Chợ nổi Miền Tây vàng son một thuở - Bài cuối: Giữ gìn hồn cốt chợ nổi
Cấp bách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và đời sống của thương hồ ở chợ nổi; thúc đẩy phát triển du lịch, là điểm đến lý tưởng trong lòng du khách cả trong và ngoài nước... Đó là vấn đề “cần làm ngay” đối với các chợ nổi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, không chỉ riêng các chợ nổi ở miền Tây Nam bộ của nước ta, mà các chợ nổi khác ở Thái Lan, Myanmar cũng đứng trước thách thức lớn khi giao thông đường bộ, giao thông hàng không và thương mai điện tử phát triển.
“Tuy nhiên, chợ nổi ở ĐBSCL vẫn có tiềm năng khi biết cách khôi phục, giữ gìn và phát triển trước những thách thức của kinh tế thị trường” - ông Hiệp nêu ý kiến.
Phải giữ được hồn cốt của chợ nổi
Riêng với vấn đề bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, theo ông Hiệp, quan trọng nhất là phải giữ được hồn cốt của chợ nổi.
Vùng ĐBSCL có đặc thù bồi đắp từ trầm tích của sông Mekong. Mối quan hệ sông biển chặt chẽ với nhau, hình thành nên sự đa dạng sinh học và trên cơ sở nền tảng của mối quan hệ giữa tài nguyên đất và tài nguyên nước đã hình thành nên kinh tế nông nghiệp thuỷ sản và văn hóa của cả một vùng đất rộng lớn, phì nhiêu.
“Nếu nói một từ ngắn gọn nhất về ĐBSCL thì đó là từ đất và nước. Tất nhiên ở đâu cũng có đất, có nước nhưng mà vùng đất này nó đặc biệt là hình thành và gắn chặt với sông mẹ Mekong và tài nguyên nước. Phát triển đô thị, thương mại thì có sự phát triển của thương hồ. Ngày xưa người dân đi lại chủ yếu bằng đường thuỷ cho nên khoảng 10km có một ngã ba sông là nơi đó họp chợ. Nếu ngắn thì chợ nhỏ, xa chút chợ lớn hơn. Sau này đường bộ phát triển, các đô thị lớn cách nhau khoảng 60km. Nếu như cách trở con sông thì hai đô thị cách nhau khoảng 30km, như Cần Thơ và Vĩnh Long” - ông Hiệp nói.
Như thế, nhìn chợ nổi phải nhìn trên cơ sở suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của nó. Từ kinh tế, văn hóa, sinh hoạt của người dân miền Tây Nam bộ. Thấy được giá trị, ý nghĩa kinh tế văn hóa đó thì mới có việc đầu tư tôn tạo, phát triển giữ gìn, chứ không phải nhìn thuần tuý ở mặt kinh tế. Nếu nhìn thuần tuý ở mặt văn hóa không thì cảm thấy như là gánh nặng để duy trì bởi vì không gắn được thương mại, du lịch. “Nhưng nếu chỉ coi trọng yếu tố thương mại thì sẽ thiên lệch, mất đi “hồn cốt” của nó” - theo ông Hiệp.
Vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng cho rằng , với sự phát triển của giao thông, thương mại, muốn chợ nổi có thể tồn tại và phát triển thì không thể không có sự tác động, can thiệp. Không thể giữ nguyên hoàn toàn như trước nhưng cũng không được nhưng can thiệp một cách thô bạo. Câu chuyện buồn của chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang) là một ví dụ điển hình.
Thương mại điện tử phát triển, giao thông đường bộ, đường hàng không phát triển thì giao thông đường thuỷ giảm đi. Nhưng mỗi phương thức giao thông có giá trị và hoạt động thương mại, du lịch vẫn cần khai thác giá trị của đường thuỷ nếu biết phát huy và kết hợp. “Anh không thể tạo ra thương hồ buôn bán sỉ để giữ chợ nổi được, nhưng nếu có chính sách tác động tốt thì chợ nổi sẽ vẫn tồn tại và phát triển. Thí dụ có thể hỗ trợ, tổ chức lại hoạt động của thương hồ bán sỉ, bán lẻ để không bát nháo, tạo ra hình ảnh xấu. Ngành công thương và ngành du lịch phải phối hợp chắt chẽ với nhau, tổ chức chợ gắn với hình ảnh du lịch” - ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, nếu chúng ta tổ chức tốt chợ nổi với hoạt động thương hồ mua bán và gắn được với du lịch tham quan và tổ chức sinh hoạt tốt thì giá trị của chợ nổi sẽ còn nguyên và sẽ càng được phát huy.
