Chợ nổi miền Tây vàng son một thuở - Bài 2: Chợ nổi khó giữ chân du khách
Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang), Ngã Bảy (Hậu Giang)… ngày càng đìu hiu và đang đứng trước nguy cơ “chìm”. Trong khi đó chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) - điểm đến nổi tiếng của miền Tây sông nước lại đang tồn tại nhiều bất cập, khó giữ chân du khách.
Thiếu sức hấp dẫn
Một sáng đầu tháng 6, trong vai những du khách, chúng tôi đến Bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Chưa kịp đến hỏi han hành trình đi lại, thì bất ngờ một nhóm người nhiệt tình mời chúng tôi tham quan tour chợ nổi.
Cô gái trẻ dẫn chúng tôi đến một trong những quầy bán vé tham quan chợ nổi đặt tại bến Ninh Kiều rồi bàn giao cho người bán vé, sau đó bỏ đi. Người bán vé tại quầy cho biết, vé đi tham quan chợ nổi là 100.000 đồng/người nếu chấp nhận đi ghép đoàn, nếu đi riêng phải thuê tàu.
Chúng tôi ngỏ ý mong muốn tới vườn trái cây thì người bán vé cho biết tour 5h sáng đi chợ nổi không thăm vườn trái cây, mà muốn đi vườn trái cây phải đặt chuyến 7h. Nhân viên bán vé còn nói thêm vườn trái cây giờ trái không còn nhiều, trong khi hiện đang mùa trái cây của miền Tây.
Sau khi thanh toán tiền, chúng tôi được đưa xuống một tàu du lịch đang neo tại bến Ninh Kiều. Khoảng 10 phút sau, một đoàn khách khoảng 12 người cùng xuống, tàu bắt đầu xuất phát. Tài công chạy từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng. Đến khu vực chợ nổi, tài công thả tàu trôi giữa sông cho vài ghe bán trái cây tấp vào. Đoàn khách trải nghiệm mua sắm trái cây trên sông và chụp ảnh khoảng 10 phút thì tàu tiếp tục tấp vào một bè bán quà lưu niệm. “Đi trải nghiệm chợ nổi mà đưa lên chỗ bán quà lưu niệm, bán khô. Mấy cái này đi trên bờ cũng mua được mà”, một du khách nói. Lúc đầu nhóm du khách này tính không lên trên bè, nhưng thấy tài công ghé và neo tàu nên họ đành lên.
Khi quay trở lại tàu, bất ngờ tài công thông báo có thêm vài khách khác lên tàu về cùng với lý do “thông cảm vì có 1 tàu vừa hư máy”. Chị Thảo trưởng đoàn du khách từ Đồng Nai không đồng ý cho thêm người lên tàu. “Sáng nay giá đi ghép 100.000/người. Nếu đi riêng thuê 1,5 triệu đồng/tàu, trong khi đoàn chúng tôi 12 người nên quyết định thuê tàu riêng. Giờ lại thêm người là không đúng cam kết. Tôi sẽ gọi cho chỗ bán vé…”.
“Lúc sáng tôi bao cả tàu, phía bán vé nói 2 em chỉ đi nhờ ra đến chợ nổi rồi ở lại không về chung. Nhưng 2 em đi chung rồi thì cứ về. Tôi đi chợ nổi rồi và không muốn đi nữa, nhưng hôm nay do có mấy người bạn chưa đi lần nào muốn trải nghiệm cho biết. Xuống tàu tôi mới bất ngờ là không có hướng dẫn viên rồi, giờ đòi cho thêm người lên. Làm ăn như vậy đâu có được. Nói thật làm ăn kiểu này ai còn muốn đi nữa”, chị Thảo bức xúc nói với chúng tôi.
Chị Thảo cho biết, đi cả hành trình không có người giới thiệu hay hướng dẫn đoàn cũng như hướng dẫn khách đến các địa điểm nên không biết đâu mà lần, lái tàu đưa đến đâu thì biết lên đó thôi. Tôi thấy khách đến rất nhiều, nhưng nếu không làm bài bản, chuyên nghiệp thì khách khó trở lại.
Rời khỏi bè bán quà lưu niệm, tài công hỏi đoàn khách có muốn ăn sáng ở chợ nổi hay không. Lúc này, chị Thảo cùng đoàn khách nói “không”. Thế là chúng tôi 2 vị khách “đi ké” tàu đành ngậm ngùi nhìn những tàu du lịch khác trải nghiệm cảnh ăn sáng uống cà phê trên sông. Còn phía tàu du lịch thu 1,7 triệu đồng cho 1 vòng tham quan khiến du khách không khỏi hụt hẫng.
Chợ nổi Cái Răng không còn sầm uất như trước. Hiện nay, số lượng ghe tàu tại chợ nổi chỉ còn khoảng từ 200 - 250 ghe, tàu (so với cách đây vài chục năm, từ 500 - 600 tàu, giảm 50% - 60%).
