'Kê đơn, bốc thuốc'

Nam Việt 13/06/2023 06:25

Phát biểu tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, ngày 10/6, về việc làm rõ những loại vaccine nào đang thiếu và hình thức mua sắm thế nào, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, địa phương không thiếu kinh phí, “không sợ trách nhiệm” nhưng đang thiếu cơ chế mua sắm. Như vậy một lần nữa “bệnh sợ trách nhiệm” lại được nêu ra như một nỗi ám ảnh.

Thời gian qua chuyện cán bộ sợ trách nhiệm rất nóng. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nói về cách “trị” căn bệnh này, nhiều đại biểu cho rằng phải tìm ra nguyên nhân sợ sai, sợ trách nhiệm trong cán bộ, công chức từ đó khơi thông những điểm nghẽn. Bởi pháp luật quy định ở một số góc độ còn chưa cụ thể, nên ranh giới giữa việc vận dụng pháp luật để dám nghĩ, dám làm với cố ý làm trái là mong manh.

Phát biểu trước Quốc hội, ngày 31/5, ông Trần Quốc Tuấn (ĐBQH đoàn Trà Vinh) nói: "Tôi đặc biệt quan tâm đến một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước". Ông Tuấn đặt vấn đề, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả. Theo ông Tuấn có 2 nhóm cán bộ gồm: Nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng và nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Đại biểu cho rằng đặc biệt quan trọng là đơn vị đó có nhận diện được hay không và khi nhận diện được thì xử lý thế nào. Trong thời điểm "dầu sôi, lửa bỏng" này thì giải pháp cấp thiết cần phải làm ngay, đó là ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm vì chúng ta không thiếu cán bộ tốt. Còn về lâu dài, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức để đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn để làm cơ sở khuyến khích bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.

Nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, theo đại biểu, là nhóm chiếm số đông. Họ lo sợ vì các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện. Cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có hai văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất. Vì vậy cần tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi căn cứ vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.

Cùng trăn trở căn bệnh sợ trách nhiệm, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho rằng mặc dù Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản để tạo cơ chế pháp lý cho triển khai các chính sách lớn nhằm khôi phục kinh tế, nhưng nếu không giải quyết dứt điểm điểm nghẽn trong vấn đề sợ trách nhiệm thì dù có đầy đủ hệ thống quy định vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, ĐBQH Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn. Như vậy sẽ giúp cán bộ dám nghĩ, dám làm một cách tự nhiên mà không cần phải khuyến khích, bảo vệ.

“Tôi rất thấm thía lời của Thủ tướng trong trả lời chất vấn của tôi, luật là do chúng ta, trong thực tiễn đang vướng, mà vướng là do chúng ta đặt ra, vậy thì chúng ta sửa” - ông Hậu nói.

Tương tự, để khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, bà Trần Thị Khánh Thu (đoàn ĐBQH Thái Bình) cho rằng, cần tập trung rà soát bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và đồng bộ hơn. Để khuyến khích tinh thần dám đương đầu vào khó khăn, dám tạo đột phá. Việc đánh giá cán bộ cũng cần được đổi mới, cách đánh giá cần phải giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó, vững tâm tin rằng nếu mình làm vì lợi ích chung sẽ được nhìn nhận đúng.

Bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm đã được nhìn nhận, cả về mức độ tổng quát cũng như hậu quả do nó gây ra. Vấn đề là sau khi đã “hội chẩn” rồi thì cần phải “kê đơn, bốc thuốc” để trị dứt điểm. Cũng chính vì thế mà tất cả những hiến kế trị bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm cần được tiếp thu đầy đủ, từ đó đưa ra được một đơn thuốc thật hiệu nghiệm.

Nam Việt