Tôi đã sống gần trọn cuộc đời tuyệt đẹp
Vậy là sắp tròn 16 năm ngày họa sĩ Lưu Công Nhân đi xa (ông mất ngày 21/7/2007). Không còn thấy cái dáng lui cui của ông bên giá vẽ. Người sống ở Đà Lạt cũng không gặp lại Lưu Công Nhân - một người họa sĩ nặng tình với thành phố này. Nhưng trong giới hội họa Việt vẫn luôn nhắc nhớ tới ông. Trong giới sưu tập, nhiều người vẫn săn tìm những tác phẩm của ông, sẵn sàng trả giá cao để sở hữu bức tranh đẹp.
Họa sĩ Lưu Công Nhân sinh ngày 17/8/1929, tên khai sinh là Lưu Công Nhẫn. Nguyên quán của ông là làng Lâu Thượng, nay thuộc xã Trưng Vương, TP Việt Trì, Phú Thọ.
Lưu Công Nhân theo học khóa đầu tiên mở tại chiến khu Việt Bắc của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy (1950-1954). Về sau, khóa học này được nhiều người gọi là khóa mỹ thuật Kháng chiến. Tại khóa học này, họa sĩ Lưu Công Nhân đã sớm bộc lộ nét tài hoa của mình qua những bức vẽ bài tập và ký họa thực tế.
Dấu ấn hội họa của Lưu Công Nhân càng ngày càng sắc nét khi trải qua những giai đoạn sáng tác mỹ thuật sau này. Người ta vẫn thường nhắc tới những tác phẩm như “Buổi cày”, “Nghỉ trưa hợp tác” được sáng tác năm 1960…
Năm 1960 cũng đánh một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hội họa của Lưu Công Nhân, khi ông bày triển lãm cá nhân đầu tiên với khoảng 200 bức tranh ký họa. Cũng trong năm đó, họa sĩ Lưu Công Nhân gửi 3 tác phẩm “Bác Hồ”, “Buổi cày”, “Nghỉ trưa” tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, và bức “Buổi cày” (tên ban đầu là “Một buổi cày”) được trao giải Ba về hội họa.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân từng nhận xét: “Lưu Công Nhân có tay nghề điêu luyện lạ thường. Ngay những bức thuốc nước trực họa những năm 1950 đã đạt tới đỉnh cao của kỹ thuật đầy trắc ẩn này. Cây xoan, ngõ xóm, cô dân quân, cô nuôi lợn, lão du kích, bà bủ móm mém… lùm tre soi bóng xuống ao bèo, cái tường gạch lở lói bởi thời gian và bom đạn với những khẩu hiệu tuyên truyền thật hồn nhiên và kiên quyết… đã trở thành những hình ảnh tạo hình xuất sắc bậc nhất của thời chống Pháp bên cạnh các ký họa của các bậc thầy mỹ thuật Đông Dương. Về tranh màu nước ở ta, tới nay tôi nghĩ ít có ai vượt nổi Lưu Công Nhân”.
Vẫn lời nhà phê bình Nguyễn Quân: “Tranh sơn dầu cũng được Lưu Công Nhân sử dụng “điệu nghệ” trong thế hệ ông - thế hệ thiếu thốn tuyệt đối về vật chất mà ông là một ngoại lệ. Không làm quan văn nghệ nhưng ông được “số phận ưu ái”: thầy bạn quý nể, gần như là họa sĩ tự do hoàn toàn ở “tổ sáng tác”. […]
Ông cũng vẽ trừu tượng và muốn “hiện đại hóa” hội họa của mình nhưng rồi lại chối bỏ cái không hợp với thể tạng mình. Ở đây, trong nghệ thuật ông là một người thành thật với chính mình và chắt chiu tài năng của mình với ý thức của một họa sĩ chuyên nghiệp và tự do…”.
