Nhà thơ - nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc: Tôi bị cuốn hút theo sự kỳ thú của tiếng Việt
Nhà thơ - nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc có nhiều tác phẩm thơ, truyện dài, nghiên cứu văn hóa được xuất bản và đã nhận được nhiều giải thưởng văn học. Gần đây ông chú tâm tìm hiểu chuyên về tiếng Việt và đã có những tập sách được xuất bản như: “Lắt léo tiếng Việt”, “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”. Lê Minh Quốc chia sẻ, ông đến với tiếng Việt là một quá trình tự học, rồi dần dần càng bị cuốn hút theo sự kỳ thú của tiếng Việt…
PV: Thưa ông, là một nhà thơ lãng mạn, ưa đổi mới trong thơ, cũng như trong công việc của mình, ông luôn khuyến khích các tác giả khác có những sáng tạo về ngôn từ?
Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Hơn hết chính những người sáng tác xưa nay, nếu thật sự có tài thì qua tác phẩm, ta có thể tìm thấy những đóng góp của họ như khẳng định về sự giàu có, uyển chuyển, phong phú và làm giàu thêm tiếng Việt.
Như trường hợp "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương. Với sự tài tình từ sự sáng tạo trong cách biểu đạt, sau đó được cộng đồng tiếp nhận. Vì lẽ đó khi viết “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”, tôi cũng đã khảo sát nhiều sáng tạo tương tự, như một cách tự học và chia sẻ lẫn truyền cảm hứng cho người viết nói chung.
Đó có phải nền tảng để ông đi vào con đường nghiên cứu về tiếng Việt?
- Không, đó chỉ là một trong nhiều lý do để tôi hào hứng nghiên cứu về tiếng Việt. Nền tảng của công việc nhọc nhằn đầy hứng thú này, tôi đã trình bày trong một bài thơ, có đoạn:
Từng ngày lầm lũi
Nhẫn nại bền lòng
Đi vào từ điển
Nhặt được gì không?
Đi vào giữa chợ
Tìm thấy tiếng lòng
Lời quê rơm rạ
Gieo trên cánh đồng.
Nói về nền tảng căn bản, đối với tôi ngay từ thời đi bộ đội rồi mãi đến nay, khi đi đến chỗ đông người, bao giờ trong túi áo tôi cũng có cuốn sổ nhỏ và cây bút. Đó là thói quen kịp thời ghi lại từ mới, cách nói mới mà mình nhặt nhạnh lúc tình cờ nghe được. Như thế vẫn chưa đủ. Phải kể đến các nguồn từ điển, tự vị xưa nay mà tôi đã sưu tập. Như thế vẫn chưa đủ. Thỉnh thoảng, tôi còn vào các trang mạng xã hội, tìm xem hiện nay có từ gì mới được sử dụng để học hỏi thêm. Kể cả đọc lại tác phẩm văn học trước đây, để xem thời đó các nhà văn đã sử dụng những từ gì mà nay ít ai còn nhớ đến. Có thể nói, với tôi, đây là một quá trình tự học, dần dần tôi càng bị cuốn hút theo sự kỳ thú của tiếng Việt.
Cách viết tiếng Việt đã hoàn thiện, không cần thêm bất kỳ của một công trình nào nhằm “cải cách, cải tiến tiếng Việt”, vì rằng nó đã thuộc tâm thức sâu thẳm trong tâm hồn người Việt. Không gì có thể thay đổi.
Tuy nhiên, phải có sự may mắn để tôi có thể đưa, trình bày hiểu biết của mình đến công chúng. Đó là năm 2015, báo Tuổi Trẻ cười đã chọn tôi viết thường xuyên cho chuyên mục “Lắt léo tiếng Việt”, báo An ninh thế giới giữa tháng và cuối tháng chọn giữ mục “Sổ tay nhà văn”, báo Người lao động cũng chọn tôi đúng mục “Tiếng Việt giàu đẹp”. Toàn bộ các bài viết đã in báo, sau đó, tôi đã bổ sung và in thành sách như các tập “Lắt léo tiếng Việt”, “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” (3 tập). Và, đến nay công việc này vẫn tiếp tục, đơn giản tôi tự xác định đây là con đường tự học lâu dài.
Trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi về tiếng Việt, ông thấy bật lên những điều gì thú vị?
- Về “vấn đề có tính quy luật”, từ bộ sách này và những gì đang tiếp tục viết, tôi bước đầu nhận ra rằng: Cùng một sự vật, sự việc nhưng người Việt mỗi thời có cách nói, diễn đạt, dùng từ khác nhau. Có nhiều từ dần dần đi vào lãng quên, do trải theo năm tháng không mấy ai sử dụng nữa, có còn chăng là ở ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Thí dụ, thành ngữ có câu “Bẻ no mà đếm”, ta hiểu thế nào cho đúng? “No” từ thời A.de Rhodes (1651) đến thời Việt Nam tự điển (1931) và hiện nay đã khác nhau xa lắm.
