Nguy cơ ‘loạn chuẩn’ trong phê bình
Đội ngũ lý luận, phê bình văn học nghệ thuật đang được cho là vừa thiếu, vừa yếu. Nguy cơ "loạn chuẩn" trong phê bình rất rõ ràng. Mới đây, tại tọa đàm “Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay: Thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng: Cần nhìn thẳng và nói thật để "xốc lại" đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật.
PV: Trong bài tham luận tại tọa đàm vừa qua, ông có đề cập đến vấn đề quan hệ giữa phê bình và báo chí hiện nay. Có thể nhận thấy báo chí hiện đang phát huy rất tốt vai trò truyền tải thông tin và những bài viết phê bình kịp thời trên báo chí cũng góp phần định hướng công chúng. Về số lượng thì khá nhiều, còn về chất lượng ông đánh giá như thế nào?
PGS.TS ĐÀO DUY QUÁT: Trước hết cần phải khẳng định báo chí đóng vai trò là bước tiên phong cho phê bình. Báo chí ra đời gắn bó mật thiết với văn nghệ nói chung và phê bình văn nghệ nói riêng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay. Nếu như trước đây mà không có báo chí thì những tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) sẽ được bao nhiêu người biết đến. Hiện nay chúng ta có báo in, báo điện tử, truyền hình... phát trên hệ thống internet thì tốc độ lan truyền rất nhanh và rất lớn.
Tuy nhiên cũng phải thẳng thắng nhìn nhận, với sự bùng nổ mạnh mẽ của hệ thống thông tin sẽ thúc đẩy sự phát triển của phê bình VHNT nhưng đồng thời cũng xuất hiện những diễn biến đáng lo ngại. Thực tế này tiềm ẩn hai khả năng, nếu như chúng ta không làm chủ được các diễn đàn này thì nguy cơ loạn chuẩn trong phê bình là rất rõ ràng. Ngược lại nếu chúng ta biết khai thác những thế mạnh của báo chí thì phê bình sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Tôi nói có nguy cơ “loạn chuẩn” là bởi nguồn nhân lực của phê bình báo chí ít hoặc không được đào tạo chính quy, bài bản nên dễ viết theo kiểu chỉ là giới thiệu tác phẩm theo đánh giá, cảm nhận cá nhân. Số lượng thì nhiều tuy nhiên chất lượng còn hạn chế, phần lớn là giới thiệu tác phẩm, nhiều nhất là PR các tác phẩm đặt hàng, chứ thực sự là phê bình thì rất ít.
Ông có thể dẫn ra ví dụ để làm rõ hơn về sự khác nhau giữa phê bình báo chí và phê bình hàn lâm?
- Tôi mới đọc bài viết phê bình về bộ phim truyền hình “Gia đình mình vui bất thình lình” trên một tờ báo. Tác giả viết về chi tiết mất chiếc nhẫn cưới mà kéo dài đến 4 tập, đưa ra các dẫn chứng và bình luận rằng bộ phim đang khiến khán giả bắt đầu cảm thấy luẩn quẩn vì những tình tiết vụn vặt. Tôi thấy đây là bài viết khá kịp thời, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc nêu ra, lấy ví dụ thêm một vài bộ phim khác để so sánh mà chưa đưa được những ý kiến mang tính khoa học. Nếu đưa đề tài này cho các nhà phê bình phim thì chắc rằng bài viết sẽ khác.
Báo chí là “mảnh đất màu mỡ” dành cho phê bình VHNT. Nhưng báo chí cần những tiếng nói phê bình mang tính chuyên nghiệp, đòi hỏi phải nhanh chóng nắm bắt đề tài, đưa ra những phân tích chuyên sâu, thì đội ngũ những người làm phê bình hàn lâm hiện nay dường như lại chưa bắt nhịp được với báo chí?
- Trong những năm gần đây, phê bình báo chí đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là rất nhanh và kịp thời. Sau một sự kiện, một hiện tượng văn học, một tác phẩm nghệ thuật được nhiều người quan tâm thì lập tức có bài đánh giá xuất hiện trên báo chí. Phê bình trên báo chí đúng là đạt được hiệu quả, nhưng trên mặt tổng thể thì thiếu chiều sâu vì nó cần phải có một sự nghiền ngẫm và phê bình mang tính khoa học nghệ thuật. Cái tư duy khoa học giúp phát hiện quy luật của sáng tạo, vì thế cần đến những người phê bình hàn lâm.
Tuy nhiên giới phê bình hàn lâm cũng gặp phải những khúc mắc trong việc tiếp cận đến các tác phẩm VHNT. Chẳng hạn như họ muốn phê bình một vở kịch phải bỏ tiền ra mua vé, không được mời đến với danh dự là nhà phê bình. Sau đó họ về phải suy nghĩ trong một thời gian nhất định mà nhuận bút khéo có khi còn không đủ tiền đi xem. Bởi vậy cũng khó. Mặt khác những người viết phê bình VHNT chỉ đơn thuần và tập trung vào lĩnh vực lý luận phê bình của họ mà không có kỹ năng nghiệp vụ của báo chí nên không thể trách họ triển khai đề tài chậm.
Để gỡ khó cho phê bình báo chí, theo ông chúng ta cần làm gì?
