Một ngày ghé xứ Đoài mây trắng
Cùng nằm trong địa giới Hà Nội thôi, nhưng chỉ với hơn một tiếng đồng hồ rời khỏi trung tâm đô thành phồn hoa náo nhiệt để đi về phía Tây, là ta đến với một vùng văn hóa dung chứa bề dày trầm tích cổ xưa.
Dù không phải người bản quán, song tôi có duyên với “xứ Đoài mây trắng lắm” (lời thơ Quang Dũng). Thuở nhỏ, những lần viếng thăm chiêm bái nhiều danh thắng văn hóa tâm linh như: chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian, chùa Mía… đã mang lại cho thế giới quan của tôi một mối hiếu kỳ huyền bí, đồng thời cả một cảm niệm thiêng liêng và thâm nghiêm.
Sau này, có điều kiện được học tập và làm việc cùng với người xứ Đoài tôi lại hiểu thêm về xứ Đoài từ một chiều kích khác, một chiều kích mang tính chất bản thể đến từ con người văn hóa. Rồi khi đảm nhiệm thực hiện một đề tài khoa học về tổ chức không gian vùng ven đô phía Tây Hà Nội, những tri thức liên ngành về lịch sử, văn hóa, kinh tế, đô thị học và định cư được tích hợp lại, để nhìn xứ Đoài từ một lăng kính tổng hòa sinh thái tự nhiên - nhân văn.
Gần đây nhất, tôi may mắn được tham dự một chuyến điền dã do Hội đồng họ Phùng Việt Nam tổ chức, cùng với các nhà nghiên cứu, đến thăm 2 địa danh nổi tiếng gắn bó với 2 danh nhân lịch sử họ Phùng: Phùng Hưng và Phùng Tá Chu, và đồng thời cũng là 2 điểm đến quan trọng của xứ Đoài - Sơn Tây, đó là Đường Lâm và Tây Đằng, Ba Vì.
Đền thờ Phùng Hưng nằm ở Đường Lâm, được cho là đền thờ có quy mô lớn nhất thờ Bố Cái Đại Vương. Hiện trạng diện mạo ngày nay của đền thờ là nhờ có một đợt trùng tu lớn vào năm 1889 đời vua Thành Thái, do đó, đền có kiến trúc điển hình của thời nhà Nguyễn vào những năm đầu thế kỷ XX gồm các hạng mục công trình như tả - hữu mạc, đại bái, hậu cung. Trong đền có tấm bia Phùng tự bi ký ở đình Đoài Giáp được tạc vào năm Hồng Đức thứ 4 (1473) để ghi việc thờ phụng đã chép lại rất nhiều thông tin liên quan đến thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Phùng Hưng. Cứ đến mùng 8 tháng Giêng hàng năm, nhân ngày giỗ của ngài, nhân dân và con cháu họ Phùng lại tề tựu để bày tỏ lòng thành kính tri ân với tiền nhân.
Theo các cụ cao niên trong làng truyền lại, đình Đoài Giáp ở Đường Lâm có từ thời vua Ngô Quyền. Khi đó di tích mới chỉ là một ngôi miếu nhỏ, do dân làng dựng lên để tưởng nhớ công đức của Phùng Hưng. Sau này dân làng đã tôn tạo ngôi miếu thành đình làng. Đình được xây dựng bằng vật liệu truyền thống, đặc trưng của địa phương như: Gạch đá ong, các loại gỗ quý. Năm 2001, đình đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đình Đoài Giáp tọa lạc trên thế đất đẹp, thoáng đãng giữa trung tâm làng, quay mặt về hướng Tây Nam. Phía trước đình là một hồ nước rộng. Hai bên đầu đình là giếng nước cổ được xây bằng chất liệu đá ong đặc trưng của vùng đất nơi đây. Đặc biệt, nước giếng ở đây trong vắt mà chẳng bao giờ vơi, dân làng gọi là "giếng mắt rồng". Nơi đó, đầu rồng hướng về phía Đông (xóm Hớn), đuôi rồng hướng về phía Bắc (đường liên thôn), phía xa xa là xóm làng thấp thoáng tre xanh gợi lên vẻ thanh bình của làng quê Việt.
Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi đất cao, có tên là đồi Cấm, mặt hướng về phía Đông. Đền thờ được xây ở phía trên, cách lăng khoảng 100m. Phía trước lăng là một cánh đồng rộng nằm giữa hai sườn đồi; một nguồn nước gọi là vũng Hùm chảy ra sông Tích. Bên cạnh đó là đồi Hổ Gầm, tương truyền xưa là nơi thuở nhỏ Ngô Quyền thường cùng bạn chăn trâu, cắt cỏ và tập luyện võ nghệ… Đây có lẽ là vị trí đẹp nhất của ấp Đường Lâm xưa.
