Bài học 'trồng - chặt' lại nóng
Giá hồ tiêu thời gian gần đây có tín hiệu tăng liên tục sau khi chạm đáy vào đầu năm 2020. Hiện giá tiêu dao động trong khoảng 73.000 - 77.000 đồng/kg. Theo nhận định của các chuyên gia, hồ tiêu bắt đầu vào chu kỳ tăng giá và sẽ kéo dài đến chục năm.
Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, dự báo đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá hồ tiêu sẽ ổn định theo biên độ tăng và nhiều khả năng đến cuối năm 2023 giá sẽ đạt từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Nhìn lại lịch sử thị trường hồ tiêu đã trải qua nhiều chu kỳ lên xuống giá và chu kỳ gần nhất, một chuyên gia trong ngành nhận định, chu kỳ lên giá của hồ tiêu thường kéo dài từ 8 - 10 năm và dự báo giá sẽ lên tới đỉnh và sẽ cao hơn của chu kỳ trước. Và nếu theo quy luật, chu kỳ của thị trường, vị chuyên gia dự báo, giá tiêu lên là điều chắc chắn.
Thế nhưng, hồ tiêu tăng giá lại không mấy vui với bà con trồng tiêu bởi năm nay thu hoạch hồ tiêu bị “hụt hơi” rất nhiều. Thực tế cho thấy, thu hoạch vụ hồ tiêu năm 2023, nhiều vùng trọng điểm trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên đã bị mất mùa. Trong đó phải kể đến huyện Đắk Song của tỉnh Đắk Nông mất mùa nặng. Huyện Cư Kuin của tỉnh Đắk Lắk được coi là “thủ phủ” trồng hồ tiêu, dự báo là được mùa nhưng cũng không thể bù vào sự mất mùa của huyện Đắk Song. Nhiều vùng trồng tiêu chính của Gia Lai cũng không được mùa, như Chư Sê cũng giảm khoảng 30% sản lượng.
Đáng buồn hơn, diện tích hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã bị thu hẹp. Thời gian vừa qua, cây tiêu bị cạnh tranh rất mạnh với các loại cây trồng khác như sầu riêng, chanh leo… trong khi đó những tín hiệu trồng mới gần như không có. Diện tích trồng hồ tiêu mới không đáng kể trong khi diện tích già cỗi ngày càng tăng. Bởi vậy, nếu giá tiêu có vượt 100.000 đồng/kg, diện tích tiêu cũng khó mở rộng...
Trong bối cảnh cây hồ tiêu đang bị cạnh tranh gay gắt với các loại cây ăn trái khác, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự báo, rất có thể khoảng 3 - 5 năm tới sẽ có tình trạng thiếu hụt nguồn cung hồ tiêu. Chính bởi vậy, Hiệp hội khuyến cáo, với những vườn tiêu đẹp, đang cho thu hoạch tốt, nông dân không nên chặt bỏ để trồng cây khác. Cần tiếp tục chăm sóc và bảo dưỡng các vườn tiêu, vì chi phí đầu tư cho hồ tiêu không cao, nếu chỉ để giữ vườn thì không đáng kể. Và khi giữ được vườn tiêu lúc giá lên, người nông dân sẽ thu được “trái ngọt”.
Thực tế này một lần nữa cho thấy bài học đắt giá về tình trạng “trồng - chặt” lại nóng.