Sự thay đổi này khiến ta thấy cũng từ vốn từ đó nhưng nay mỗi người hiểu mỗi phách; hoặc do không hiểu nên người đương thời đã thay vào từ khác, dẫn đến “dị bản” là lẽ tất nhiên. Thí dụ, “Vênh váo như bố vợ cậu ấm” hay “Vênh váo như bố vợ phải đấm”? “Làm cách sạch ruột” hay “Làm khách sạch ruột”?…
Bên cạnh đó, thành ngữ, tục ngữ ra đời còn gắn với phong tục, tập quán, nghi lễ… và khi các hoạt động đó không còn nữa thì tự thân nó cũng đi vào quên lãng. Vậy, khi ta về các câu nói đó, vốn từ đó, chính là lúc ta tìm về và hiểu được nét văn hóa của một thời.
Rồi từ lời ăn tiếng nói thể hiện qua câu cửa miệng, ta dễ dàng nhận ra tính chất “nước đôi” của người Việt, tức là cũng câu nói đó nhưng tùy góc nhìn, ta hiểu thế nào cũng cảm thấy hợp lý và… không hợp lý. Hoặc cùng một vấn đề nhưng lại lúc thế này: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, lúc thế kia: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”...
Vậy hiểu sao cho đúng? Cách nói nước đôi này, ông cha ta bảo: “Làm trai cứ nước hai mà nói” nhìn rộng ra là cả nghệ thuật trong giữ nước và dựng nước đấy chứ? Hiểu như thế, vì tôi luôn nghĩ câu cửa miệng bao giờ cũng có tính khái quát ở mức độ cao nhất, chứ không bó gọn trong một sự việc cụ thể. Sức sống của nó chính là ở đó. Cách nói này, theo tôi, người Việt mình còn sử dụng cực kỳ hiểm, hiểm hóc trong nghệ thuật phê phán, châm biếm… chính vì thế, tìm về tiếng cười của người Việt, ta sẽ thấy thiên hình vạn trạng, đa thanh đa sắc, biến hóa khôn lường…
Có những từ, hình ảnh đã thuộc về “quy ước của cộng đồng”. Tức là người Việt mình lấy từ những gì rất quen thuộc trong sinh hoạt đời thường dùng cho cách ám chỉ. Nếu không hiểu, ta sẽ không thấy hết cách nói lắt léo, dích dắc, chơi chữ vốn đã có. Cách lựa chọn này, còn có thể tìm thấy trong nhiều quan hệ khác nữa, tất cả đã chứng minh cho lời ăn tiếng nói của người Việt cực kỳ tinh tế, khéo léo và gợi cảm; phong phú, đa dạng và không “đóng khung” trong một “công thức” máy móc, cố định nào cả.
Tôi cũng cho rằng, cách viết tiếng Việt đã hoàn thiện, không cần thêm bất kỳ của một công trình nào nhằm “cải cách, cải tiến tiếng Việt”, vì rằng nó đã thuộc tâm thức sâu thẳm trong tâm hồn người Việt. Không gì có thể thay đổi.
Trên thực tế, ngay cả trong các trường đại học, trong khoa văn học, thì môn tiếng Việt vẫn luôn bị coi là “khó nhằn”?
- Ở đây, cần có hai vấn đề cần trao đổi. Một là, tiếng Việt vẫn là một môn học, theo tôi là “khó nhai” nhất, đơn giản ta phải thừa nhận một điều chắc chắn rằng đã người Việt nhưng chắc gì chúng ta đã hiểu tiếng Việt? Không một ai “vỗ ngực xưng tên”, kể cả các nhà ngôn ngữ dám xưng “Vua tiếng Việt”. Không, muốn hiểu tiếng Việt ngay cả người Việt cũng phải học hỏi lẫn nhau, thí dụ, học về thổ âm, thổ ngữ, cách gọi khác nhau về sự vật, sự việc của cư dân các vùng miền…
Tiếng Việt vẫn là một môn học, theo tôi là “khó nhai” nhất, đơn giản ta phải thừa nhận một điều chắc chắn rằng đã người Việt nhưng chắc gì chúng ta đã hiểu tiếng Việt? Không một ai “vỗ ngực xưng tên”, kể cả các nhà ngôn ngữ dám xưng “Vua tiếng Việt”. Không, muốn hiểu tiếng Việt ngay cả người Việt cũng phải học hỏi lẫn nhau, thí dụ, học về thổ âm, thổ ngữ, cách gọi khác nhau về sự vật, sự việc của cư dân của các vùng miền…
Hai là, cần xem lại cách dạy tiếng Việt trong nhà trường hiện nay. Thí dụ, tại sao khi “trà dư tửu hậu” khi bàn về một từ, cụm từ hoặc một câu ca dao, tục ngữ thì mọi người, dù trình độ học vấn, kinh nghiệm sống thế nào cũng đều góp chuyện vui vẻ, rôm rả bật ra nhiều ý kiến tranh luận; trong khi đó, trong nhà trường thì sao? Có phải chúng ta buộc đối tượng phải lắng nghe thụ động với hàng loạt “từ chuyên ngành”, “từ khoa học” quá đỗi khó tiếp thu? Hay vì lý do gì khác?