Gần đây, tên tuổi họa sĩ Lưu Công Nhân tiếp tục được nhắc đến. Đó có thể là những lùm xùm về chuyện tranh giả - tranh thật. Đó có thể là một cuộc đấu giá tranh trên mạng. Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến khía cạnh tích cực, khi cuốn sách “Lưu Công Nhân và hội họa” (NXB Thế giới) ra mắt bạn đọc. Cuốn sách do nhà báo - nhà nghiên cứu mỹ thuật Đào Mai Trang thực hiện công phu, khi được một người con trai của họa sĩ Lưu Công Nhân cung cấp hàng chục kilogam tài liệu di cảo gồm thư từ, những trang ghi chép rời, những cuốn nhật ký, sổ tay với bút tích sống động của họa sĩ Lưu Công Nhân. Rồi những bức tranh, phác thảo, ký họa, ảnh tư liệu... Và cả những bài báo cũ đượm màu thời gian, trong đó chỉ dẫn những cứ liệu cần thiết cho thế hệ mai hậu muốn đọc, muốn hiểu về họa sĩ Lưu Công Nhân. Am hiểu về mỹ thuật, nặng tình với họa sĩ, nhà báo Đào Mai Trang đã hoàn thành cuốn sách với rất nhiều tư liệu quý, mà bất cứ ai khi đọc, cũng có thể tiếp cận một cách rất gần với những tâm tư, suy nghĩ của họa sĩ Lưu Công Nhân.
Trong số báo này, tôi muốn trích dẫn lại một số tâm sự của họa sĩ nằm rải rác trong các cuốn sổ nhật ký, sổ tay, thư từ… đã được cuốn “Lưu Công Nhân và hội họa” trích dẫn, để độc giả hiểu thêm chân dung tinh thần đằng sau sự nghiệp hội họa của một “hoàng tử của giới mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20”.
- Kỹ thuật của người họa sĩ cũng giống như sợi dây diều. Dây càng dài, diều càng bay cao.
- Chất liệu không hoàn toàn quyết định giá trị của bức tranh. Một bức tranh đẹp không do vẽ bằng vàng. Nhưng chất liệu quyết định khả năng diễn đạt của tác phẩm. Với chủ đề của bức tranh này, vẽ bằng chất liệu này, thành công hơn chất liệu nếu cần.
- Theo tôi mảng màu và đường nét là nhịp đập của trái tim và trí tuệ người cầm bút.
- Đã là nghệ thuật, bức tranh phải lung linh, phát quang, và phát quang vĩnh viễn.
- Vẽ suốt cả ngày. Vẽ là một hành động vô ý thức được nghiền ngẫm từ lâu.
- Nhiều lúc tôi muốn nói, viết: Tôi tự bảo là tôi phải viết ra, nói ra thật súc tích, rõ ràng. Và cuối cùng tôi thấy, nói ra súc tích nhất ở tôi là vẽ tranh, không phải dùng lời nói nữa.
- Xét cho cùng, tất cả mọi thứ trên đời đều có sự ràng buộc vô hình! Đó là nghệ thuật! Đời tôi chỉ có hai loại tranh, chúng trộn lẫn vào nhau, đó là tranh nghiêm nghị và tranh lả lơi.
- Đời là tình thôi. Cái lòng, cái tình mới thật đáng quý.
- Muốn vẽ hay, phải cộng cái chịu ảnh hưởng với thực tế của mình, vẽ nhiều thì phần của mình mới hơn được.
- Không phải cứ […] gallery nọ kia mua mà vẽ hay được đâu!!! Bởi vì vẽ là sống. Sống nghệ sĩ! Chỉ nghệ sĩ mới đẻ ra nghệ thuật thôi!
- Vẽ, theo tôi vẫn chẳng khó khăn… bằng sống. […] Người họa sĩ như chúng ta, cái đáng tự hào là “sống sao cho đáng sống”.
- Là một họa sĩ Việt Nam, tôi cũng thấy một bức tranh tràn đầy thần hồn vẫn là bức tranh vượt qua thời gian và không gian, mãi mãi là một thông điệp đến đáy lòng người xem.
