Văn hóa mang lại sự khác biệt
Với nhà quay phim Lý Thái Dũng, từ thành công của nhiều phim Việt Nam tại các Liên hoan phim (LHP) uy tín quốc tế, có thể thấy rõ, văn hóa Việt, tính cách người Việt, đề tài Việt, là nguồn khai thác phong phú, mang sự khác biệt cho điện ảnh Việt Nam.
Theo dõi các LHP quốc tế nhiều lần, mỗi khi có sự xuất hiện của đại diện Việt Nam, cảm giác của nhà quay phim Lý Thái Dũng - luôn là vui mừng. “Trên thế giới có hàng trăm LHP, từ các LHP nhỏ đến rất lớn như Cannes. Bởi sự uy tín của nhiều LHP khá khiêm tốn, nên khi đại diện Việt Nam có giải thưởng từ LHP lớn, tôi thấy rất mừng khi họ được cọ xát, được chứng minh, được công nhận tài năng. Và tôi mừng nhất nếu người đạt giải là đàn anh, đồng nghiệp, học sinh của mình”, nhà quay phim Lý Thái Dũng chia sẻ.
Sự kiện LHP Cannes lần này đặc biệt khi xuất hiện hai cái tên thuần Việt đạt giải: Đạo diễn Trần Anh Hùng và đạo diễn Phạm Thiên Ân. Đạo diễn Trần Anh Hùng xuất hiện cách đây tròn 30 năm, năm 1993, với phim “Mùi đu đủ xanh”, và phim đó, tại Cannes đã đạt giải Prix Camera D’or. Sau đó Trần Anh Hùng làm nhiều phim, quay ở Việt Nam lẫn nước ngoài, từ phim “Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “I come with the Rain”, “Rừng NaUy”....
Trong các khóa Gặp gỡ mùa thu của đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Trần Anh Hùng đều trở về giảng dạy. Sau khi đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, nhà quay phim Lý Thái Dũng tập trung cho công việc giảng dạy ở khoa Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Khi có dịp được cùng dạy học với đạo diễn Trần Anh Hùng, nhà quay phim Lý Thái Dũng cảm nhận được phẩm chất, trách nhiệm của đạo diễn Trần Anh Hùng khi truyền lại cho thế hệ trẻ niềm đam mê điện ảnh.
Điều đó làm Lý Thái Dũng rất hạnh phúc: “Trước đây, đạo diễn Trần Anh Hùng với phim “Mùi đu đủ xanh”, bộ phim duy nhất cho đến nay là đại diện của điện ảnh Việt Nam được có trong danh sách đề cử giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất, anh cũng nhận nhiều giải thưởng trong sự nghiệp điện ảnh như: Giải Camera vàng (năm 1993), Giải César (năm 1994) cùng với “Mùi đu đủ xanh”; Giải Phim hay nhất, Liên hoan phim Vennezia, năm 1995 với phim “Xích lô”. Lần này, với Giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Cannes... thì thực sự rất quan trọng trong sự nghiệp của anh”.
Tròn 30 năm sau, đạo diễn Phạm Thiên Ân đạt giải thưởng trùng với giải thưởng mà đạo diễn Trần Anh Hùng đã từng có với “Mùi đu đủ xanh”. Qua sự quan sát của mình và khi đọc các phỏng vấn về Phạm Thiên Ân, nhà quay phim Lý Thái Dũng thấy rằng, dù Ân không được đào tạo điện ảnh chuyên nghiệp nhưng đam mê của Ân với điện ảnh, mong muốn diễn tả tư tưởng, cảm xúc, cái tôi của mình qua điện ảnh rất đáng tôn trọng: “Giải thưởng Camera vàng với phim đầu tay của Ân là rất xứng đáng. Lâu lắm rồi chúng ta lại xuất hiện ở Cannes”.
