Cầu Vĩnh Phú (bắc qua sông Lô nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) có tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng, do Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc làm Chủ đầu tư. Cầu có chiều dài hơn 509m, trong đó cầu chính dài khoảng 290m, cầu dẫn phía tỉnh Phú Thọ dài 70,75m, cầu dẫn phía tỉnh Vĩnh Phúc dài khoảng 148,8m. Sau hơn 1 năm khởi công nay đã hoàn thành trên 90% hạng mục. Cầu được thiết kế bảo đảm 4 làn xe cơ giới, bề rộng mặt cầu chính 19m, bề rộng cầu dẫn 16,5m. Theo người dân trú tại phường Dữu Lâu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho biết, người dân nơi đây rất vui mừng khi sắp có cầu mới để đi. Bởi mỗi lần muốn đi qua lại giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ đều rất vất vả vì phải qua phà, chờ đò. Bà Nguyễn Thị Hương trú tại phường Dữu Lâu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ chia sẻ, con gái bà lấy chồng tại tỉnh Vĩnh Phúc mỗi lần muốn sang thăm con là phải chờ phà, đò, mất 30-40 phút mới có thể sang tới nơi. "Khi nhìn thấy cây cầu sắp hoàn thành người dân chúng tôi rất phấn khởi, hào hứng", bà Hương nhấn mạnh. Theo ông Bùi Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bác cho biết: Hiện tại, số lượng công nhân đi làm phải qua sông Lô mỗi ngày lên tới vài nghìn người. Chỉ tính xã Đức Bác và một vài xã lân cận đã có khoảng 2.000 người qua sông đi làm. Ngoài ra, còn có cả các em học sinh qua TP Việt Trì đi học thêm. "Ngay từ khi bắt đầu thi công dự án cầu Vĩnh Phú, người dân đã mong ngóng từng ngày. Thời gian hoàn thành cầu luôn là vấn đề mà người dân quan tâm. Tương lai, cầu làm xong không những giúp cho người dân đi lại thuận tiện mà còn giúp phát triển kinh tế, giao thương giữa hai tỉnh", ông Đồng chia sẻ. Ông Lê Ngọc Minh - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến thời điểm này, nhà thầu thi công đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng vào cuối tháng 6/2023, sớm hơn 5 tháng so với hợp đồng mà các nhà thầu đã ký với chủ đầu tư. "Dự án cầu Vĩnh Phú không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, rút ngắn thời gian lưu thông, bảo đảm an toàn giao thông, kết nối giao thông, phát triển kinh tế của vùng mà còn là biểu tượng kết nối giao lưu văn hóa, tình cảm mật thiết giữa nhân dân hai tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ" ông Minh nhấn mạnh. Hiện tại, đơn vị đang và sẽ thi công các hạng mục còn lại như thảm mặt cầu, làm khe co giãn, lan can, điện chiếu sáng, vạch kẻ đường, biển báo... Cây cầu sử dụng hệ thống dây văng đúc hẫng cân bằng EXTRADOESD là một trong những công nghệ xây dựng cầu mới hiện đại và phức tạp nhất hiện nay.
Lê Khánh