Nói về cách giảng dạy ở nhà trường, ông có thấy ngày càng nhiều học sinh ngại học tiếng Việt và thậm chí sợ môn Tiếng Việt, dù đó vẫn là một trong ba môn quan trọng nhất (Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ) của các em?
- Không có gì vô lý mà cũng đáng suy nghĩ khi tại sao môn Tiếng Việt dạy cho người Việt nhưng người Việt lại không hào hứng tiếp thu? Khi các em học sinh sợ môn Tiếng Việt, tôi nghĩ cần xem lại từ sách giáo khoa đến phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo. Đâu là sự bất cập? Để có thể trả lời cho câu hỏi này, thú thật, tôi chưa có thời gian khảo sát, tìm hiểu thấu đáo nên không dám có ý kiến một cách võ đoán.
Có một điều tôi thấy cần chia sẻ vẫn là cách làm thế để môn Tiếng Việt trong giờ học trở thành một cuộc trò chuyện cởi mở, gợi ý cho các em được phát biểu, trình bày suy nghĩ theo cách đang hiểu, rồi sau đó, thầy cô giáo bổ sung, giải thích thêm. Khác với môn học khác là học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức qua lời giảng dạy của thầy cô giáo, còn ở môn Tiếng Việt thì… chưa chắc.
Ở đây tôi muốn nói đến sự học hỏi lẫn nhau. Thí dụ một thầy giáo quê ở phía Bắc khi vào dạy tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chắc thầy sẽ nhờ trò giải thích một số thổ âm, thổ ngữ và ngược lại. Tiếng Việt mình thống nhất từ Nam chí Bắc nhưng tùy vùng miền lại có nhiều sự vật, sự việc được sử dụng bằng vốn từ khác nhau, vì thế, muốn biết thì chúng ta phải học lẫn nhau là thế.
Qua thực tế là mới đây, khi trình bày chuyên đề “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” với sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, tôi đã học cách nhìn từ của các bạn, đã sử dụng và nhận ra không hẳn họ “sợ môn Tiếng Việt”. Bằng chứng khi tôi chứng minh, "ăn" là một từ đóng vai trò quan trọng có thể phản ánh tâm lý, tính cách của người Việt, các bạn đã tham gia, tranh luận nhiệt tình.
Không những thế, khi tổ chức những trò chơi tập thể như nhìn ảnh đoán biết câu thành ngữ, tục ngữ, tôi thấy các bạn không những đoán đúng mà còn giải thích tương đối ý nghĩa của nó. Rồi trò chơi qua những cặp từ dễ nhầm lẫn cũng đã có sự sôi nổi không kém khi các bạn chọn các từ như: chẩn đoán/ chuẩn đoán, chùa Thiên Mụ/ chùa Thiêng Mụ, dè sẻn/ dè xẻn, đường xá/ đường sá, chín muồi/ chín mùi, vô hình trung/ vô hình chung/ nấu sử sôi kinh/ nấu sử xôi kinh, Lỏ Xũ/ Lò Sũ, Tôn Đản/ Tông Đản…
Hiện nay sự du nhập của các từ mới đã có chiều hướng phổ biến và được sử dụng trong xã hội. Chúng ta chấp nhận lấy nó nhưng tại sao báo chí lại sử dụng từ vay mượn đó, trong khi đó tiếng Việt cũng đã có từ tương đương? Sao không dùng tiếng Việt mà lại phải dùng từ vay mượn? Theo tôi, đây cũng là vấn đề mà những người làm báo tiếng Việt, yêu tiếng Việt cần suy nghĩ thêm.
Từ những gì đã chứng kiến, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của ông Phan Bửu Toàn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho rằng: "Việc viết và hiểu tiếng Việt hiện nay trong các bạn sinh viên đa phần nhờ vào sự... trợ giúp của Google và các nền tảng trên mạng là chính.
