt trời áp mái đã trở thành một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Với sự phát triển của công nghệ, giá thành sản xuất và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái đã giảm đáng kể. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Để đón nhận dòng vốn mới chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng mặt trời áp mái, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đa dạng hóa các dự án và nâng cao chất lượng các dự án đã có. Một trong những giải pháp đó là tăng cường hợp tác giữa các DN và các tổ chức nghiên cứu, giúp đưa ra các giải pháp mới để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thúc đẩy các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư.

Vì vậy, để thu hút dòng vốn đầu tư mới và đặc biệt là các dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Việt Nam cần có chính sách đầu tư thích hợp, hấp dẫn và môi trường kinh doanh thân thiện với các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng nêu quan điểm, Việt Nam phải nhanh chóng hành động tăng tốc trong cuộc đua thu hút FDI. Theo đó, cần tập trung vào 3 điểm đột phá chính là hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghiệp hỗ trợ. Muốn thu hút FDI, chúng ta phải sẵn sàng quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu của những dự án “khủng”. Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, giảm thiểu chi phí logistics. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao trong khu vực Đông Nam Á.

Và cuối cùng, phải có những DN phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, bù đắp sự thiếu hụt linh kiện. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI là bài học kinh nghiệm thành công điển hình của các quốc gia trong khu vực mà tiêu biểu là Thái Lan. Thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư trong các ngành sản xuất đã lựa chọn Thái Lan hoặc Indonesia vì hệ thống cung ứng nội địa của Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia này.

Nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bối cảnh hiện nay, việc thu hút nguồn vốn FDI sẽ hướng đến các dự án có chọn lọc, có sự lan tỏa đến quá trình thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Để thực hiện thành công các mục tiêu này, rất cần những giải pháp mang tính đột phá, hiệu quả và khả thi. Ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp môi trường kinh doanh số.

Theo các DN châu Âu, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI trong mắt các lãnh đạo DN châu Âu, với hơn 3% các nhà lãnh đạo cho rằng Việt Nam là 1 trong 3 trọng điểm đầu tư của họ trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, các DN châu Âu tại Việt Nam cũng chỉ ra các khó khăn, vướng mắc liên quan các quy định, thủ tục hành chính, hải quan chưa hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, hay vấn đề xin thị thực và giấy phép lao động đối với các công ty dịch vụ, cùng những bất cập trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong các ngành giao thông vận tải, dược phẩm và năng lượng tái tạo.

Từ đó, các DN châu Âu khuyến nghị cần cải thiện khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến đầu tư năng động, giúp giải quyết các băn khoăn, vướng mắc của doanh nghiệp nước ngoài và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế đất nước.

H.Hương