Ngăn chặn ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường cao như hiện tại, ngoài nỗi lo về đột quỵ, say nắng, thì nỗi lo ngộ độc thực phẩm cũng ngày càng tăng cao.
Liên tiếp các vụ ngộ độc tập thể
Mới đây, tại một tiệc cưới ở Quảng Trị với 530 người tham dự đã xảy ra vụ việc gần 50 người bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, một số người còn bị đau đầu, sốt nhẹ sau khi tham gia bữa tiệc này.
Được biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị đã lấy mẫu kiểm nghiệm mẫu thức ăn, phát hiện trong các mẫu bê thui, bò nấu típ, rau sống, đá viên có số lượng lớn nhiều loài vi khuẩn khả năng gây ngộ độc thực phẩm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị kết luận, số người này do nhiễm nhiều loài vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm chứa trong thức ăn.
Tương tự, cuối tháng 5/2023, tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cũng đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến 49 người nhập viện với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, một số bệnh nhân có sốt nhẹ và nhức đầu. Theo Sở Y tế Lâm Đồng, qua rà soát, 49 bệnh nhân trên đều đến bữa tiệc cưới tổ chức tại nhà của gia đình bà K. D. (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh). Cơ quan chức năng đã lấy mẫu thực phẩm đưa đi kiểm nghiệm để xác minh nguyên nhân ngộ độc.
Cũng trong khoảng thời gian 1 tháng trở lại đây, nhiều bệnh viện cũng cho biết, số ca ngộ độc thực phẩm nhập viện đang có chiều hướng gia tăng.
ThS Huỳnh Hoài Phương - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết: “Thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận các trường hợp rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Điển hình là trường hợp một nam thanh niên ăn bún mắm ốc cua vào buổi trưa và bị đau bụng, tiêu chảy, sốt, nôn. Sau khi nhập viện, các bác sĩ kết luận bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do ăn đồ ăn được bảo quản không đúng cách khiến bị ôi thiu”.
Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến
Lý giải về nguyên nhân khiến số ca ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng trong mùa nắng nóng, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, thời tiết là điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Theo đó, trong tiết trời nắng nóng, các loại thực phẩm đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt với những thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, sữa hoặc thực phẩm không được làm sạch, do quá trình sản xuất, vận chuyển bị ô nhiễm. Ngoài ra, một số món ăn như canh, súp hoặc thực phẩm phải chế biến qua nhiều khâu sẽ có nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài.
Cũng theo BS Nguyên, với những lý do như trên, dễ nhận thấy, các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. “Đơn cử việc phải phục vụ nhiều người một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín, đồ chín để lẫn đồ sống dễ nhiễm khuẩn, hay việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm có nguy cơ ôi thiu” – BS Nguyên cho hay.
Để phòng, tránh ngộ độc chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm còn tươi mới, có nhãn mác, được kiểm tra chất lượng. Khâu chế biến, bảo quản thực phẩm cần đảm bảo vệ sinh. Nấu chín thức ăn, nước uống là cách để các vi khuẩn, virus bị tiêu diệt. Thức ăn được nấu chín có thể để ở nhiệt độ phòng và nên ăn trong thời gian 2 giờ. Nếu chưa sử dụng, cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh dưới 5 độ C. Trời càng nóng, thực phẩm càng dễ biến chất, hư hỏng, nhất là ở nhiệt độ từ 40-60 độ C. Do đó, để tránh ngộ độc thực phẩm vào mùa hè, mọi người nên nấu vừa đủ ăn, ăn thực phẩm sau khi chế biến dưới 2 giờ.
Tuy nhiên, không phải thực phẩm nào cũng cần bảo quản trong tủ lạnh. Ví dụ hành tây, khoai tây... dễ bị thối, giảm hương vị, độ ngon khi bảo quản trong tủ lạnh. Với các thực phẩm này, nên giữ ở nơi mát mẻ trong gian bếp, ít ánh sáng, không quá 3 ngày. Các loại thịt, cá, khi mua về, tốt nhất nên rửa sạch ngay và cho vào ngăn đông lạnh hoặc đông mềm, không để ở nhiệt độ phòng. Thời gian dùng tối đa là 3-5 ngày.
Bên cạnh đó, mọi người cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh... Các thức ăn thừa không nên hâm đi hâm lại nhiều lần. Khi ra ngoài dùng bữa, nên chọn các quán đảm bảo vệ sinh, hạn chế các nơi vỉa hè, lòng đường, có nhiều xe cộ qua lại...
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè và mùa bão, lụt. Theo đó yêu cầu: Phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất…; Ngành chức năng yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.