Môn Tiếng Anh: Thật khó để đạt điểm 10
Chiều 10/6, thí sinh tại Hà Nội đã hoàn thành bài thi môn Ngoại ngữ, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2023 - 2024. Thời gian làm bài là 60 phút. Thời gian gọi thí sinh vào phòng thi là 13h, 14h thí sinh bắt đầu làm bài.
Sở GDĐT Hà Nội cho biết, nội dung đề thi phần lớn nằm trong chương trình THCS do Bộ GDĐT ban hành, chủ yếu ở lớp 9, đảm bảo được sự phân hóa trình độ học sinh.
Năm nay, Đề thi môn Tiếng Anh vào lớp 10 của Hà Nội gồm 40 câu trắc nghiệm, được trộn thành 24 mã đề. Trước đó, năm 2022, Tiếng Anh môn thi có nhiều thí sinh đạt điểm 10 nhiều nhất trong kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội. Trong 107.000 thí sinh, hơn 3.360 em (3%) đạt điểm tối đa.
Theo nhận xét của các thí sinh hoàn thành bài thi sớm: Với phong cách ra đề thi trong các năm gần đây, để đạt mức 7-8 điểm với môn tiếng Anh, chỉ cần học kỹ các kiến thức đã được giảng dạy trong chương trình THCS. Tuy nhiên, để lấy về điểm 9 và 10, học sinh cần phải mở rộng vốn từ vựng ra ngoài chương trình SGK. Cùng với đó là luyện tập nhiều với đề thi của các năm trước để cải thiện kỹ năng làm bài của mình, và tuyệt đối không được chủ quan trước bất cứ câu hỏi nào dù có dễ đến đâu.
Ngay sau khi kết thúc môn thi này, các giáo viên Tổ Tiếng Anh của Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã có nhận định, đánh giá về đề thi năm nay như sau:
Nhận định chung: Đề thi giữ ổn định về cấu trúc và độ khó so với đề thi năm 2022 – 2023 với 40 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 60 phút. Các đơn vị kiến thức được hỏi nằm trong chương trình Tiếng Anh THCS, chủ yếu là lớp 9. Cấu trúc đề thi quen thuộc sẽ không gây quá nhiều áp lực cho thí sinh; chỉ cần nắm chắc các kiến thức ngữ âm, ngữ pháp cơ bản và từ vựng trong SGK là có thể hoàn thành 70% bài thi.
Về nội dung và cấu trúc đề thi:
Các câu hỏi trong đề thi gồm các dạng bài quen thuộc như: ngữ âm, hoàn thành câu, tìm lỗi sai, chức năng giao tiếp, tìm từ đồng nghĩa – trái nghĩa, câu đồng nghĩa, đọc điển từ và đọc hiểu trả lời câu hỏi. Nội dung kiến thức được hỏi tập trung vào chương trình Tiếng Anh lớp 9, nhiều câu hỏi ngữ pháp trong chương trình học như: used to, động từ nguyên thể có “to”, câu điều kiện, câu so sánh, câu ước,… Đặc biệt, đề thi không kiểm tra các phần kiến thức khó như cụm từ cố định, thành ngữ hay các từ vựng nâng cao.
75% câu hỏi của đề thi thuộc cấp độ Nhận biết - Thông hiểu và 25% câu hỏi còn lại của đề thi thuộc cấp độ Vận dụng - Vận dụng cao. Đề thi mặc dù không xuất hiện câu hỏi đánh đố nhưng có một số câu khó hơn mặt bằng chung của chương trình lớp 9 như câu số 17, 24, 28, 29, 39 của mã đề 023.
Nhìn chung, với đề thi này, ngoài việc cần phải nắm vững kiến thức nền tảng về ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng trong SGK, thí sinh cũng cần phải có kỹ năng làm bài cẩn thận, tỉ mỉ vì các câu hỏi tuy không quá khó nhưng lại dễ gây nhầm lẫn. Mức điểm phổ biến với bài thi lần này có thể rơi vào khoảng 6,5-7 điểm. Mức điểm 9 có thể nhiều nhưng để đạt được điểm 10 thì cần phải có kiến thức mở rộng tốt.
Trước đó, vào sáng 10.6, các thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn trong thời gian 120 phút.
Vào 8h ngày 11/6, thí sinh làm bài thi Toán (120 phút). Các thí sinh có nguyện vọng thi chuyên tiếp tục làm bài thi chuyên vào ngày 12/6.
Dự kiến chậm nhất ngày 4/7, Hà Nội sẽ công bố điểm thi. Điểm chuẩn lớp 10 của Hà Nội được công bố vào ngày 8-9/7. Thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến hoặc trực tiếp từ ngày 10-12/7. Ngày 18-22/7, những trường chưa đủ chỉ tiêu sẽ xét tuyển bổ sung.