Ghé qua sạp báo tìm mua

NGUYỄN TRỌNG VĂN 17/06/2023 09:16

Hôm rồi có ông nhà thơ gọi điện thoại cho tôi, sau hồi chào và thăm hỏi nhau thì ông có nhờ: “Tôi hiện sống ở Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Nơi tôi ở không có chỗ nào bán báo in. Nhờ ông mua giúp tờ báo... số ra ngày... Tôi cảm ơn ông”.

Sạp báo một thời với rất nhiều đầu báo được bạn đọc tìm mua. Ảnh: VIệt Khánh.

Thì ra ông nhà thơ được một người bạn thơ ưu ái viết bài chân dung. Nhưng từ bữa được tin “mình lên báo” ông đã bảo cậu con trai tìm mua tờ báo, nhưng chạy ô tô không biết qua bao nhiêu đường phố Hà Nội cậu vẫn chưa lùng được tờ báo quý giá ấy. Thương con đôn đáo tìm mua báo không được nên ông nhà thơ đành động viên: “Chờ tuần sau họ đưa lên trang điện tử cũng được”. Ấy là ông nói thế thôi, chứ thực lòng ông rất muốn được cầm trên tay tờ báo, được lật giở từng trang và được vừa nhâm nhi chén trà và giương mục kỉnh lên đọc từng câu từng chữ.

Và thế là ông nhà thơ ấy nhớ tới tôi, bởi lẽ gần nơi tôi sống xưa nay có tới năm, bảy quầy bán báo. Mà đúng là thế thật, phố Phan Đình Phùng, đoạn gần với phố Lý Nam Đế từng là một “trung tâm phát hành báo”. Đoạn phố đó mấy quầy bán báo “mở cửa” suốt từ sáng sớm cho tới tận chín mười giờ tối mới “đóng cửa”.

Nhớ một thời báo giấy ra sớm, ra chiều, ra tối, nghĩa là buổi nào có báo buổi ấy, đều nóng hôi hổi. Độc giả Hà Nội dĩ nhiên là thỏa thích rồi. Sáng sớm ghé vào quầy báo mua tờ báo mới. Chiều tối đi làm về cũng ghé vào quầy báo mua tờ báo cũng rất mới. Tin tức thời sự, tin tức thể thao, tin tức mua bán... thôi thì đều “nóng bỏng tay” luôn.

Sạp báo thời nay vắng khách. Ảnh: VIệt Khánh.

Tôi nhớ những quầy bán báo đó buổi nào cũng đông người dừng xe ghé mua, thành thử ban đầu chỉ có vài ba quầy báo dần dần lên tới cả chục quầy. Nhiều vậy mà sơ sảy chậm chân là không còn báo để mua.

Trở lại với lời đề nghị của ông nhà thơ, nghĩa là tìm mua giúp ông ấy tờ báo, tôi vội vàng ra phố. Phố Phan Đình Phùng vẫn vậy, vẫn nườm nượp xe máy ô tô nối nhau ngỡ không thể qua đường được. Đoạn phố “bán báo” vẫn có mấy cô, mấy bà với những quầy hàng phục vụ tận mép đường. Tôi đảo qua vài quầy hỏi mua báo chỉ nhận được lời mời uống nước chè chén, mua bánh mì kẹp thịt...

Ở ngay cổng khu tập thể tôi sống, cổng ấy cũng từ sáng sớm đã có hai vợ chồng già hì hụi xếp xếp, kê kê, hai ông bà ấy bán báo. Cái quầy bán báo của họ chỉ rộng bằng cái bàn làm việc nhưng la liệt báo các loại. Từ báo ra hàng ngày cho đến báo ra hàng tuần, báo ra hàng tháng, tất cả đều có, tất cả đều mới tinh. Vậy mà cũng chỉ đến trưa là hai vợ chồng già bán báo ấy đã lại xếp xếp, lại kê kê vì báo đã bán hết, ông bà về nghỉ trưa và đợi sáng sớm mai ra đấy kê kê, xếp xếp những tờ báo, những chồng báo…

Nhưng giờ thì cái quầy báo của đôi vợ chồng già ấy không còn nữa. Thì ra có hai lý do .Thứ nhất là tuổi tác cao rồi, phơi mặt từ sớm tới trưa ngay chỗ đường qua lối lại không thích hợp nữa, con cái “yêu cầu” ông bà nghỉ bán. Và lý do nữa là vài năm trở lại đây người mua báo ít đi trông thấy. Chỉ thấy các cô các cậu là nhân viên mấy cơ quan gần đó cứ hở ra là chúi mắt vào điện thoại. Mà chả cứ mấy cô cậu thanh niên.

