Tìm 'chỗ đứng' cho ca khúc thiếu nhi
Ca khúc viết cho lứa tuổi thiếu nhi chưa bao giờ thiếu, thậm chí còn rất nhiều. Nhưng chưa có nhiều tác phẩm hay. Nhiều đơn vị tổ chức chương trình thường chọn các bài hát cũ để “an toàn” - đó là trải lòng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khi trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Thưa nhạc sĩ, tuy có nhiều ca khúc viết về thiếu nhi nhưng rất ít ca khúc để lại ấn trượng. Những ca khúc được các em lựa chọn là những ca khúc được hát đi và hát lại, có từ rất lâu. Ông nhìn nhận vấn đề này như nào?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Trước đây đài truyền hình và các đài phát thanh, các trung tâm văn hóa luôn có những kênh ưu tiên cho âm nhạc thiếu nhi vào những khung giờ vàng để có thể phổ biến những bài hát thiếu nhi mới hoặc phát đi phát lại những bài hát thiếu nhi vừa phát hành để lan tỏa các ca khúc thiếu nhi. Bên cạnh đó, các trung tâm văn hóa, sân khấu thiếu nhi cũng được tổ chức thường xuyên. Vì vậy những bài hát thiếu nhi ngày xưa rất dễ có điều kiện để tiếp cận với các em. Các nhạc sĩ khi viết ra một bài hát cũng dễ dàng lan tỏa bài hát đó.
Tuy nhiên hiện nay các đài truyền hình, đài phát thanh có rất ít chương trình dành cho thiếu nhi đúng với khung giờ vàng, đúng khung giờ các em đi học về và sau khi ăn tối. Như vậy, một trong những nền tảng quan trọng nhất để phổ biến nhạc thiếu nhi đã không còn. Cùng với đó, các sân khấu ca nhạc, trung tâm văn hóa thiếu nhi cũng rất ít chương trình định kỳ thường xuyên phổ biến các ca khúc mới.
Có rất nhiều nguồn âm nhạc thiếu nhi nhưng họ không tìm tòi, khai thác vì không có chi phí bởi một bài hát từ văn bản để có thể lên được đến sân khấu là rất tốn kém. Trong khi những ca khúc cũ đã có sẵn và an toàn. Có nghĩa chúng ta đang thiếu rất nhiều khâu để phổ biến một ca khúc thiếu nhi. Theo tôi, chúng ta bị lười trong việc khai thác âm nhạc thiếu nhi mới. Nhất là khi hiện nay nguồn ngân sách để phổ biến âm nhạc thiếu nhi còn hạn hẹp.
Ở góc nhìn khác, phải chăng nhạc sĩ hiện nay khó tạo ra được những giai điệu trẻ trung, nội dung lại xa rời với lứa tuổi thiếu nhi nên không có được sự hấp dẫn đối với các em?
- Đôi khi những nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi với tư duy “cũ”. Ngày nay, thiếu nhi được tiếp xúc với các nền tảng mạng xã hội và âm nhạc quốc tế nên các em có tiêu chuẩn khác, gu thẩm mỹ khác, hứng thú với giai điệu và tiết tấu vui tươi… Người viết nhạc thiếu nhi thường là những người đã lớn tuổi thì tư duy giữa 2 thế hệ khác nhau cho nên đó cũng là một phần lý do. Đôi khi cũng có nhiều cuộc vận động sáng tác âm nhạc thiếu nhi nhưng chủ đề bị khô, không hấp dẫn.
Là nhạc sĩ gắn bó và sáng tác nhạc thiếu nhi, vậy theo ông để chinh phục các em thiếu nhi thì nhạc sĩ khi sáng tác cần chú ý điều gì?
- Theo tôi khi sáng tác nhạc thiếu nhi thì yếu tố đầu tiên là phải có con. Đây là trên quan điểm riêng của tôi. Nếu như mình chưa có con, chưa từng nhìn thấy một đứa nhỏ được chào đời hoặc chưa cảm nhận được niềm hạnh phúc khi có con… thì sẽ rất khó viết nhạc thiếu nhi. Mà khi viết một bài hát thì phải nhìn thế giới qua đôi mắt trẻ nhưng nội dung bài hát lại là trái tim của người lớn muốn dành những điều tốt đẹp cho trẻ... như vậy mới có thể tác động đến một đứa trẻ.
Nếu các em nhỏ nghe một bài hát mà góc nhìn không giống với cách nhìn của các em nhìn thế giới hoặc lời bài hát không giống khi nói chuyện với bạn bè, giai điệu không tiết tấu, không hứng thú thì trẻ sẽ không thể cảm nhận được nội dung bài hát.
Khi có con chứng kiến nó lớn lên mỗi ngày, tôi muốn gieo cho con những hạt giống về tình yêu thương. Những hạt giống đó sẽ tự nảy mầm thành những cảm xúc yêu thương... lúc đó tôi sẽ viết một bài hát thiếu nhi nói về sự ấm áp của mẹ dành cho con.
Bên cạnh sự nỗ lực của các nhạc sĩ thì theo ông, các đơn vị chức năng cần làm gì để thúc đẩy phát triển âm nhạc thiếu nhi?
- Đừng bao giờ bắt nhạc sĩ phải làm công việc của một nhà sản xuất hay nhà đầu tư. Để lan tỏa ca khúc thiếu nhi đến với các em nhỏ cần có sự chung tay, sự chỉn chu, cần có lộ trình dài. Bây giờ chúng ta đang xem nhẹ tầm quan trọng của âm nhạc thiếu nhi. Ba mẹ cũng đang xem nhẹ vì thế mới vô tư cho các con nghe những bài hát người lớn. Chúng ta đang thiếu một kho nhạc thiếu nhi chuẩn, được đầu tư bài bản, hấp dẫn…
Trân trọng cảm ơn ông!
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được biết đến với nhiều bài hát cho thiếu nhi, trong đó có "Nhật ký của mẹ", "Gia đình nhỏ - hạnh phúc to", "Mẹ ơi có biết", "Chơi cả mùa hè", "Cám ơn chú bộ đội". Ca khúc “Nhật ký của mẹ” là bài hát thiếu nhi tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, không chỉ giữ kỷ lục về tác quyền với bản ghi âm do ca sĩ Hiền Thục thể hiện, ca khúc còn được Giải thưởng văn học nghệ thuật TPHCM 2013-2018.