Vừa giãn đăng kiểm lại đề xuất tăng phí

PHƯƠNG CHI 11/06/2023 07:58

Thông tin gần 2 triệu xe ô tô được giãn chu kỳ đăng kiểm khiến nhiều người bớt lo lắng, nhưng mới đây Cục Đăng kiểm Việt Nam đã gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giá dịch vụ đăng kiểm ô tô đối với 11 loại xe, để bù đắp doanh thu bị hụt do chính sách miễn, gia hạn đăng kiểm. Đề xuất này không nhận được sự ủng hộ từ phía người dân, doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia.

Ô tô chờ đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới số 29.03V Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội.

Theo đề xuất, mức giá đăng kiểm ôtô chở người dưới 10 chỗ được đề xuất tăng từ 250.000 đồng/lượt lên 340.000 đồng/lượt. Các loại ô tô khác cũng được đề xuất tăng giá đăng kiểm theo quy luật trọng tải xe càng lớn thì biên độ tăng càng cao. Mức cao nhất là ôtô tải trên 20 tấn với mức giá đề xuất là 790.000 đồng, tăng 220.000 đồng so với giá hiện hành. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc tính toán tăng giá đăng kiểm xe cơ giới nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm và duy trì hoạt động ổn định cho hệ thống đăng kiểm xe cơ giới.

Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị bổ sung mức giá lập hồ sơ phương tiện đối với những xe được miễn kiểm định lần đầu là 50.000 đồng. Trường hợp in lại tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định đối với tình huống chủ xe bị mất tem, giấy chứng nhận kiểm định hoặc xin lưu hành trở lại (sau khi xin dừng nghỉ lưu hành) thì thu bằng 50% mức giá lập hồ sơ phương tiện.

Trước đó, ngày 8/5, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3239/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp rà soát dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trong đó, Phó thủ tướng phân công Bộ Tài chính ban hành giá dịch vụ kiểm định trên cơ sở tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường.

Thực hiện chỉ đạo, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị đánh giá tình hình, mức độ bù đắp chi phí của các mức giá dịch vụ kiểm định; chỉ đạo cơ quan quản lý trực tiếp các đơn vị kinh doanh dịch vụ kiểm định xây dựng phương án giá trình Bộ GTVT thẩm định, có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định về giá dịch vụ kiểm định trong trường hợp cần thiết.

Trước đề xuất trên, anh Nguyễn Văn Nam - chủ doanh nghiệp công ty vận tải (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Một chiếc xe không biết phải gánh bao nhiêu thứ thuế phí để có thể lưu thông trên đường. Từ phí đăng kiểm, phí đường bộ, thuế môi trường trong xăng… Những thứ đó lý giải vì sao giá vận tải Việt Nam ở mức cao so với các nước trong khu vực. Nếu tiếp tục tăng phí đăng kiểm, doanh nghiệp vận tải đã khó càng thêm khó.

Về phía người dân, anh Trần Ngọc Anh (Vĩnh Phúc) bày tỏ: Khủng hoảng đăng kiểm chưa giải quyết xong mà đề xuất tăng phí thì có nên không? Tôi cho rằng, thông thường tăng giá chỉ khi nào dịch vụ phục vụ tốt, chất lượng và làm cho khách hàng hài lòng. Ở đây vừa phục vụ tệ, dân đi đăng kiểm chờ mỏi mòn, không đảm bảo chất lượng mà lại đòi tăng phí thì thật bất hợp lý.

Không đồng tình với đề xuất giá đăng kiểm mới, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc Bộ GTVT đề xuất xem xét tăng phí ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp. Lý do là vì các xe, nhất là xe kinh doanh vận tải chịu quá nhiều loại phí như phí BOT, phí bảo trì đường bộ… Bên cạnh đó, những ngày qua người dân phải xếp hàng chờ 3 - 4 ngày mới được đăng kiểm. Như vậy rõ ràng là ngành đăng kiểm chưa làm tốt công việc của mình, còn xảy ra tiêu cực, thậm chí là lợi ích nhóm. Giờ đề nghị tăng phí, tôi e rằng người dân, doanh nghiệp khó lòng ủng hộ.

Đồng quan điểm của ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM nhìn nhận: Bất cứ loại chi phí nào phát sinh cũng làm gia tăng khó khăn và đẩy doanh nghiệp vào tình trạng nguy khốn. Tăng giá thì lại tính chung vào chi phí sản xuất và hình thành giá thành đầu ra của sản phẩm, tác động lan tỏa đến xã hội. Chính vì vậy các bộ ngành liên quan cần phải cân nhắc thận trọng trước khi quyết định.

Ông Tính cũng thẳng thắn nêu thực tế hiện nay chất lượng dịch vụ không cao, ngay cả lương nhân viên làm dịch vụ này cũng thấp (chưa tới 10 triệu đồng/người/tháng thì không thể sống được ở TPHCM) nên thời gian qua ngành này nảy sinh nhiều tiêu cực. Do đó, giá cả cao hay thấp còn tùy vào chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp. “Nếu nhà nước xác định đăng kiểm là ngành dịch vụ thì nên để cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tự quyết định giá tùy theo chất lượng dịch vụ của họ”, ông Tính kiến nghị.

Vừa qua, nêu chất vấn về đăng kiểm tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng hơn 70% trung tâm đăng kiểm hiện do doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện, phải thu hồi vốn. Nhưng với cơ chế phí đăng kiểm hiện nay rất khó duy trì, nhiều trung tâm đăng kiểm có thể phải phá sản, giải thể. Vì vậy ông Giang đề nghị xem xét đổi mới lại cơ chế tài chính cho trung tâm đăng kiểm.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng đồng tình với việc cần điều chỉnh cơ chế tài chính, và cho biết: Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính để đưa vào dự thảo Luật Giá sửa đổi, loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá hiện đang quản lý.

PHƯƠNG CHI