Thói quen lướt điện thoại đã trở nên phổ biến với nhiều lứa tuổi. Hình như chuyện buổi sáng cầm tờ báo mở rộng rồi chăm chú đọc nó “xưa rồi Diễm”, giờ cúi mặt vào điện thoại vuốt vuốt miết miết nó hợp thời hơn, nó sành điệu hơn. Thành thử khi con cái của hai vợ chồng già “không cho” bán báo nữa thì hai ông bà ấy cũng vui vẻ. Bà vợ thật thà nói cho tôi biết: “Có ngày chỉ bán được vài tờ thôi”.

Sạp báo duy nhất còn lại trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội). Ảnh: Trọng Văn.

Lại trở lại với chuyện ra phố Phan Đình Phùng tìm mua giúp ông bạn nhà thơ tờ báo. Tôi đi dọc phố, xuôi theo chiều xe chạy, mấy quầy bán báo mọi khi kê sáp vỉa hè giờ chỉ thấy gọn ghẽ những xếp vé số. Vẫn là những cô bán báo khi nào, tôi ghé lại hỏi: “Dạo này sao không thấy các cô bán báo nữa”. Cô bán báo khi xưa cười, nụ cười chẳng rõ là vui hay buồn, cô bảo: “Báo ế lắm. Em bán vé số cũng không hơn là mấy”. Tôi lại hỏi: “Ế sao không nghỉ ở nhà cho đỡ bụi đường, đỡ nắng nóng”. Cô bán báo khi xưa lại cười: “Em không bán báo nhưng cũng phải kiếm cơm chứ”.

Sau khi mua giúp cô mấy tờ vé số tôi lại đi tiếp. Quầy này vẫn là quầy xếp từng chồng báo nhưng báo không thấy bày xếp nữa, chiếc quầy được kéo vào sát bờ tường, trên nóc quầy là chồng ghế nhựa xếp khít vào nhau cô bán báo còn cất trong tủ quầy đó những chén những cốc, cô chuyển sang bán nước chè cho khách đợi xe buýt.

Tôi lại gần và thay vì hỏi mua báo, tôi làm thân bằng cách gọi cốc trà đá, cô nhanh nhảu lấy từ trên nóc quầy tủ của mình xuống mấy chiếc ghế nhựa mời tôi ngồi. Làm vài ngụm cho nó có vẻ thân thân, tôi mới hỏi: “Nhà cô ở gần đây không?”. Cô bán nước cho hay: “Em ở Ngã Tư Sở”. Tôi là lạ: “Xa vậy sao cô không bán ở gần nhà?”. Cô vừa rót nước cho vị khách vừa tới vừa trả lời: “Em bán báo chỗ này mấy chục năm rồi. Giờ không bán được báo nữa thì em bán nước”.

Rồi cô chỉ tay vào mấy ông già đang ngồi gần đó: “Mấy ông đây trước bữa nào cũng ghé em mua báo. Báo không bán nữa nhưng mấy ông ấy còn thương nên tới ngồi uống nước chè. Vẫn còn những người chung thủy với em bác ạ”.

Phố Phan Đình Phùng giờ chỉ còn duy nhất quầy bán báo. May cho tôi là đã mua được tờ báo cho ông bạn nhà thơ. Cô bán báo phải mất một hồi tìm kiếm, dỡ tờ báo này, xếp tờ báo kia mới lấy đúng cho tôi tờ báo tôi cần. Tôi bảo: “Báo bán mà cô cất kỹ thế? Khách hỏi mua lại mất công tìm”. Cô bán báo trả lời: “Em cất thế cho gọn. Có mấy ai hỏi tìm mua báo nữa đâu”. Có chút buồn khi biết cô đã chuyển cái quầy báo vốn to rộng thành chỗ bày bán đủ thứ.

Còn nhớ quãng cách đây không lâu các quầy báo nở rộ như hoa mùa xuân. Thời gian phôi pha, báo in ít dần người đọc. Đấy, một thuở vỉa hè phố Hàng Trống báo đủ loại. Giờ thì chỗ ấy thật phong quang, không còn thấy bày báo ra bán nữa. Mỗi lần có việc đi qua đấy tôi lại thấy ngẩn ngơ. Biết khi nào trở lại ngày xưa…

NGUYỄN TRỌNG VĂN