Trao đổi với một cán bộ nghiên cứu về Chợ nổi ở Cần Thơ (xin giấu tên), anh cho hay: Từ năm 2016, TP Cần Thơ phê duyệt và triển khai đề án “Bảo tồn, phát triển chợ nổi Cái Răng” của UBND quận Cái Răng, mặc dù Đề án đã thực hiện xong nhưng còn tồn tại rất nhiều bất cập và hạn chế. “Có 3 bất cập lớn nhất trong thực hiện đề án đó là chưa xác định rõ đối tượng nào cần bảo tồn, chợ nổi Cái Răng hay văn hóa chợ nổi Cái Răng; Chưa xác định rõ chủ thể nào giữ vai trò chính trong bảo tồn chợ nổi. Chưa xác định được vai trò cụ thể giữa các đơn vị Sở, ngành có liên quan tham gia bảo tồn; Chưa xác định rõ việc quản lý phương tiện và hành khách từ điểm xuất phát (các bến bãi, cụ thể ở bến Ninh Kiều) điểm đến là chợ nổi Cái Răng”, vị cán bộ này nhấn mạnh.
Ngoài ra còn một số bất cập khác như: Bè nổi trên sông không được cơ quan có thẩm quyền công nhận, không kiểm soát được giá cả. Xung đột lợi ích giữa các bên liên quan trong hoạt động chợ nổi cụ thể như nhà bè - tài công, tài công - chủ tàu, chủ tàu - chủ tàu, nhà bè - nhà bè hay nhà bè - thương hồ… hoạt động chèo kéo khách du lịch trên bờ, bến có nguy cơ mất an toàn giao thông, an ninh trật tự tạo hình ảnh xấu đối với du khách; chất lượng dịch vụ yếu kém (bỏ khách), quảng bá sai sự thật… khai thác du lịch kiểu ăn xổi, không bền vững. Ngoài ra do chợ nổi nằm trên trục giao thông đường thủy lớn, có nhiều tàu lớn, tàu cao tốc xà lan di chuyển thường xuyên, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông đường thủy. Thiếu các hoạt động giữ chân du khách và khuyến khích du khách chi tiêu. Thiếu các loại hình sinh hoạt văn hóa phục vụ du lịch, biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử hay truyền thống Nam Bộ cũng như các công trình như bảo tàng văn hóa sông nước chợ nổi để du khách hiểu sâu hơn về văn hóa chợ nổi…
Chợ nổi đứng trước nguy cơ “chìm”
Những chợ nổi còn sót lại của ĐBSCL như: Cái Bè (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang), ngã Bảy (Hậu Giang)… cũng ngày càng đìu hiu và có nguy cơ “chìm”. Nhiều thương hồ đã “bỏ ghe”, lên bờ tìm nghề khác mưu sinh.
Ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, chợ nổi Cái Bè trước đây là một trong những khu chợ nổi có quy mô lớn nhất ở khu vực Nam bộ. Vào thời hoàng kim, chợ nổi Cái Bè hoạt động suốt ngày đêm. Bắt đầu họp chợ từ 3h sáng cho đến tận xế chiều, hàng hóa ở chợ nổi này rất đa dạng và phong phú, từ vải vóc, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống... nhưng nhiều nhất là trái cây.
Tuy nhiên, chợ nổi Cái Bè đã không còn là một chợ nổi đông đúc, trên bến dưới thuyền. Trước nguy cơ chợ nổi Cái Bè dần mai một, khoảng năm 2017 UBND huyện Cái Bè cũng lập đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè”, nhưng đến nay theo thời gian chợ nổi Cái Bé ngày càng èo uột, lượng khách cũng ít dần.
“Gia đình tôi buôn bán trên sông hàng chục năm nay rồi nhưng chợ ngày càng ế ẩm, tương lai chưa biết như thế nào…”, một thương hồ ở chợ nổi Cái Bè tâm tư.
Chợ nổi Long Xuyên nằm ở ngay trục chính sông Hậu thuộc TP Long Xuyên (An Giang) với chiều dài gần 2km. Trước đây do đường bộ chưa phát triển, nhu cầu mua bán của người dân nhiều nên lượng ghe tàu ở đây rất đông, có lúc nơi đây quy tụ hàng trăm chiếc ghe thậm chí có cả ghe từ Campuchia chở hàng qua bán tại chợ nổi, nhưng vài năm trở lại đây do đường bộ phát triển nên lượng ghe tàu buôn bán ít dần đi, không còn đông đúc như xưa. Anh Phong ở TP Long Xuyên cho biết, chợ nổi Long Xuyên trước giờ chỉ buôn bán chứ không làm du lịch. Đường sá phát triển, nhu cầu mua bán của người dân cũng thay đổi dần nên số lượng ghe tàu, thương hồ cũng ít dần đi, hiện vẫn còn khoảng 50 ghe tàu duy trì ở đây nhiều năm qua…
Còn chợ nổi Ngã Năm (nơi quy tụ 5 nhánh sông) ở thị xã Ngã Năm của Sóc Trăng một thời sầm uất, có lúc sung túc chợ nổi quy tụ vài trăm chiếc ghe của thương hồ khắp nơi đổ về giao thương buôn bán. Nhưng hiện số lượng ghe tàu còn lại ít ỏi. Người dân ở đây cho biết chỉ mấy ngày cận tết chợ mới tấp nập và nhiều màu sắc.
Nhớ lại cách đây 5 năm, có dịp về chợ nổi Ngã Năm ghi lại phóng sự ảnh vùng sông nước cùng một đồng nghiệp, tôi vẫn còn giữ những bức hình từ sớm tinh mơ, cảnh buôn bán ở chợ nổi nhộn nhịp, huyên náo cả góc thị xã. Rồi tiếng rao, tiếng máy, tiếng ghe đụng nhau cộp cộp tạo nên nét riêng của chợ nổi Ngã Năm...
(Còn nữa)