Báo chí đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực
Ngày 8/6, báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi tọa đàm: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm”. Tọa đàm được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Giải chủ trì buổi tọa đàm.
Tọa đàm có sự tham dự của: Ông Vũ Văn Tiến - Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Giải; Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Giải; Nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Dân Việt/Nông thôn Ngày nay) - Giải A Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Ban Tổ chức Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 nêu rõ, trong những năm qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo triển khai rất quyết liệt với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Những kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hết sức quan trọng đã tạo được niềm tin và sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, báo chí ngày càng khẳng định rõ vai trò và những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phát hiện, kiên trì đeo bám, phản ánh và đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, giúp cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng nhấn mạnh, Ban Tổ chức giải tiếp tục quan tâm định hướng về những nội dung mới trong chủ đề Giải lần thứ tư để các nhà báo, phóng viên viết bài, gửi tác phẩm dự Giải bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nhất là sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, trong mùa giải thứ tư này, có một nét mới đó là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã được triển khai tổ chức ở cấp tỉnh. Ở nhiều tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cụ thể là Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh đã có chương trình triển khai công tác và đặt ra những nội dung trọng tâm, những vụ việc cần quan tâm chỉ đạo với lộ trình, thời gian cụ thể. Đây là một nội dung mới mà các cơ quan báo chí, các nhà báo cần quan tâm tuyên truyền.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng thông tin thêm, ngoài hình thức khen thưởng theo quy định thể lệ, Ban Tổ chức Giải cũng chỉ đạo bộ phận tham mưu có hình thức khen thưởng bằng Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam; đồng thời đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương có Bằng khen tôn vinh ghi nhận động viên các nhà báo có số lượng bài viết tham dự giải nhiều, các bài viết có chất lượng; các tòa soạn báo có số lượng các nhà báo tham dự giải đông.
Nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết: Các tuyến bài điều tra gần đây của Báo Đại Đoàn Kết đã trực diện đối đầu với cái xấu
Trong lịch sử phát triển vẻ vang của Báo Đại Đoàn Kết - tờ báo ra đời trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã phụng sự bạn đọc, để lại nhiều dấu ấn trong 81 năm qua. Trước bất kỳ sự đổi mới nào cũng có sự giằng xé giữa cái cũ đã lỗi thời, cái mới tiến bộ đang hình thành. Cái cũ thì cố hữu, bảo thủ, cái mới thì non nớt cần được bảo vệ.
Trong bối cảnh đó, nhà báo Thái Duy đã dũng cảm để viết những bài báo thời sự, mang tầm thời đại. Sau này, Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục đứng về phía người yếu thế, bền bỉ đấu tranh cho lẽ phải, công lý và đã chiến thắng trong một vụ án oan, cứu một người thoát án tử hình.
Hiện nay, Báo Đại Đoàn Kết dưới sự lãnh đạo của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã và đang thực hiện tốt sứ mệnh của mình, trong đó có cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực. Các tuyến bài điều tra của Báo thời gian gần đây đã trực diện, đối đầu với các tiêu cực, với cái xấu, được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá cao.
Nghề báo là thư ký thời đại, phải ghi lại những gì nóng bỏng và góp phần thay đổi cái xấu, cải tạo xã hội. Bởi vậy tôi rất trân trọng các nhà báo dấn thân các thể loại này và Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự cổ vũ thực sự rất sâu sắc, ý nghĩa.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Giải: Khó nhất là xác định đúng “những lằn ranh”
Cái khó nhất với báo chí phòng, chống tiêu cực là có những lằn ranh, những vấn đề mà nhà báo khi điều tra không thể mang Thẻ Nhà báo ra để nói rằng: "Tôi đang hành nghề hợp pháp". Thế nên, trước tiên, việc bảo vệ nhà báo tác nghiệp bắt đầu từ chính bản thân nhà báo.
Bản thân mỗi người, chiến đấu trên một mặt trận nào đó thì bao giờ cũng là người làm chủ hoàn cảnh và tự họ sẽ phải phân tích bằng trí tuệ, bản lĩnh, sự khôn khéo của mình để tự xác định vấn đề. Sau đó khi cần tìm cho mình lực lượng hỗ trợ đứng sau, bất cứ lúc nào cũng có thể kết nối với họ như: lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp, cộng tác viên, những người trong quá trình làm nghề… Tất nhiên, trong đó luôn luôn có lực lượng chức năng, Hội Nhà báo Việt Nam ở tất cả các cấp.
Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị nghề nghiệp luôn có một sứ mệnh lớn là bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo. Quyền tác nghiệp hợp pháp là cụm từ mà bất kỳ nhà báo khi tham gia vào hoạt động nghiệp vụ của mình cần phải nhớ.
Ông Vũ Văn Tiến - Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức giải: Tăng giá trị giải thưởng để khuyến khích các tác giả tham gia
Để thực hiện các đề tài điều tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi sự quyết tâm không chỉ từ phóng viên, nhóm phóng viên, ý chí của ban biên tập, thậm chí ý chí của cơ quan chủ quản ban biên tập. Nếu không có những sự quyết tâm này có thể các đề tài sẽ bị dừng lại trong trứng nước.
Với mùa giải thứ tư này, Ban Tổ chức phấn đấu tiền thưởng phải cao hơn để các phóng viên có động lực, nguồn động viên. Thời gian gần đây liên tục xuất hiện những vụ việc phóng viên bị hành hung khi thực hiện các đề tài phát hiện tiêu cực. Bởi vậy, Ban Tổ chức giải phấn đấu tạo nguồn kinh phí để giá trị giải thưởng cao hơn để động viên khuyến khích các tác giả tham gia.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Dân Việt/Nông thôn Ngày nay: Quan trọng là tính hữu ích của bài báo
Chưa bao giờ tôi thấy không khí báo chí muốn tìm giải pháp, lối ra cho vấn đề tiêu cực trong xã hội lại mạnh mẽ như bây giờ. Ngoài sự đam mê, dấn thân và cố gắng giấu mình, thì theo tôi, việc làm báo nói chung và làm điều tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, phóng viên cần kết hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan Chính phủ, đặc biệt là cơ quan điều tra các cấp để cung cấp tư liệu cho cơ quan chức năng tiếp tục hành động, giải quyết các vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong xã hội là sự kết nối rất trực tiếp, sinh động và mang lại hiệu quả.
Chúng tôi kiên định con đường: Thước đo phẩm cách của một nhà báo là người đó và tờ báo đó đã làm được điều gì cho xã hội? Không phải viết để khoe câu khoe chữ... Mà quan trọng là tính hữu ích của bài báo, loạt bài đó trong cuộc sống.