Hài hòa lợi ích để giữ chợ nổi
Là người gắn liền với hoạt động và nghiên cứu về chợ nổi, soạn giả Nhâm Hùng tâm tư: “Có điều tôi không đồng ý đó là cứ khi nào nói tới chợ nổi đều nhắc tới chuyện thời nay giao thông đường bộ phát triển thuận lợi hơn nên hoạt động buôn bán trên sông giảm đi. Nói thế thì quá đơn giản, ai cũng biết. Nếu vậy thì mặc nhiên để chợ nổi lụi tàn hay sao? Để thu hút khách du lịch tới tham quan thì phải chuyển từ Chợ nổi tự nhiên sang chợ nổi nhân tạo. Ở Thái Lan họ làm rất tốt điều này”.
Chợ nổi chính là truyền thống, nét văn hóa đặc trưng của người dân ĐBSCL. Có thể nói rằng hiện chỉ còn mỗi chợ nổi Cái Răng là điểm đến mà du khách mỗi lần về ĐBSCL muốn tìm tới, nhưng nếu không kịp thời giữ gìn sẽ mai một và mất mát trong nay mai. Thời gian qua, cũng đã có đề án hay nhiều cuộc họp bàn, nhưng vẫn chưa tiến triển được gì.
Theo ông Hùng, điều đầu tiên khi chúng ta muốn phục hồi và phát triển chợ nổi phải chú ý đến thương hồ. Thương hồ mất thì chợ nổi mất. Trong sự biến đổi văn hóa, nếu “hồn cốt” của chợ nổi không còn thì không còn là chợ nổi truyền thống nữa mà là chợ nổi nhân tạo.
Ông Hùng cho biết, chúng ta đã có đề án bảo tồn chợ nổi từ năm 2016 và đã được tổng kết, nhưng xem ra những mặt tích cực có được từ đề án không nhiều. Có những điều mà đề án không tính tới đó là hậu quả của việc làm bờ kè không tính toán với hoạt động của chợ nổi. Hiện tại bờ kè đang tạo sự ngăn cách, cản trở không gian “trên bến dưới thuyền”.
“Trước đó khi tiến hành làm bờ kè khu vực này, tôi và nhiều người có đề xuất cần làm cầu tàu hay bến đáp của tàu thuyền nhưng hiện không có. Để bảo tồn và phát huy chợ nổi cần phải chú ý đến văn hóa nghệ thuật giải trí ở đây, cụ thể như đờn ca tài tử cũng phải nghiên cứu sao cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu thưởng thức của du khách, thậm chí là cả thương hồ. Phải tái lập được không gian sinh hoạt đờn ca tài tử trên sông, phải chau chuốt, biến đổi từ sản phẩm văn hóa sang sản phẩm du lịch. Thời gian qua ở đây cũng đã xuất hiện các điểm làm bánh, hủ tiếu, kẹo dừa để du khách tham quan, check in, nhưng còn đơn điệu lắm, chưa thực sự thuyết phục du khách. Bảo tồn văn hóa lối sống giữa người với người, giữa thương hồ với thương hồ, giữa thương hồ với nhà nông, giờ lại thêm mối quan hệ mới là thương hồ với du khách. Còn người cung ứng dịch vụ với du khách cũng là mối quan hệ cần phải đặc biệt chú ý. Hình ảnh chợ nổi đẹp hay xấu trong mắt bạn bè chính là bộ phận này. Dẹp ngay nạn buôn bán chộp giật. Như thời gian qua có tình trạng chở tàu, bè thảy người ta lên bè rồi đi chở đoàn khác, bỏ họ ở lại chờ tàu cả tiếng đồng hồ mới quay lại rước…Nên nhớ lực lượng cung ứng dịch vụ, không phải là thương hồ, nên đừng đổ thừa và đánh đồng những người cung ứng dịch vụ là thương hồ. Phải giữ gìn cho được văn hóa cộng đồng thương hồ. Du khách và người làm dịch vụ tương hỗ lẫn nhau cùng phát triển, cùng xây dựng chợ nổi Cái Răng” - ông Hùng nói.
Theo soạn giả Nhâm Hùng, địa phương cũng phải xác định được rằng sinh mệnh của chợ nổi không phải để làm du lịch mà là để buôn bán, trao đổi giữa thương hồ với nhà nông. Trong khi hiện nay địa phương khi nói tới chợ nổi đều tập trung cho du lịch và ép nó phục vụ cho du lịch chứ không phải làm để giữ gìn văn hóa chợ nổi, phải làm sao hài hòa được các lợi ích nghĩa vụ của chợ nổi.