Đền thờ Ngô Quyền được xây dựng từ lâu đời và đã qua nhiều lần trùng tu. Đền có quy mô khá khiêm tốn, gồm: Nghi môn, tả mạc, hữu mạc, đại bái và hậu cung. Đền được xây bằng gạch, lợp ngói mũi hài, có tường bao quanh. Đại bái đền thờ là một nếp nhà năm gian, bộ khung bằng gỗ, được thể hiện chủ yếu thiên về sự bền chắc, tôn nghiêm; gian giữa có treo bức hoành phi đề bốn chữ Hán “Tiền vương bất vong”. Hiện nay, đại bái còn được dùng làm phòng trưng bày về trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng và thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền. Hậu cung là một ngôi nhà dọc ba gian, bộ khung nhà bằng gỗ được trang trí tứ linh, hoa, lá... Gian giữa bài trí tượng thờ Ngô Quyền, long ngai, bài vị, hương án, quanh năm nghi ngút khói hương.
Theo GS Trần Quốc Vượng: "Đường Lâm là vùng đất cổ - người xưa. Đường Lâm tựa lưng vào núi Tản, mặt ngoảnh nhìn sông nước Tích Đà. Đường Lâm sẽ trường tồn và phồn vinh cùng non sông - đất nước…". Quả thực như thế. Chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, Đường Lâm là một di tích độc đáo khi còn hội đủ các giá trị văn hóa của làng cổ Việt Nam, trên bất kỳ phương diện nào, hơn bất cứ nơi nào trên đất nước này. Đây là nơi bảo tồn, lưu giữ một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu của một vùng đất cổ - trung tâm của nền văn hóa xứ Đoài.
Rời Đường Lâm, xe chở đoàn đến khu di tích Đền Cao - di tích cấp tỉnh từ năm 1997 (tỉnh Hà Tây cũ). Đình tọa lạc tại thị trấn Tây Đằng, trung tâm hành chính của huyện Ba Vì. Ngay trong khuôn viên Đền Cao nơi an nghỉ của Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu, một trong những khai quốc công thần có đóng góp quan trọng cho sự hình thành và ổn định của triều Trần. Đứng ở Đền Cao, có thể phóng tầm mắt chiêm bái ngọn chủ sơn của Đồng bằng Bắc Bộ - núi thiêng Ba Vì - nơi khởi nguyên của người Việt cổ, với những đám mây trắng phiêu lãng lững lờ trôi, mang lại một trải nghiệm vừa thị giác vừa tâm cảm rất hùng vĩ sử thi nhưng cũng rất đỗi lãng mạn thi ca.
Xứ Đoài nằm dưới chân núi Ba Vì nhìn ra ngã ba Hạc, là nơi hợp lưu của ba con sông lớn là sông Thao, sông Đà, và sông Lô để rồi tụ thủy ở đầu sông Cái. Vì thế, nó mang đầy đủ đặc điểm tự nhiên điển hình của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, với địa hình bán sơn địa núi đồi xen kẽ đồng bằng, đồng chiêm ô trũng xen kẽ với những đầm hồ vực lớn cùng mạng lưới hệ thống sông ngòi dày đặc gồm sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích, sông Hát, sông Bùi, tạo thành nguồn phù sa trù phú, thích hợp với cơ tầng văn hóa nông nghiệp của khu vực này. Và đặc trưng địa lý, lối sống nông nghiệp, cùng với truyền thống lịch sử, đã góp phần tạo nên cá tính con người xứ Đoài sở hữu nhiều đức tính, cần cù chịu khó nhưng không kém phần mơ mộng, trữ tình.
Đến Tây Đằng, không thể không nhắc đến đình Tây Đằng, vốn được xây dựng vào thời nhà Mạc, thế kỷ XVI, thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh (Tản Viên, Cao Sơn và Quý Minh). Ngôi đình có kiến trúc tiêu biểu của đình xứ Đoài, với bốn mặt để mở, không tường bao.
Đình Tây Đằng nằm trên một khu đất đẹp, cũng hướng về phía núi Ba Vì, có kết cấu trồng rường giá chiêng với 4 vì chính đỡ mái. Nhưng đặc sắc nhất ở đình Tây Đằng là nghệ thuật điêu khắc, trang trí kiến trúc, chạm khắc gỗ thể hiện những hình tượng biểu đạt uyển chuyển, sống động, với kỹ thuật chế tác đạt đến mức thượng thừa.
Bởi vậy, đình đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt. Chẳng vậy mà dân gian có câu “cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài,” và mọi tinh hoa đình làng xứ Đoài dường như đã hội tụ và biểu hiện cao nhất tại chốn đình Tây Đằng.
Một ngày ghé xứ Đoài mây trắng thôi là không đủ để hiểu mọi nhẽ về vùng văn hóa này, tuy nhiên, những đám mây như đưa con người thế tục chúng ta phiêu bồng về nơi vẻ đẹp của văn hóa Việt, và để chúng ta càng thêm trân quý hơn những giá trị quý báu của lịch sử, dân tộc.