Vì vậy, nhiều từ ngữ hiểu theo kiểu lập trình sẽ ảnh hưởng đến sự nhận thức và kiến thức của các bạn trẻ, nên những buổi nói chuyện như Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt thật sự bổ ích". Tức là môn Tiếng Việt ở nhà trường cần tạo điều kiện cho các bạn sinh viên, các em học sinh có thêm những tiết học “ngoại khóa” tương tự; hoặc bằng hình thức nào đó, các thầy cô sẽ nghĩ ra từ thực tế giảng dạy. Đây cũng là một hướng tích cực nhằm góp phần tháo gỡ, chấn chỉnh hiện trạng sợ môn Tiếng Việt mà bạn đã nêu ra.
Báo chí cũng là lĩnh vực công tác rất lâu năm của ông. Vậy theo ông, tiếng Việt được sử dụng trên báo chí hiện nay còn tồn tại những vấn đề gì?
- Trong sổ tay của tôi đã ghi lại những tít tựa “quá hớp”, thiếu thận trọng, chẳng hạn: Vợ chồng vẫn hạnh phúc dù chưa từng “bay từ mây sang mưa”; “Vét” không ra người đẹp; Nhan sắc ca sĩ Việt bị “giết” như thế nào? Phụ huynh vào tận trường đánh học sinh để “rửa hận” cho con; Dùng “bom đầu chó” để khủng bố tinh thần con nợ; Thuyền trưởng quần lót và cuộc tấn công của lũ toa lét biết nói…
Cách sử dụng từ trần trụi khiến ta thấy gì? Không những thế, Khoản 2 Điều 5 Nghị định 51 quy định: “Không được miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn trong các tin, bài, hình ảnh về các vụ án và hành động tội ác. Không được đăng, phát tin, bài, hình ảnh, tranh, ảnh khỏa thân và có tính chất kích dâm, thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”.
Ngoài ra, hiện nay sự du nhập của các từ mới đã có chiều hướng phổ biến và được sử dụng trong xã hội. Chúng ta chấp nhận lấy nó nhưng tại sao báo chí lại sử dụng từ vay mượn đó, trong khi đó tiếng Việt cũng đã có từ tương đương? Sao không dùng tiếng Việt mà lại phải dùng từ vay mượn? Theo tôi, đây cũng là vấn đề mà những người làm báo tiếng Việt, yêu tiếng Việt cần suy nghĩ thêm.
Như vậy, tiếng Việt cũng chứa đựng văn hóa dân tộc trong đó. Ông có thể giải thích cụ thể hơn về điều này?
- Trong bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”, tôi đã lý giải điều này bằng nhiều dẫn chứng khác nhau. Nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy nội dung sách xoay quanh một chữ "ăn": “Dích dắc dập dìu dư dí dỏm” - bàn về ăn học, ăn ở; “Chơi chữ chanh chua chan chát chữ” - bàn về ăn uống, ăn chơi; “Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo” - bàn về ăn nói, cười chơi.
Tất nhiên sự phân chia này, chỉ có tính cách tương đối, không thể tách bạch rạch ròi. Theo những gì đã khảo sát, tôi mạo muội nghĩ: "Ăn" là một từ có vị trí độc đáo, đặc biệt, "thượng thừa", "cao thủ" trong trùng trùng điệp điệp vốn từ tiếng Việt xưa nay, nó đã chi phối, quán xuyến sinh hoạt, thậm chí tính cách của dân tộc ta. Đó là một trong nhiều thí dụ, để tôi tự tin xác định:
Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt
Tiếng ta tự tại tới trường tồn.
Việc nghiên cứu tiếng Việt, có giúp thơ ca của ông thêm sáng tạo và thăng hoa?
- Đúng là thế. Từ đó, tôi nhận ra rằng, sở dĩ nhiều tác giả lớn trong văn học nước nhà đã để lại những áng văn bất hủ, do nhiều yếu tố, tất nhiên nhưng không thể thiếu yếu tố cực kỳ quan trọng là phải giỏi tiếng Việt. Tôi luôn tâm niệm: “Học tiếng Việt, dẫu có học hết một đời cũng không đủ”.
Về sáng tác, theo ông, không chỉ là khả năng để kể một câu chuyện có nội dung hay viết ra một bài thơ có tư tưởng, mà các tác giả cũng rất nên học đến nơi đến chốn về Tiếng Việt, hiểu rõ, thì mới có thể sáng tạo trên nền tảng đó được?
- Điều này hoàn toàn chính xác. “Truyện Kiều” là một thí dụ tiêu biểu nhất.
Trân trọng cảm ơn ông!