Gỡ vướng học văn hóa trong trường nghề
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư 15/2022, trong đó quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây được coi là hành lang pháp lý để triển khai việc dạy văn hóa cho học sinh vừa tốt nghiệp THCS tham gia học nghề tại trường trung cấp, hệ 9+ tại các trường cao đẳng.
Từ ngày 24/12/2022, Thông tư 15 chính thức có hiệu lực, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chủ động giảng dạy mà không cần xin phép nhưng phải bảo đảm các điều kiện của Bộ GDĐT. Nếu trong quá trình giảng dạy có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo PGS.TS Trần Đình Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Việt Nhật, khi trường nghề được phép chủ động tổ chức dạy văn hóa cho học sinh phù hợp đặc điểm riêng của trường sẽ tạo điều kiện để các trường nghề quản lý chặt chẽ đội ngũ giáo viên văn hóa và quản lý nội dung, chương trình giảng dạy văn hóa theo định hướng nghề nghiệp. Giáo viên và đội ngũ quản lý trường nghề có thể theo dõi quá trình phát triển năng lực cá nhân của người học (cả về năng lực học văn hóa và học nghề). Từ đó, có cơ sở định hướng đào tạo một cách rõ ràng cho học sinh.
Hiện Thông tư 15 không bắt buộc học sinh của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải học tất cả các môn trong chương trình giáo dục thường xuyên. Mỗi ngành nghề học ít nhất 4 môn, nhiều nhất 7 môn. Các trường nghề được quyền quyết định để phù hợp với đối tượng học sinh của mình, tránh quá tải.
Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ là nhiều học sinh trường nghề tham gia học văn hóa và có nguyện vọng thi tốt nghiệp THPT. Vậy, với những học sinh đã hoàn thành chương trình văn hóa 4 môn tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần học thêm những gì, học bao lâu… thì đạt yêu cầu để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT? Đây cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh và học sinh khi tìm hiểu, đăng ký xét tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Một cán bộ tuyển sinh của Trường Cao đẳng Phú Thọ cho biết, trong quá trình tư vấn cho phụ huynh và học sinh, câu hỏi này được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Trước mắt, họ ủng hộ phương án học 4 môn văn hóa nhưng cũng băn khoăn, sau này nếu con em mình có nguyện vọng lấy bằng tốt nghiệp THPT thì cần thực hiện những việc gì, liên hệ với ai để được hướng dẫn học bổ sung?
Với nút thắt này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng đang trở thành rào cản khiến nhiều học sinh không chọn vừa học nghề vừa học THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Học sinh không được tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng như không có điều kiện học tiếp lên đại học sau khi học chương trình trung cấp và cao đẳng. Điều này khiến người học không mặn mà, tỷ lệ tuyển sinh khó đảm bảo mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khó khăn trong thực hiện dạy văn hóa ở trường nghề là vấn đề quản lý nhà nước chồng chéo. Cụ thể, trường nghề do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý nhưng giáo dục phổ thông thì Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Điều này dẫn đến quá trình hoạt động của trường mất tính hệ thống. Do vậy, để điều tiết tuyển sinh và phân luồng, phải có một cơ quan quản lý đứng đầu cân đối về trình độ nhân lực, chịu trách nhiệm chính.