- Theo tôi, cần đưa những người viết lý luận phê bình về các cơ quan báo chí để trực tiếp tham gia vào công tác làm báo, biên tập thì hiệu suất làm việc sẽ tăng lên, những bài phê bình trên báo chí chắc chắn sẽ có chất lượng tốt hơn. Ngoài ra về mặt nhuận bút cần đảm bảo cho họ ở mức đúng với công sức, đóng góp của họ bỏ ra. Bởi đào tạo một người làm lý luận phê bình không dễ. Để một cây bút phê bình trên báo chí dám nói thẳng, nói thật cần đặc biệt quan tâm và bảo hộ cho quyền lợi, chế độ đã ngộ đúng cho họ thì mới thu hút được nhiều người quan tâm và tạo được niềm tin nơi những người cầm bút.
Đặc biệt muốn phát triển phê bình trên báo chí cần tăng cường lãnh đạo, quản lý hoạt động tuyên truyền văn nghệ và phê bình VHNT trên hệ thống báo chí, truyền thông. Phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động phê bình VHNT trên báo chí. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường lãnh đạo, quản lý, định hướng báo chí, xuất bản đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của tuyên truyền văn nghệ và phê bình VHNT trên báo chí.
Theo ông, công chúng có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của phê bình?
- Chính nhu cầu cảm thụ nghệ thuật của công chúng là động lực thúc đẩy văn học, nghệ thuật phát triển. Bên cạnh đó, công chúng chính là lực lượng nói tiếng nói cuối cùng, phán xét giá trị của tác phẩm và uy tín của nhà phê bình. Cuối cùng, phải kể đến vai trò của thực tiễn sáng tác đối với sự phát triển phê bình VHNT. Một nền VHNT xuất hiện nhiều tác phẩm hay, có giá trị, đặt ra nhiều vấn đề về chính trị - xã hội, đạo đức, thẩm mỹ... được nhiều người quan tâm sẽ là ngòi nổ, là chất men kích thích các hoạt động phê bình phát triển.
Cần là vậy, nhưng đội ngũ lý luận phê bình VHNT hiện nay được cho là “vừa thiếu, vừa yếu”, theo ông nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do đâu?
- Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới chủ trương: Kiên quyết khắc phục những yếu kém kéo dài của hoạt động phê bình VHNT, nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh sáng tác, phê bình văn nghệ. Tuy nhiên đội ngũ làm công tác phê bình VHNT hiện nay có rất nhiều bất cập. Cụ thể, lực lượng phân bố không đồng đều giữa các loại hình nghệ thuật. Ngoài lĩnh vực văn học còn tập trung được một lực lượng tương đối đồng đều thì các lĩnh vực nghệ thuật khác chỉ còn vài ba người viết phê bình, cá biệt có những loại hình chỉ còn 1-2 người viết. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt đội ngũ kế cận rất đáng báo động. Trong khi các cây bút lớn tuổi gần như không còn viết phê bình (lui về nghiên cứu) thì các cây bút trẻ không đủ lực lượng và bản lĩnh để lấp đầy khoảng trống do thế hệ trước để lại.
Cũng đang tồn tại hiện trạng một số khoa lý luận phê bình ở nhiều trường đại học hiện nay chỉ tuyển được một vài sinh viên, có khoa không tuyển được sinh viên? Mặt khác đời sống của những người làm công tác này khá khó khăn?
- Đúng vậy, tôi rất buồn khi chúng ta chưa thu hút được sinh viên quan tâm đến ngành lý luận phê bình VHNT. Đáng nói như ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, 5 năm trở lại đây, các chuyên ngành Lý luận, phê bình như: Múa, Sân khấu, Nhiếp ảnh... không có nổi một bộ hồ sơ dự tuyển. Chúng ta đang đánh mất cái gốc để sản sinh ra đội ngũ làm công tác phê bình VHNT.
Số khác, các nhà phê bình hiện đang làm việc thì đời sống cực kỳ khó khăn mà chế độ nhuận bút thì không đáng là bao so với việc đầu tư công sức, tâm huyết họ bỏ ra. Hơn nữa là nếu phê bình mà dám nói thẳng, nói thật, dù có nói trúng vấn đề thì vẫn có thể bị cộng đồng mạng “ném đá”. Cho nên đấy là hàng loạt các thách thức làm cho đội ngũ lý luận phê bình càng ngày càng ít đi, không có được những cây bút tên tuổi dám phản biện mạnh mẽ.
Tôi đã từng sang công tác ở Nga và được biết công tác tìm kiếm và đào tạo những nhà phê bình trẻ được họ triển khai rất bài bản. Hàng năm họ sẽ cử các giáo sư đến các trường phổ thông cấp ba của toàn Liên bang Nga để phát hiện các em học sinh có năng khiếu văn học. Sau đó họ sẽ theo dõi các em đến lúc tốt nghiệp và mời các em thi vào các ngành đào tạo lý luận phê bình. Sau khi ra trường, các em được đảm bảo công việc, có cơ hội để đem kiến thức đã học đi áp dụng vào thực tế, từ đó xây dựng và phát huy giá trị văn hóa Nga.
Vai trò của người làm phê bình VHNT là rất quan trọng. Vậy để đổi mới mạnh mẽ công tác phê bình, chúng ta cần cơ chế, chính sách ưu đãi ra sao?
- Để đổi mới thực chất và mạnh mẽ công tác phê bình VHNT nói chung, đội ngũ lý luận, phê bình nói riêng rất cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phê bình VHNT, trong đó đặc biệt coi trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với vai trò, vị trí của VHNT và phê bình VHNT. Trong quá trình cần khẩn trương thể chế hóa 7 giải pháp của Nghị quyết số 23, cần bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động phê bình VHNT.
Trân trọng cảm ơn ông!