Rõ trách nhiệm, rõ giải pháp

NAM VIỆT 13/06/2023 09:16

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm rộng rãi của cử tri, nhân dân cả nước. Lần này cũng vậy, cùng với thảo luận tại hội trường, tại tổ kéo dài hơn 2 tuần trước đó thì hoạt động chất vấn trực tiếp trước toàn thể quốc dân đồng bào đã trở thành điểm nhấn của kỳ họp.

Quang cảnh phiên chất vấn sáng 8/6/2023. Ảnh: Quang Vinh.

Tiếp tục giám sát “hậu chất vấn”

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) rất quan tâm và rất có hiệu quả.

Sau 2,5 ngày làm việc, trưa 8/6, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Cùng với 4 vị bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính (Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Ủy ban Dân tộc); các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia trả lời giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ hơn những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn các ĐBQH tham gia phiên chất vấn và trả chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này đã có 454 lượt ĐBQH đăng ký tham gia chất vấn; 112 lượt ĐBQH đã thực hiện quyền chất vấn. 49 lượt ĐBQH tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm, nâng tổng số đại biểu tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ khóa XV lên 831 lượt người.

“Có thể nói, kỳ chất vấn này chúng ta tận dụng từng phút, không để lãng phí thời gian mà Quốc hội dành cho phiên này” - Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã tiếp tục phát huy tích cực tinh thần “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” của các vị ĐBQH, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị bộ trưởng, trưởng ngành.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong từng lĩnh vực, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế, thách thức, cần phải có quyết tâm cao, có nhiều giải pháp đột phá, hành động quyết liệt, cụ thể, sâu sát để khắc phục trong thời gian tới. “Sau kỳ họp này và phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với những vấn đề vừa được chất vấn tại kỳ họp” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

“Đây vừa là cách thức “giám sát lại”, thể hiện sự đi đến cùng vấn đề đã giám sát để thực sự tạo chuyển biến, vừa là kênh thông tin rất quan trọng để Quốc hội xem xét, phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn cũng tại kỳ họp thứ 6” - Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã kết thúc tốt đẹp theo tinh thần rõ trách nhiệm, rõ giải pháp. Đánh giá như vậy, nhưng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng có thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết, lời hứa của Chính phủ, các thành viên Chính phủ; đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhân dân, cử tri giám sát Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp.

Nóng chuyện dân sinh

Tới thời điểm này, cùng những ý kiến được ĐBQH đặt ra trong 2,5 ngày chất vấn thì nhiều vấn đề cũng đã được các đại biểu nêu lên. Trong đó có thể kể đến những ý kiến về ngành điện, giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, cuộc sống của người lao động, nhà ở xã hội... đều là những vấn đề “sát sườn”. Những vấn đề dân sinh, an sinh xã hội.

Về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục báo lỗ lớn, kéo dài nhiều năm, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho là khó có thể chấp nhận, khi EVN là một trong những thiết chế kinh tế trụ cột, có sứ mệnh bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có cả việc bảo đảm cung cấp điện sản xuất, cho quản lý và cho sinh hoạt của nhân dân. Từ đó, đại biểu đề nghị cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, nhất là với việc EVN thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên báo lãi.

Đại biểu đặt vấn đề: Cơ chế độc quyền có dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả, thao túng thị trường điện không? Từ đó đại biểu đề nghị Chính phủ sớm quyết định cổ phần hóa các nhà máy điện hiện nay do EVN đang hạch toán phụ thuộc; sớm thực hiện lộ trình xã hội hóa đối với ngành điện.

Với giáo dục, nhiều vị ĐBQH cũng đã lên tiếng, chỉ ra những vấn đề cần sớm được nhìn nhận, tháo gỡ. Chiều 23/5, thảo luận một số nội dung của dự thảo Luật Giá (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng không nên để xảy ra tình trạng cơ quan lập pháp ban hành những quy định ngược chiều, một đằng khuyến khích xã hội hóa, một đằng tạo sơ hở để cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế xã hội hóa, thậm chí có nguy cơ xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Chưa dừng tại đó, sáng 1/6, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu tiếp tục nêu vấn đề về sách giáo khoa. Rất đáng chú ý khi đại biểu cho rằng “nếu chúng ta không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, "đi đêm" trong việc này thì rồi có ngày hối không kịp, giống như vụ Việt Á hoặc như các vụ án hình sự về đấu thầu trang thiết bị trong chính ngành giáo dục”.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có Văn bản số 2706, trao đổi lại với ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy. Ngày 6/6, bà Kim Thúy có văn bản trao đổi lại với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi nhận được công văn trả lời ngày 5/6.

Điều này cho thấy thái độ rất rõ ràng của ĐBQH trước vấn đề mình đã nêu ra.

Tại phiên họp Quốc hội thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) nêu vấn đề: Dù đại dịch đã qua đi nhưng tình trạng thiếu thuốc, thiếu vaccine tại các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn diễn ra. Vậy, bao giờ tình trạng này mới được khắc phục? Đại biểu đề nghị phải xây dựng một nền y tế đủ mạnh để đi qua được các đại dịch, không chỉ có Covid-19. “Chúng tôi cần có cơ chế và bảo vệ cho người làm cơ chế đó”- bà Phong Lan nói.

Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp cũng là vấn đề làm nóng nghị trường khi nhiều ĐBQH cho rằng việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội còn khoảng cách rất xa giữa thực tế và mục tiêu, yêu cầu đề ra. ĐBQH Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị cần giám sát toàn diện để trả lời câu hỏi ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội? Tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội? Thực trạng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao, việc thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội như thế nào?... khi mà dư luận cho rằng nhiều người đi ô tô tới bốc thăm suất mua nhà ở xã hội.

Cũng rất nóng ở kỳ họp này là việc quá nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), con số rút bảo hiểm xã hội một lần từ 500.000 người/năm (trước năm 2019) lên đến 900.000 người/năm (2023) là rất đáng quan ngại. Đại biểu cho rằng, rút bảo hiểm là bất đắc dĩ và là nguyện vọng của người đóng cần được tôn trọng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đồng ý với đại biểu rằng nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm sẽ dẫn đến nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững...

Hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khép lại nhưng dư âm của nó sẽ vẫn tiếp tục. Rất đồng tình với những vấn đề được ĐBQH nêu lên, nhưng cử tri và nhân dân cũng rất mong muốn những vị đại biểu của dân tiếp tục thực hiện trách nhiệm giám sát, để những cam kết của các bộ trưởng, tư lệnh ngành trở thành hiện thực.

NAM VIỆT