Nhân dịp này, nhà quay phim Lý Thái Dũng nhắc lại phim “Cuốc xe đêm” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, từng đạt giải Cinéfondation dành cho nhà làm phim trẻ cũng tại Cannes năm 2000, trong hạng mục phim ngắn: “Trước đó anh Bùi Thạc Chuyên là diễn viên, sau đó anh tự làm đạo diễn, tự viết kịch bản một loạt phim. Khi Trường Sân khấu Điện ảnh hợp tác với nước Đức tổ chức khóa học kéo dài hai năm, được cấp kinh phí và chuyên gia nước ngoài giỏi từ Đức đến giảng dạy, thì anh Bùi Thạc Chuyên đã tham gia khóa học. Kết thúc, sinh viên phải nằm bài tốt nghiệp. “Cuốc xe đêm” là phim tốt nghiệp của anh Bùi Thạc Chuyên, được quay bằng phim 35mm. Như thế để thấy sự vất vả và kì công của anh Chuyên để làm được bộ phim này”.
Là một giảng viên đại học điện ảnh, nhà quay phim Lý Thái Dũng luôn muốn nhắc đến các thế hệ sinh viên của trường đã đến Cannes và đạt giải. Đạo diễn Bùi Trung Hải cũng là cái tên mà nhà quay phim Lý Thái Dũng nhắc đến. “Đạo diễn Bùi Trung Hải là con nhà nòi. Cha anh là NSND Bùi Đình Hạc, mẹ là PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển. Bùi Trung Hải viết kịch bản và là đạo diễn phim “Mưa mùa hạ” và năm 2002, được chọn vào chương trình tranh giải chính thức LHP ngắn Clemont - Ferrand lần thứ 14... “Mưa mùa hạ” cũng quay bằng phim 35mm. Từ đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đến đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Hoàng Điệp... có thể thấy, cứ đi là sẽ đến đích và được đánh giá tốt. Tôi mong các sinh viên của tôi từ đó thêm động lực để học tập phát triển”.
Theo nhà quay phim Lý Thái Dũng, trong thời kỳ công nghệ thông tin bùng nổ, sự tiếp xúc với các yếu tố văn hóa trên thế giới có sự thay đổi mạnh mẽ, người làm điện ảnh trẻ Việt Nam có thể bày tỏ được những gì họ quan tâm đến con người đất nước Việt Nam: “Là thầy giáo, tôi cần truyền cho các bạn cảm hứng để bày tỏ cái tôi của mình, định vị bản thân là người Việt Nam, lấy bản sắc văn hóa Việt Nam và chia sẻ nhận định của bản thân thông qua đó”.
Nhà quay phim Lý Thái Dũng bày tỏ, nếu có đam mê thì phải nỗ lực tận cùng với đam mê. Trong đào tạo nghệ thuật, hy vọng lạc quan là cần thiết nhưng phải dựa trên cơ sở hạ tầng của một đất nước và đó là nền tảng làm nên sự thành công: “Điện ảnh là ngành rất khác biệt, cần rất nhiều thứ như: nhà đầu tư, tài chính, thị trường... Bạn phải thuyết phục được nhà đầu tư bằng chính tài năng của bạn, và khi họ tin rằng bạn làm tốt thì bạn sẽ được đầu tư. Các bạn phải mạnh dạn, quyết tâm. Tuy nhiên ngoài những thứ đó, vô cùng quan trọng là công nghệ... Điện ảnh là ngành sử dụng các thành tựu công nghệ thuộc bậc nhất thế giới. Vì thế người làm điện ảnh phải giỏi và thành thạo công nghệ.
Tôi nghĩ sự kiện 2 nhà làm phim đạt giải tại Cannes lần này chắc chắn tạo ra động lực. Hoạt động điện ảnh Việt Nam hiện nay đang có đời sống riêng của nó, nên giải thưởng từ LHP Cannes là cú hích nhưng cũng vẫn hoàn toàn là sự nỗ lực cá nhân. Việt Nam có rất nhiều vấn đề để khai thác, liệu các bạn có đủ kiên nhẫn sáng tạo và khai thác cho tác phẩm hay không? Trong khi cơ hội thì luôn nhiều”.