- Vẽ chân dung ư? Việc đầu tiên bức tranh phải giống người mẫu vẽ. Giống kiểu nào thì cũng phải giống như mọi người nhìn thấy! Vẽ siêu thực như Dali phải vẽ cho giống.
- Sau nữa, vẽ chân dung phải có hồn! Thần hồn và thần tình!
- Tôi xin thẳng thắn nói rằng, những tranh tôi vẽ vào thời kỳ 20, 30 tuổi hiện đang được giới buôn tranh săn tìm nhiều nhất vì đơn giản là tranh đẹp và đúng với cái thời… con trâu đi trước, cái cày theo sau! Còn nếu trở lại 20 tuổi vào năm 2000 này thì tôi cũng chưa thể vẽ khác được. Nếu thử cho tôi được trở lại vào năm 3000, 20 tuổi thì chắc chắn, tôi đã mua vé bay đi ra ngoài vũ trụ rồi, còn đâu một buổi cày mà vẽ nữa!
- Ồ, vẽ và quét nhà và bán chè chai là một mà. Tất cả với tôi, kể cả ăn, ngủ, […] vẽ vẫn chỉ là một. Cho nên thích gì ta làm nấy…
- Xét cho cùng, người nhỡ tàu là người định bước lên tàu. Ai có ý định vẽ cho người, hơn người thì mới bước lên tàu để… chạy thi. Sáng tạo nghĩ cho cùng là nhu cầu thôi thúc của lòng mình và cũng là cho mình trước tiên nên việc lên tàu cùng ai thì cũng là chuyện trái cựa rồi. Người sáng tạo là một chuyến tàu, một đường ray riêng, chẳng ai nhỡ mà cũng chẳng ai trước, ai sau. Xét cho cùng thì vấn đề là đoàn tàu của anh chở cái gì, có cùng một thứ với các tàu khác chở hay không. Nếu như một chuyến tàu Picasso mà cùng chở một thứ như Matisse chắc bỏ đi thôi. Vậy việc đầu tiên cho người cầm bút vẽ, theo tôi vẫn nghĩ chính là hiểu thật sâu sắc cái ý nghĩa đó, có một nhu cầu không thể nào không sáng tạo, được vẽ ra. Còn đánh giá nó hay dở thì đó là việc của người xem, ngoài tác giả […] Cái quan trọng bậc nhất, cái mà đem người nghệ sĩ thành ra một vĩnh cửu bất tử của nhân loại là vũ trụ của anh ta, chứ không phải là sơn mài hay lụa chất Việt Nam […]
- Bây giờ đến cuối đời mới thấy rõ thời gian và nghệ thuật là… mình, bằng xương bằng thịt vẫn chưa đủ. Hết sống là hết nghệ thuật, đành vậy thôi. […] Mình vốn là người không biết ốm đau bệnh tật là cái gì, thế mà nay lại bị bệnh tật quái ác hành, mình chỉ còn cách dùng bút vẽ để chữa bệnh thôi”.
- Từ hồi học trường Bưởi trước Cách mạng, tôi nuôi một mơ ước sau này khi lớn lên trở thành họa sĩ, và là một học giả có trí thức, có vốn ngoại ngữ, uyên thâm. Không bao giờ ngả nghiêng. Mỗi một mục đích duy nhất: Vẽ và sống theo đúng mơ ước của mình. Thế mà thoáng một cái, tôi đã 70 tuổi - hết đời, ngồi kiểm đếm xem đời mình có được đúng như mình mơ ước không? Và đúng như vậy: còn khoảng 10 năm nữa là cùng. Hôm nay tôi đã có thể nói, tự bảo mình: Ta yên tâm, thanh thản tự bảo: Ta đã đạt được những điều mình ước mơ! Tôi đã sống gần trọn cuộc đời tuyệt đẹp.